Trường học giống như một xã hội thu nhỏ với rất nhiều yếu tố phức tạp, gây ảnh hưởng đến tâm lý các sinh viên. Vừa bước vào năm nhất, Trần Phương Dung, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM, tâm sự: "Những năm cấp ba, tôi bị các bạn học xa lánh chỉ vì có ngoại hình không ưa nhìn. Đến bây giờ, khi bước vào ĐH, một môi trường mới, tôi vẫn cảm thấy tự ti và không có đủ dũng khí để làm quen mọi người xung quanh".
Dung cho biết dù trải qua quá khứ không mấy tích cực và để lại trong cô nhiều nỗi ám ảnh, thế nhưng nữ sinh viên vẫn đang cố gắng từng ngày để thoát ra khỏi vỏ bọc an toàn của chính mình.
Là sinh viên chuyển từ ngành Nhật Bản học sang ngành báo chí, Đặng Nguyễn Thanh Trúc (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) gặp khá nhiều khó khăn khi phải làm quen với những bạn học mới. "Vì vào lớp sau nên thoạt đầu tôi khá ngại ngùng khi nhìn mọi người trong lớp đã quen thân với nhau từ trước. Mỗi ngày đi học tôi thường ngồi ở một góc bàn cuối lớp, không có ai trò chuyện và làm bài tập cùng khiến tôi cảm thấy rất nản chí", Trúc thổ lộ.
Việc khủng hoảng nhất đối với nữ sinh viên chính là tìm nhóm làm bài tập. Bởi hầu hết các bạn đều có sẵn nhóm và khá ngập ngừng khi phải nhận thêm một người mới vào nhóm. Dần dà như thế khiến cô có suy nghĩ nghỉ học.
Tính cách hướng nội cũng là một điểm yếu trong giao tiếp của Trúc. Tự nhận bản thân là một người hòa đồng, nữ sinh viên rất vui vẻ khi có người đến bắt chuyện. "Tuy nhiên tôi rất ít khi chủ động bắt chuyện với người lạ. Tôi đang cố gắng mỗi ngày để cải thiện điều đó", Trúc hy vọng.
Xem trường ĐH là ngôi nhà thứ hai
Tuy nhiên không phải ai cũng rơi vào trạng thái "ác mộng" khi bước chân vào cánh cổng ĐH. Không ít sinh viên xem đây là ngôi nhà thứ hai để bản thân được "bung xõa" và sống đúng với chính mình nhất.
"Động lực lớn nhất để tôi chạy xe máy hơn 15 km mỗi ngày là để gặp các bạn ĐH. Nếu một ngày tôi không nói chuyện với các bạn, tôi sẽ cảm thấy ngột ngạt, khó chịu lắm!", Khánh Linh (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) chia sẻ. Đây có lẽ là lý do chung của hầu hết sinh viên thích đến trường.
Linh cho biết, thường ngày ở nhà chỉ có ông bà và bố mẹ, nhưng ở trường thì khác. Linh may mắn tìm thấy được những người bạn có thể thấu hiểu và chia sẻ về mọi thứ trong cuộc sống. Chơi với các bạn "hợp gu", Khánh Linh đôi khi còn quên rằng bản thân đã là sinh viên năm 3 và sắp phải bước vào đời để "thực chiến".
Không chỉ tìm thấy niềm vui đến từ bạn bè, môi trường ĐH còn là cái nôi sản sinh ra rất nhiều tài năng thông qua những hoạt động ngoại khóa như câu lạc bộ đội nhóm và chiến dịch tình nguyện.
Chẳng hạn, Lý Ái My (sinh viên năm 3 ngành báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - Chủ nhiệm CLB Truyền thông REC) không thể giấu được niềm hạnh phúc khi cùng CLB kêu gọi được số tiền lớn để tổ chức chương trình Thắp sáng vùng cao, giúp đỡ cho các mảnh đời khó khăn vùng sâu vùng xa.
Ngoài ra, các hoạt động tại trường không chỉ cho sinh viên những trải nghiệm khó quên mà còn tôi luyện cho các bạn những kỹ năng mềm cần thiết như nói trước đám đông, giao tiếp hay làm việc nhóm… rất thiết thực cho tương lai sau này. Đối với Ái My, mỗi ngày đến trường là mỗi niềm vui khác nhau. Đi học giúp My trở nên năng động hơn, quen được nhiều bạn mới và quan trọng hơn hết, My có được những kỷ niệm đáng nhớ trong đời sinh viên của mình.
Tập tạo thói quen suy nghĩ tích cực
Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An (cựu giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng sự tiếp nhận với một môi trường mới tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
"Cấu trúc não bộ quy định nét tính chất của mỗi người là khác nhau. Những người hướng ngoại thì dễ dàng thích nghi hơn. Trong khi đó, những người sống nội tâm, ít nói sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để hòa nhập với môi trường mới", ông An chia sẻ. Ngoài ra, các yếu tố bên ngoài như thay đổi nền nếp sinh hoạt, lối sống mới và bạn bè mới cũng là những rào cản mà các bạn sinh viên thường gặp phải khi bước chân vào ĐH.
Theo ông An, các bạn sinh viên nên chuẩn bị tâm lý trước cho bản thân để có một sự tiếp nhận ít bỡ ngỡ. "Thay đổi về nhận thức, đừng tự tạo áp lực cho mình, hãy nghĩ rằng bất cứ một môi trường nào cũng đều là môi trường để mình học hỏi kiến thức, văn hóa từ bạn bè thầy cô. Từ đó, tích lũy kiến thức làm hành trang bước ra xã hội", ông An nhắn nhủ. Đặc biệt, thái độ tích cực là một phẩm chất quan trọng cần được trau dồi.
Hòa nhập không phải câu chuyện ngày một ngày hai mà đó là cả cả hành trình dài cần có sự đồng hành cùng gia đình và nhà trường, theo thạc sĩ Hoàng An. Trường học không nên để sinh viên "bơi" trong một biển cả thông tin, mà nên tạo thông tin, hướng dẫn rõ ràng và cụ thể. Đồng thời, sinh viên nên tìm hiểu về sở trường và sở đoản để tham gia đúng câu lạc bộ, hoạt động trải nghiệm mà bản thân yêu thích.
Bình luận (0)