Khi tướng công an làm bí thư tỉnh

28/09/2014 03:15 GMT+7

Những tưởng một vị tướng với ba chục năm phục vụ trong ngành công an rồi lên tới cấp hàm trung tướng, đến khi được "đi bộ đội" (từ để chỉ những cán bộ được Trung ương luân chuyển xuống cơ sở) làm lãnh đạo một tỉnh thì khó tránh được cái sự "cứng” trong điều hành. Nhưng với Ủy viên Trung ương Đảng Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, nguyên Thứ trưởng Công an, thì lại không phải thế.

Thậm chí, còn thấy ông khá thoáng khi xử lý công việc, đặc biệt khi là lãnh đạo ở một tỉnh biên giới rất phức tạp với 1,2 triệu dân, duy nhất có cả biên giới đất liền lẫn biển với Trung Quốc. Tính trung bình từ 2011 đến 2013, GDP luôn tăng gần 9%/năm; rồi GDP bình quân đầu người đạt 3.000 USD/năm và tăng 1,6 lần so với 2010.

Tôi cũng thấy rất thú vị khi nghe ông nêu những cách nghĩ, cách làm của mình có liên quan tới đời sống người dân vùng biên, cả trên đất liền lẫn hải đảo thuộc Quảng Ninh. Ông bảo: “Chẳng qua chúng tôi cũng chỉ học tập và làm theo tư tưởng của Bác Hồ mà thôi. Bác của chúng ta nói: "Cứ cái gì mà có lợi cho dân thì ta hết sức làm. Còn cái gì mà có hại cho dân thì ta hết sức tránh”.

Đường biên giới Quảng Ninh giáp với Trung Quốc khá dài. Ông bày tỏ: "Bảo vệ biên giới không có nghĩa là không giao lưu, không quan hệ. Ở một tỉnh giáp biên, khi hai bên chỉ cách nhau con suối nhỏ, nếu trong quá trình giao lưu, họ yêu nhau rồi lấy nhau thì cũng không sao. Chúng ta nên nhìn câu chuyện này một cách nhẹ nhàng hơn, tránh cực đoan, bởi sống ở vùng biên thì như thế, làm sao ta cấm họ được".

"Việc xử lý những khúc mắc nảy sinh ở biên giới cũng vậy, ta không nên quá cứng nhắc. Đành rằng trong cả một giai đoạn dài nó có thể có lúc này lúc khác, song chúng ta cần mềm dẻo, kiên trì vận động, hết sức tránh va chạm để giữ gìn đoàn kết, hữu nghị. Chỉ có vậy thì mới làm ăn tốt được. Một khi căng thẳng, bất ổn quá thì dân chịu chứ còn ai vào đây?", ông Chính tâm sự.

Bí thư Tỉnh ủy cũng chia sẻ thật lòng: "Ở vùng biên giới, hải đảo mà chúng ta áp đặt chính sách dân số quá chặt như vùng đồng bằng cũng không ổn, bởi nếu không, lại phải có chính sách di dân lên đó. Như vậy có khi lại phát sinh nhiều thứ tốn hơn. Tóm lại, củng cố thế trận lòng dân rất cần có những chính sách phù hợp với đồng bào ở biên giới...".

Vào dịp cuối năm 2013, Chủ tịch Tập đoàn Las Vegas Sands, ngài tỉ phú Sheldon Adelson đã sang VN và ra thăm vịnh Hạ Long bằng một chuyến trực thăng. Ông Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã tiếp ngài tỉ phú, muốn giới thiệu với Tập đoàn Las Vegas Sands về dự án đặc khu kinh tế (ĐKKT) Vân Đồn. Cứ ngỡ vị thượng khách kia sẽ lắng nghe tỉnh trình bày cặn kẽ dự án thì không ngờ cuộc tiếp chỉ diễn ra có ít phút với câu hỏi "tử huyệt": Bao giờ Quảng Ninh có sân bay? Bao giờ người dân VN được vào chơi casino? Nếu giải đáp được cho tôi điều này thì chúng ta hãy bàn sâu hơn...". Nói xong, ông ta xin phép ra về.

Một câu hỏi nhưng làm Quảng Ninh đau đầu. Nói như nhà kinh tế, TS Trần Đình Thiên, thì ý tưởng xây dựng ĐKKT kiểu như Thẩm Quyến (Trung Quốc) mà chúng ta muốn đã có từ 1997 nhưng rồi thất bại. Thất bại từ trong trứng bởi "nó chủ yếu liên quan đến tầm nhìn, đến quan điểm phát triển quốc gia".

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính, đề án ĐKKT Vân Đồn đã được Bộ Chính trị cho ý kiến, tỉnh tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện, sau đó trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ cho ý kiến trước khi các cấp có thẩm quyền phê chuẩn... Song, với Quảng Ninh, khi họ có một vị lãnh đạo vốn xuất thân từ dân an ninh nhưng rất am tường kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, họ vẫn tự tin và không chùn bước trước khó khăn cùng những vấn đề nhạy cảm.

Quan trọng, khát vọng xây dựng một ĐKKT của một người lãnh đạo sẽ giúp các cộng sự yên tâm hơn trong bước đường đương đầu với khó khăn.

Quốc Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.