Khi tình thương ở lại - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thắm (Đồng Nai)

15/11/2022 17:00 GMT+7

Ngôi nhà của Hoàng đơn sơ đến mức Hoàng chưa từng một lần nghĩ sẽ rủ các bạn về nhà chơi. Nhà tuềnh toàng, bên trong bừa bộn. Nhưng lý do chính là vì Hoàng muốn che giấu một nỗi niềm.

Hoàng có một người mẹ không thực sự được bình thường. Mẹ Hoàng có trí khôn của một đứa trẻ lên mười trong hình hài của người phụ nữ luống tuổi. Hoàng thương mẹ Hạnh, thương cuộc đời mẹ long đong, lận đận. Cái tên của mẹ vừa là bất hạnh cộng với đức hạnh. Một người đàn bà thiện lương nhưng bị cuộc đời vùi dập.

Cha Hoàng là người mê rượu, ngày có sáng-trưa-chiều-tối, với ông chỉ có hai buổi là lúc tỉnh và lúc say. Lúc tỉnh ông làm như điên như dại, bán mọi sức khỏe mà mình có, làm bất cứ thứ gì người ta yêu cầu, từ việc nguy hiểm như leo chót vót lên ngọn dừa cao mà không có bảo hộ để hái dừa thuê, leo lên chặt cành cây cũng vài lần bị té ngã nhưng may phúc lớn, mệnh lớn; lúc theo bác Hành hàng xóm xách vữa, phụ hồ, treo mình trên những tòa nhà cao tầng… việc gì có tiền là ông làm. Nhưng chiều về ông lại say xỉn và đắm chìm với thứ men của gạo, say triền miên từ ngày này qua tháng khác. Cha chưa từng tụ tập uống rượu ở đâu, chỉ ở nhà độc ẩm một mình, uống như để quên đi tất cả mọi thứ bất hạnh trên đời đang giáng xuống đầu ông vậy. Mỗi lần cha say, cha chửi, chửi như anh Chí phèo trong truyện của Nam Cao.

Cha Hoàng lấy mẹ Hạnh cũng vì bất đắc dĩ, mẹ Hạnh vốn là người con gái bất hạnh ngay từ khi sinh ra. Ngày mẹ ra đời là ngày bà ngoại ra đi mãi mãi, mẹ sặc ối tưởng chết. Nhưng cuộc đời không mang mẹ đi cùng bà ngoại, bắt mẹ ở lại sống những tháng ngày thê lương thảm hại. Ông ngoại buồn rầu vài năm sau ra đi. Mẹ ở với người cô ruột không chồng. Khi mẹ Hạnh lên tám, bà cũng bỏ mẹ ra đi. Một đứa trẻ lang bạt nơi đầu đường xó chợ, tất cả những nơi nào có thể kiếm được cái ăn mẹ đi. Mẹ nhặt nhạnh ve chai, bán vé số và sống bằng tình yêu thương của cái chợ chiều nghèo nàn.

Cứ ngỡ như vậy đủ bi thương, nhưng đâu ngờ khi mẹ lên mười bảy tuổi, khuôn mặt mẹ xấu còn hơn cả Thị Nở, méo xệch quai hàm, mắt lé, gò má cao, lông mày rậm không bao giờ được tỉa tót, mái tóc bết vì bụi mù của đường. Người mẹ vốn suy dinh dưỡng từ bé nên lùn, nhỏ con, mới có mười bảy tuổi mà lưng mẹ gù xuống như một bà già. Mẹ lang bạt tất cả các con xóm nhỏ để bán vé số kiếm ăn qua ngày. Thế rồi, những đứa trời ơi đất hỡi độ xe để đua trong đêm canh tàn, xủi rủi sao chúng tông phải mẹ Hạnh đi bán vé số về khuya. Mẹ nằm xuống đường ngoi ngóp. Cả xóm chợ nghèo góp tiền để chữa bệnh cho mẹ. Qua trận thập tử nhất sinh ấy, tai nạn đã biến mẹ Hạnh vốn là người ít học, không lanh lẹn, nay lại bị rơi vào trạng thái không mấy bình thường, ngẩn ngơ sao sao ấy.

Rồi chẳng hiểu ma xui quỷ khiến gì vào một đêm trời mưa gió, mẹ đi qua nhà, lúc này cha cũng mới bị người vợ trẻ đẹp phản bội đi theo người tình cũ. Nghe đâu vợ trước của cha xinh lắm, đã theo một người đàn ông khác, giàu có. Người ấy đi còn vơ vét tất cả những của cải trong nhà. Bà nội tức đến lên cơn tăng xông nằm bệnh viện. Thời gian vài tuần bà ra viện rồi cũng theo ông nội về với thế giới bên kia. Lúc đó cha chỉ biết một mình uống rượu cho quên đi sự đời. Nào ngờ trong lúc say và mẹ Hạnh tới.

