Khổ như... nhân chứng - Kỳ 2: Đang ôn thi thì công an dẫn đi...

01/10/2013 00:00 GMT+7

>> Khổ như... nhân chứng - Kỳ 1

Vụ “kỳ án vườn mít” đến nay đã khép lại với bản án chung thân dành cho Lê Bá Mai, nhưng với nhiều nhân chứng thì “di chứng” của vụ án vẫn chưa thể chấm dứt sau 9 năm với nhiều phiên xét xử...

Khổ như... nhân chứng
Các nhân chứng trong phiên xử phúc thẩm vụ án Lê Bá Mai - Ảnh: Lê Nga

Sau khi phiên tòa xét xử phúc thẩm tại TP.HCM kết thúc với mức án chung thân dành cho Lê Bá Mai, ngày 20.9, chúng tôi trở lại xã An Khương, H.Hớn Quản (Bình Phước) và vẫn còn nghe râm ran dư luận về những người từng được triệu tập ra tòa làm nhân chứng.

9 năm làm chứng

Người đầu tiên tiếp xúc với chúng tôi là ông Trần Văn Sinh, nguyên Công an viên xã An Khương, H.Bình Long (nay là H.Hớn Quản). Ông Sinh là một trong những nhân chứng quan trọng, người được giao nhiệm vụ bảo vệ hiện trường và lập biên bản lấy lời khai của Thị Hằng (người đi cùng nạn nhân Thị Út - PV). Khi được hỏi về vụ án, ông Sinh mệt mỏi nói: “Vụ án đã kết thúc, tôi không muốn nhắc nhiều đến nữa. Kể từ phiên xử lưu động đầu tiên đến nay thì đã hơn 9 năm tôi phải đứng ra làm chứng. Bấy nhiêu năm, bấy nhiêu lần xử đi xử lại có lúc tôi thấy chán nản và mệt mỏi lắm rồi”.

 

50.000 đồng/ngày

Luật sư Vương Quốc Quỳnh, Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước, cho biết: “Hiện nay quyết định mức hỗ trợ bồi dưỡng cho người làm chứng khi được tòa án triệu tập là 50.000 đồng/ngày. Ngoài ra, người làm chứng còn được chi trả tiền tàu xe đi lại. Theo cá nhân tôi, thì mức hỗ trợ như vậy là quá thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Để có mặt tại một phiên tòa phục vụ cho quá trình xét xử, người làm chứng phải mất đi một ngày công lao động. Nên chăng cần có thay đổi mức quy định hỗ trợ này dựa vào thu nhập bình quân trong ngày của nhân chứng”.

Cũng theo ông Sinh, việc vụ án kéo dài, xử đi xử lại nhiều lần đã ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người liên quan, trong đó có ông với tư cách nhân chứng. “Mỗi lần nhận giấy triệu tập của công an hay tòa án, tôi phải gác lại tất cả công việc ở cơ quan. Xã An Khương là khu vực vùng sâu, vùng xa, việc đi lại rất khó khăn. Xử ở Bình Phước còn đỡ chứ xử ở TP.HCM thì đi lại rất tốn kém. Mỗi lần đi như thế cũng mất mấy trăm ngàn. Mỗi phiên xử ở tỉnh thì tòa hỗ trợ 100.000 đồng/ngày và thanh toán tiền lưu trú khi có hóa đơn nhà trọ. Có những lúc phiên tòa kéo dài 2 - 3 ngày, công việc ở nhà không biết giao cho ai làm, cũng lo lắm”, ông Sinh nói.

