Hết bị "đè" vì thuế lại bị "hành" vì phí, chưa ở đâu, xe ô tô lại khổ như ở Việt Nam. Chắc cũng không ở đâu, những "khổ chủ" xe hơi lại nơm nớp, thấp thỏm như ở Việt Nam khi mỗi ngày phải đối diện với những đề xuất tập trung chủ yếu vào chuyện "móc hầu bao" của họ.
Mới nhất là đề xuất "chủ xe ô tô phải mở và duy trì tài khoản tại ngân hàng với giá trị tài khoản là 20 triệu đồng. Đây là điều kiện bắt buộc để ô tô tham gia giao thông", nhằm chống ùn tắc và kiềm chế tai nạn giao thông. Phải thú thật là dù đọc tới đọc lui, nghĩ đi nghĩ lại, người viết vẫn không thể hiểu đề xuất trên có tác dụng gì trong việc chống ùn tắc và giảm tai nạn giao thông. Làm một "khảo sát bỏ túi" cho khách quan với hơn chục người sở hữu xe hơi, ai cũng lắc đầu không nghĩ ra được mối liên hệ giữa việc bỏ 20 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng và tình trạng kẹt xe, tai nạn giao thông. Lạ một điều là, tác dụng với tình trạng giao thông thì không người nào thấy, nhưng tất cả đều nhìn ngay được, các ngân hàng sẽ hưởng lợi khi bỗng dưng được "sở hữu" một số tiền cực lớn. Tất nhiên sẽ có ý kiến cho rằng, ngân hàng chỉ là trung gian, sẽ có cơ quan được chỉ định để quản lý số tiền đó. Nhưng chúng ta đều biết, các ngân hàng vẫn đi vay nóng của nhau qua đêm, 1 tuần, 2 tuần với lãi suất trên trời. Nên dù có đóng vai trò trung gian một ngày, vài ngày thì họ vẫn hưởng lợi lớn. Đó là chưa kể, hàng loạt các vấn đề sẽ phát sinh sau đó như sử dụng số tiền đó thế nào, nếu người sở hữu ô tô bán xe thì có được trả lại hay không; ban, bệ nào sẽ đứng ra làm các thủ tục này; ai trả lương...
Thực ra việc đi tìm tác dụng của đề xuất trên là không cần thiết. Bởi về bản chất, đây cũng là một loại phí "đánh" lên xe ô tô. Mà nói về phí xe ô tô, từ những loại đã, đang áp dụng cho tới những loại còn ở dạng đề xuất có thể kể ra hàng loạt. Nào là phí cầu đường; phí bảo trì đường bộ; phí thu qua xăng dầu; phí hạn chế vào nội đô, nội thành... Nên có thêm "phí lưu thông" nói trên, cũng chẳng phải điều gì lạ lẫm. Cũng chẳng ai kỳ vọng gì vào tác dụng của các loại phí này. Bởi "giải pháp phí" đã được sử dụng quá nhiều, quá lâu nhưng kẹt xe vẫn ngày càng trầm trọng, tai nạn vẫn ngày càng tăng. Mà nào chỉ riêng lĩnh vực giao thông, rất nhiều các ngành, nghề khác khi bế tắc cũng "nhè" vào ô tô dù giải pháp này không giải quyết được những vấn đề của họ. Đơn cử như để hạn chế nhập siêu, Bộ Thương mại đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và phí trước bạ đối với mặt hàng này. Kết quả là nhập siêu vẫn tăng, chỉ có người mua xe thì khổ vì giá xe bị đội lên; hay để xây dựng ngành công nghiệp ô tô trong nước, xe ô tô nhập khẩu bị áp dụng rất nhiều loại thuế, khiến giá đội lên gấp đôi, gấp ba lần so với giá gốc... nhưng ngành công nghiệp ô tô mà chúng ta kỳ vọng, mấy chục năm nay, vẫn chưa thấy bóng dáng.
Vài tháng một đề xuất, thỉnh thoảng một loại phí được đưa ra không chỉ làm khổ cho cả xe và người mà các ngành dịch vụ, công nghiệp liên quan đến xe ô tô ở Việt Nam chắc chắn cũng bị ảnh hưởng khi ô tô luôn bị coi là "tội đồ" như nói trên.
Nguyên Khanh
Bình luận (0)