Khó phủ nhận trách nhiệm

07/08/2011 01:29 GMT+7

Với những gì đang xảy ra tại rạch Bà Chèo, khó có thể phủ nhận "Sonadezi không có cái gì gian dối" như phát biểu của ĐBQH Đỗ Thị Thu Hằng - Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Sonadezi.

>> Phát hiện "Vedan thứ hai" đầu độc sông Đồng Nai

Sáng qua 6.8, trở lại rạch Bà Chèo, nhiều người dân bày tỏ bức xúc trước phát biểu của Chủ tịch HĐTV trên Báo Thanh Niên. Sống gần hồ sinh thái chứa nước thải của Nhà máy xử lý nước thải của Công ty CP DV Sonadezi, gia đình bà Lê Thị Năm (75 tuổi, ngụ ấp 2, xã Tam An, H.Long Thành) có 8 đìa nuôi tôm cá nhưng nay đã phải bỏ hoang vì nguồn nước quá ô nhiễm, tôm cá không thể sống nổi. Còn anh Nguyễn Văn Nhân (trú ấp 2) cho biết anh làm nghề đánh bắt cá từ nhiều năm nay trên các con rạch như Rạch Mương, rạch Bà Chèo… thế nhưng mấy năm nay thì hầu như không làm ăn được gì. “Cá tôm làm gì mà sống nổi với nguồn nước đen ngòm, đặc quánh như nhớt xe mỗi khi nước thủy triều rút xuống”, anh Nhân thở dài.

 
Sau khi sử dụng “công nghệ” pha loãng, nước thải qua họng này và chảy ra rạch Bà Chèo - Ảnh: Kim Cương

Nhiều hộ dân còn cho biết thêm, việc chăn nuôi gia cầm cũng không phát triển được vì mỗi khi uống phải nước ô nhiễm thì gà, vịt cũng lăn ra chết. Nhiều vườn sầu riêng và vườn dâu của người dân ven con rạch cũng phải đốn bỏ do bị thối gốc. "Trước việc nguồn nước bị ô nhiễm từ nước thải các nhà máy trong KCN Long Thành, chúng tôi đã có những phản ánh lên chính quyền các cấp, ngành nhưng đến nay chưa được giải quyết, cuối cùng phải cắn răng, chấp nhận sống chung với ô nhiễm", một người dân nói.

Đi cùng với chúng tôi, anh Nguyễn Thành Phát bức xúc: "Việc gây ô nhiễm nhiều năm qua làm dân chúng tôi điêu đứng. Vậy mà lãnh đạo Tổng công ty Sonadezi bảo không có gì gian dối. Chúng tôi mong cơ quan quản lý môi trường có đánh giá sai phạm và tính toán thiệt hại cho chúng tôi để lấy cơ sở đòi bồi thường".

"Công nghệ" xả trộm

Khó có thể phủ nhận "Sonadezi không có cái gì gian dối" với chứng cứ mà Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an lập vào ngày 4.8, trong đó có đề cập đến hành vi xả thải tinh vi.

Theo biên bản, nhà máy xử lý nước thải đã đặt tại hồ sinh thái một cửa xả sử dụng bằng khóa van tay nằm sâu dưới đất khoảng 80 - 100 cm. Sử dụng khóa van này, có thể đưa nước từ rạch Bà Chèo vào hồ khi thủy triều lên và xả ra khi thủy triều xuống thấp. Vào thời điểm lập biên bản (23 giờ 15 phút ngày 3.8), van khóa này được mở để nước từ trong hồ chảy ra rạch Bà Chèo, ra sông Đồng Nai với màu đen đặc và bốc mùi hôi thối.

Một trinh sát C49 cho biết: "Sau hơn một tháng theo dõi, chúng tôi phát hiện quy luật của nhà máy này như sau: do nước thải sau khi xử lý không đạt tiêu chuẩn, nếu thải ra rạch Bà Chèo rất dễ bị phát hiện nên họ tìm cách pha loãng với nước sông Đồng Nai. Rồi lợi dụng lúc thủy triều xuống hoặc trời mưa lớn, thì mở van để tống nước thải ra sông".

Cũng trong biên bản làm việc, Phó tổng giám đốc Công ty CP DV Sonadezi Trần Quang Thỏa thừa nhận để giảm chỉ tiêu ô nhiễm trong nước thải, công ty đợi khi thủy triều lên sẽ tích nước để pha loãng ô nhiễm, khi thủy triều rút kéo theo toàn bộ nước thải ra rạch Bà Chèo để chảy ra sông Đồng Nai.

Cũng cần nhắc lại, đây không phải lần đầu Công ty CP DV Sonadezi bị phát hiện hành vi gây ô nhiễm. Năm 2009, công ty này bị cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai xử phạt 34 triệu đồng (2 lần) do xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2 đến 5 lần. Năm 2010, công ty bị Thanh tra Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) xử phạt 31 triệu đồng và đến tháng 2.2011 bị phạt tiếp 75 triệu đồng về hành vi tương tự...

Nhiều doanh nghiệp bức xúc

Vào thời điểm mà C49 bắt quả tang, Công ty CP DV Sonadezi đang tiếp nhận xử lý nước thải cho 42 doanh nghiệp (trong đó có đến 80% nước thải từ dệt nhuộm). Sau khi nghe tin nhà máy xử lý bị C49 bắt quả tang xả nước thải chưa đạt tiêu chuẩn ra sông Đồng Nai, một số doanh nghiệp tỏ ra lo lắng. Lãnh đạo một công ty dệt (đề nghị không nêu tên) cho biết: "Trước khi đầu tư, chúng tôi tin tưởng vào sự quảng bá của Sonadezi nên mới ký hợp đồng xử lý nước thải. Nay thấy nhà máy bị bắt quả tang, nếu nặng đến mức cơ quan chức năng phải đình chỉ hoạt động thì ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp chúng tôi".

Lãnh đạo một nhà máy len đóng tại KCN Long Thành cũng bức xúc: "Sonadezi nhận tiền xử lý nước thải, nhưng xả thải không đạt chuẩn là khó chấp nhận. Với những gì đang diễn ra thì họ đã lừa dối chúng tôi". 

Kim Cương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.