Đối với nhân chứng Thị Hằng, khi vụ án đưa ra xét xử lần đầu cô mới 9 tuổi, đến phiên xét xử cuối cùng đã sang tuổi 18. Nhắc đến vụ án, Hằng buồn bã nói: “Vụ án kéo dài khiến cho việc học, tâm lý của em ảnh hưởng rất nhiều. Mỗi lần nhận giấy triệu tập là em phải nghỉ học. Một tháng có khi bị triệu tập đến 2 lần. Có những lúc đang ôn thi thì công an vào dẫn đi lấy lời khai, lại phải xin phép nghỉ. Lúc đầu thầy cô cũng thông cảm, nhưng vì nghỉ nhiều quá nên thỉnh thoảng cũng bị nhắc nhở. Em ở ký túc xá trường THPT dân tộc, đúng 5 giờ chiều là đánh kẻng ăn cơm, ai không có mặt là coi như mất phần. Mấy lần tòa xử kéo dài đến 6 giờ em đều phải nhịn đói vì đâu có tiền mua cơm ngoài mà ăn”.

Mỗi lần tòa gọi là đi vay tiền

Căn nhà của nhân chứng Điểu Ky nằm lọt thỏm trong khu tái định cư Thanh Lương (xã Thanh Lương, TX.Bình Long). Từ năm 2009, gia đình Điểu Ky chuyển về khu tái định cư này và được xếp vào hạng cực nghèo. Được cấp 1 ha đất nông nghiệp trồng điều nhưng đất quá xấu nên thu hoạch chẳng đáng là bao. Hằng ngày, Điểu Ky sống bằng nghề làm thuê, làm mướn, thu nhập khoảng 100.000 đồng. Vậy mà 9 năm làm nhân chứng cho vụ án vườn mít chẳng khi nào ông vắng mặt.

“Khi nhận giấy triệu tập là tôi phải đi vay hàng xóm vài trăm ngàn đồng để đủ đổ xăng đi lên tỉnh. Tòa có hỗ trợ được ít tiền nhưng không đủ chi phí đi lại chứ nói gì đến việc thuê nhà nghỉ. Ở thành thị cái gì cũng đắt đỏ, vợ chồng tôi phải đem theo cơm ăn. Mỗi ngày chỉ dám ăn một bữa chiều. Tối về thì 2 vợ chồng tôi đến bệnh viện ngủ ở ghế đá chờ tới sáng mai xử tiếp, vì làm gì có tiền thuê nhà trọ trước rồi về thanh toán. Lần nào đi cũng như thế. Những lần xử phúc thẩm ở TP.HCM vợ chồng tôi đều đón xe lên. Mỗi phiên xét xử ở TP.HCM, tôi được hỗ trợ 250.000 đồng/ngày. Có những lần tòa thông báo hoãn thì vợ chồng tôi lại đón xe về mà không nhận được tiền hỗ trợ nào”, ông Ky bộc bạch.

Theo hồ sơ vụ án, Mai làm thuê cho trang trại của ông Dương Bá Tuân (xã An Khương). Sáng 12.11.2004, trong lúc đi rải phân cho cây trồng, Mai phát hiện Thị Út (SN 1993) và Thị Hằng (SN 1995) đi mót củ sắn nên quay trở lại lấy xe máy chở Út đến khu vườn mít để hiếp dâm, dùng quần của nạn nhân siết cổ Út đến chết sau đó vùi xác gần cây mít. Vụ án đã trải qua 3 phiên tòa sơ thẩm, 3 phiên phúc thẩm và 1 lần giám đốc thẩm.

Phiên tòa hiếm hoi

Trong vụ án này, lần phúc thẩm cuối cùng là ngày 30.8.2013, TAND tối cao tuyên y án chung thân đối với Lê Bá Mai. “Để đảm bảo cho việc xét xử khách quan, công khai, trước đó các luật sư cũng có văn bản đề nghị tòa phải triệu tập đầy đủ các nhân chứng. Ngành tòa án đã phối hợp cung cấp xe đưa các nhân chứng từ Bình Phước đến TAND tối cao tại TP.HCM và chở các nhân chứng về tận Bình Phước. Đây cũng là phiên tòa hiếm hoi các nhân chứng được hỗ trợ về phương tiện đi lại. Đây cũng là việc làm hay cần nhân rộng. Để đảm bảo cho công tác xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng nên có xe đưa rước nhân chứng tận nơi, ngoài chi phí hỗ trợ theo quy định của nhà nước”, một kiểm sát viên Viện KSND tối cao đề nghị.

Phước Hiệp - Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.