Ảnh minh họa

shutterstock

Cha chấp nhận lấy mẹ Hạnh bởi vì có Hoàng. Nhưng ông luôn cảm thấy bất lực trước cuộc đời. Sau đêm mưa gió ấy, chín tháng sau, người ở xóm chợ nghèo kéo đến nhà ông đông như đi đánh trận. Họ như muốn đến phá tan tành ngôi nhà, đến để bắt vạ người đàn ông khốn nạn đã làm con bé Hạnh dở người có thai, và giờ khi nó đang một mình vượt cạn trong bệnh viện thì ông vẫn thờ ơ.

Ông chết lặng. Nhưng ông tin. Lật đật mượn xe chú Hùng. Cha theo mọi người lên bệnh viện. Tiếng khóc trẻ con vang vọng khiến cha xốn xang vô cùng. Nhìn đứa con đỏ hỏn trong tay cô y tá, ông đã quyết định sẽ đón hai mẹ con về. Có thể ông đến với mẹ chẳng vì tình yêu mà bằng thứ trách nhiệm với hành động bồng bột của mình.

Cha vẫn kiếm tiền hàng ngày. Mẹ Hạnh vẫn ngày ngày đi bán vé số. Hoàng được cho ăn học tử tế. Nhưng bao năm tháng Hoàng chưa từng thấy cha nói chuyện ân cần, chưa bao giờ chu đáo, chưa bao giờ tặng quà sinh nhật cho mẹ, chưa bao giờ nói bất cứ lời nào của một người đàn ông dành cho một người đàn bà ở chung nhà. Cha coi mẹ lặng lẽ như một bóng ma trong nhà.

Chắc mẹ hiểu, nên mẹ sống lặng lẽ. Mẹ Hạnh yêu thương Hoàng theo bản năng. Mẹ không biết thể hiện tình yêu thương. Chỉ biết rằng mỗi lần đi bán vé số về lại đưa hết tiền cho cha để đóng tiền học cho Hoàng. Ai ở chợ nghèo cho gì mẹ không ăn mà mang về cho Hoàng. Mẹ chưa từng biết chữ, cha cấm mẹ không được bén mảng đến trường Hoàng để bán vé số vì sợ Hoàng sẽ có cảm giác tự ti. Ngay từ khi còn nhỏ, cha đã lựa chọn cho Hoàng học ở một trường thật xa nhà, và cấm mẹ Hạnh được đón Hoàng về khi tan lớp. Mẹ Hạnh lén lén lút lút như một tên trộm chỉ biết nhìn Hoàng từ xa. Có những ngày trời mưa mẹ mang áo mưa tới trường, nhìn thấy Hoàng mẹ chẳng dám tới gần. Biết thế cô Hoa bán cá chợ nghèo đã chở Hoàng về giúp mẹ. Trên xe cô ấy bảo: “Hoàng ơi, sau này cháu lớn, cháu phải yêu thương mẹ Hạnh nhớ” - rồi cô ấy bỗng khóc nghẹn ngào trong mưa.

Cứ thế thời gian trôi qua thật nhanh, năm nay Hoàng đã đậu và sắp bước chân vào cảnh cửa của trường đại học. Mẹ bỗng tỏ ra lo lắng, bồn chồn. Rồi mẹ đi đâu cả tuần trời không về. Lúc đầu cha con Hoàng không để ý, do lâu lâu mẹ đi bán ở xa cũng hai ba ngày mới về, nhưng bây giờ đã sang ngày thứ sáu mà vẫn chưa thấy.

Hôm nay cha đã ngừng không uống rượu, lần đầu tiên thấy ông đi ra, đi vào một cách lo lắng như ngồi trên đống than. Hoàng cũng như linh cảm được chuyện bất an. Hoàng lấy xe đạp cuống cuồng đạp như bay trên đường. Trời đổ mưa Hoàng vẫn cố gắng đạp thật nhanh để đến chợ, trong mưa nước mắt Hoàng nhòe đi, Hoàng cầu mong mẹ Hạnh của mình không sao. Hoàng muốn nói: “Mẹ ơi con yêu mẹ, xin mẹ đừng có sao”.

- Thím Mai!

- Ô cái thằng Hoàng, mưa gió mày đi đâu vậy con, sao để ướt như chuột lột vậy, vào đây đã.

- Thím có biết mẹ cháu… - Hoàng nghẹn ngào.

Dì Phương bên cạnh đang dọn hàng cười bảo: "À, mẹ Hạnh cháu đi về nhà bà bác mấy hôm. Nghe đâu bảo đi lấy sổ đỏ để về đưa bố bán đất cho cháu tiền lên phố ăn học. Ráng mà học cháu ạ".

