Khi sui gia bất hòa

15/05/2006 22:40 GMT+7

“Anh em mỗi ngày một xa, sui gia mỗi ngày một gần”. Nhưng đôi khi, vì sự cư xử thiếu tế nhị giữa hai bên đã gây ra những hậu quả đáng tiếc...

Những lễ cưới bất thành

Chuyện xảy ra đã lâu ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ngày cưới, hai họ không thống nhất ngày giờ vì bên nào tin thầy (bói) của bên đó. Đằng trai, thầy phán: phải đón dâu vào giờ Tí (nửa đêm). Nhà gái, thầy khác dặn dò: cho nhà trai nhập gia vào giờ Dần (4-5 giờ sáng) mới... đẹp (?!). Chưa đến nửa đêm, nhà trai cập rập chuẩn bị mọi lễ vật, quần áo chỉnh trang sang nhà gái. Sang đến nơi, kim đồng hồ đã gần chỉ sang số 1. Chờ mãi, nhà gái vẫn cửa đóng then cài. Người nhà cô dâu chạy ra, thì thào: "Thông cảm, phải chờ đến 4-5 giờ sáng mới được vào, thầy coi rồi, không làm khác được!". Chẳng biết làm sao hơn, họ đằng trai dựa dật ngủ tạm. Đến sáng, nhà gái mở cửa nghênh "hiền tế" thì ôi thôi, đằng trai người nào người nấy đều đầu bù tóc rối, quần áo nhăn nhúm vì cả đêm ngủ vật vờ ngoài ngõ. Cha cô dâu tỏ vẻ không bằng lòng. Ông sui cũng "tức khí" không kém. Chỉ sau vài câu "châm ngòi", sự bất hòa giữa hai bên phát sinh. Trận cãi nhau không mong đợi đã nổ ra và kết thúc bằng câu tuyên bố của họ nhà trai: "Không cưới xin gì nữa cả!", mặc cho cô dâu - chú rể khóc hết nước mắt.

Sau nhiều năm lênh đênh trên biển, chàng trai ngư dân Bình Định đã tìm được "bến đỗ" đời mình là người con gái đất Bình Thuận. Cuộc hôn nhân của họ dẫu xa xôi cách trở nhưng được cha mẹ hai bên chấp thuận. Ngày nhà trai vào Bình Thuận ăn hỏi, họ nhà gái đón tiếp rất niềm nở, chu toàn mọi việc ăn, ở, thậm chí đài thọ cả tiền phòng khách sạn. Ngày cưới, họ nhà gái đưa dâu ra Bình Định. Để tiết kiệm, nhà trai mời nhà gái tá túc tại nhà người họ hàng. Chỗ ở quá chật chội, nhà gái đã ra ngoài thuê riêng. Từ chuyện ăn, chuyện ở nhà gái đều phải tự túc. Ông bà sui gia không dám đến mời cơm họ nhà gái vì sợ tốn kém. Buồn vì sui gia chẳng biết lễ nghĩa, tủi cho con gái vì phải sắp làm dâu họ "kẹo" nên sau khi bàn bạc, đằng gái quyết định đưa con về lại đất Bình Thuận ngay trong ngày!

Sui gia bất hòa

Lâu nay, mối qua hệ cha chồng - nàng dâu của ông N.H và chị N.T.D (cùng ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) không được tốt đẹp cho lắm. Bởi vậy, sau khi nghe người em gái mách con dâu nói mình "bẻm ăn", ông H. "nộ khí xung thiên", chạy qua nhà tát con dâu mấy bạt tai. Chị D. vừa la khóc vừa kêu gào nhờ gia đình mình đến cứu viện. Nghe con khóc, gia đình chị D. kéo nhau chạy qua. Phía bên này, gia đình ông H. chuẩn bị "khí giới" phản đòn. Hai bên lời qua tiếng lại. Cuộc "võ mồm" kết thúc bằng trận hỗn chiến, làm náo loạn cả xóm làng. Hai ông thông gia - tuổi đã ngoài 60 - người cầm cây, người vác đòn gánh cùng chạy đến "trợ chiến" cho phe mình. Tàn cuộc, chị D. cùng mẹ và người em phải đi bệnh viện cấp cứu. Một người con của ông H. bị xử tù giam, còn ông H. được hưởng án treo vì tội gây thương tích. Nỗi hiềm khích trước đây giờ càng bị xé to ra, chẳng biết đến khi nào mới hàn gắn được!

Một hôm, tôi gặp một phụ nữ đến tòa xin ly hôn vì gia đình của chị kiên quyết bắt chị chia tay chồng. Sau một hồi trò chuyện, tôi nhận thấy rằng nguyên nhân khiến vợ chồng hục hặc là do sự tác động của hai bên gia đình. Người vợ tính hay cãi lại, không cần kiêng nể ai. Người chồng lại nghe lời bố mẹ ruột. Anh cứ vin vào đó "trị vợ". Trong tình cảnh đó, lẽ ra người vợ phải khéo cư xử, đằng này, mọi chuyện đều được người vợ kể lại với gia đình của mình. Vô hình trung khiến gia đình phía vợ tăng ác cảm với chàng rể, rồi ghét lây cả ông bà thông gia lắm điều; đến mức, vào những ngày lễ, tết họ chẳng thèm đến nhà thăm hỏi. Thậm chí còn nói bóng gió nhau qua "trung gian" chàng rể -  nàng dâu. Và cuối cùng, nhà gái ra tối hậu thư cho con gái: "Sẽ từ con nếu không bỏ thằng đó!".

Để mỗi ngày một gần

Ông bà ta có câu "anh em mỗi ngày một xa, sui gia mỗi ngày một gần". Sợi dây liên kết giữa hai gia đình càng chặt hơn khi đứa cháu ra đời kêu nội - ngoại. Bởi vậy, mỗi khi gia đình con cái lục đục, hai bên thông gia cũng đứng ngồi không yên, tìm mọi cách để hàn gắn. Gia đình anh Bằng và chị Hương - có một thời suýt phải "kính thưa quý tòa" vì hiểu nhầm nhau. Mỗi khi xảy ra "nội chiến", anh Bằng chạy về nhà cha mẹ đẻ, ông bà không cho vào nhà, bắt phải về nhà riêng ăn, ngủ. Phía bên nhà gái cũng thực thi chính sách y như thế. Hai bên gia đình còn gặp nhau nói chuyện, cùng động viên con trai - con gái "một sự nhịn chín sự lành". Cuối cùng, anh Bằng - chị Hương cũng nhận ra lẽ thiệt hơn, quay lại sống hạnh phúc bên nhau cùng con cái.

Mối quan hệ sui gia gần hay xa là tùy vào cách cư xử của những người trong cuộc. Nếu như biết cư xử khéo léo, sẽ khiến cho hai gia đình ngày càng thân nhau hơn, không thì ngược lại. Người chồng - vợ tốt nhất là nên giữ thái độ "tốt khoe, xấu che" để rồi sau đó tìm cách khắc phục dần những bất cập của gia đình nhà mình...

Hoàng Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.