Thím Mai cười rạng rỡ: "Mẹ Hạnh cháu ít học, lại bị giời đày, nhưng mà sống phúc đức bấy lâu nay nên cũng may có mày. Cố mà học hành thành tài nghe chưa con, học hành tử tế cho mẹ mày đỡ khổ".

- Cháu… - Hoàng ấp úng.

Thím Mai nhìn nó trìu mến: “Là mẹ cháu đi lấy sổ đất đấy. Cũng may bà Ba là người tinh tường để lại di chúc nói ai đó lo cho mẹ mày phần đất của ông bà để lại. Lúc cha cháu rước mẹ cháu về không mảnh giấy kết hôn. Chẳng qua có cháu, chứ ông ấy có coi mẹ cháu là vợ đâu. Nên mọi người đã khuyên mẹ cháu gửi sổ đất đi để phòng khi có bất trắc còn có cái mà lo liệu. Gửi trên nhà bác Minh đấy. Hôm qua bác ấy xuống rước mẹ cháu xuống lấy sổ về, rồi mấy thím ở đây sẽ giúp mẹ bán đi một phần nhỏ để cho cháu có tiền ăn học. Chứ cha cháu yếu rồi, lo gì nổi, với lại ông ấy...”, thím Mai ngập ngừng.

Hoàng thở phào nhẹ nhõm, chào mọi người rồi quay xe về nhà. Trên con đường với những làn mưa giăng mắc, Hoàng thấy giọt nước mắt của mình nhòe đi. Thế mà bao năm nay, Hoàng dù thương mẹ nhưng vẫn luôn câm nín, không dám lại gần vì sợ cha.

Về đến nhà căn nhà trống vắng, cha đã lấy xe máy chạy đi đâu rồi. Lòng Hoàng rối như tơ vò. Hoàng đi ra đi vào, đi vào rồi lại đi ra như một con kiến bị leo phải cành cụt. Trời đã nhá nhem tối, mưa thôi ngừng rơi. Hoàng thực sự lo lắng vô cùng. Đang không biết sao thì nghe tiếng xe của cha từ xa, Hoàng vội vàng chạy ra thấy cha đã đèo mẹ về tới sân.

Hoàng chạy tới ôm chầm lấy mẹ mà khóc như đứa trẻ con vừa tìm được thứ gì đó đã đánh mất, Hoàng cứ khóc mãi không thôi, mẹ Hạnh không biết an ủi sao.

Cha cũng cười tươi bảo: Vào dọn cơm đi con, đói lắm rồi.

Thì ra bác Minh đã gọi điện về cho chú Hải bên nhà để bố ra đầu xóm đón mẹ về. Hôm nay Hoàng thấy căn nhà mình khác lắm, nó ấm cúng vô cùng, cơm hộp cha mua sẵn mà ăn cũng thấy ngon tuyệt. Lần đầu tiên cha nhìn mẹ trìu mến. Như tìm được lại món đồ gần bị mất hụt người ta mới thấy quý giá.

Mẹ mở túi đã cũ mèng với dấu vết của thời gian, nó sờn đi và bạc thếch, mẹ đưa ra cuốn sổ, mẹ chỉ nói với cha: Giữ lấy đi, tiền học cho Hoàng đấy.

Cha ngây người ra một lúc, coi kỹ rồi như hiểu ra chuyện. Cha lặng đi không nói.

Từ hôm đó, Hoàng thấy ngôi nhà của mình ngập nắng, ngập tiếng cười, ngập tràn tình yêu thương, cha cũng thôi uống rượu và siêng đi làm hơn. Hoàng cố gắng chăm lo cho mảnh vườn trước khi lên thành phố. Mẹ vẫn đi bán vé số hàng ngày. Chiều nay về thấy cha mua tặng mẹ một bộ quần áo mới, một đôi dép mới và một chiếc túi mới để đựng vé số. Cha mua cả một cái hòm gỗ nhỏ để đựng cuốn sổ đỏ mẹ đưa, cha bảo: “Đây là tài sản của mẹ con, cha không muốn bán đi, bố mẹ vẫn lo cho con đi học được. Khi nào bí quá thì sẽ bán. Con cố gắng học hành đỗ đạt nghe con”.

Hoàng khóc nghẹn đi, giờ đây Hoàng mới cảm nhận được đây thực sự hạnh phúc của gia đình. Mai Hoàng sẽ giúp đỡ cha mẹ dọn dẹp lại nhà cửa, rồi sẽ mời chúng bạn về nhà chơi và tự hào kể về cha mẹ mình mà không phải giấu diếm, không sợ mọi người cười chê nữa.

Nhà luôn là nơi ngập tràn tiếng cười hạnh phúc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.