Kết quả không thể không kể đến trong 5 năm qua chính là những thành tựu đột phá trong y học của ngành y tế Việt Nam. Đối mặt với đại dịch Covid-19, ngoài các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, Việt Nam cũng là một trong những nước đi tiên phong trong việc thử nghiệm vaccine ngừa virus gây bệnh Covid-19. Hôm 17.12 vừa qua, những tình nguyện viên đầu tiên đã tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19. Dự kiến sẽ có khoảng 30.000 người sẽ tiêm thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 do Việt Nam phát triển, sản xuất.

Việt Nam là một trong số 40 quốc gia trên thế giới làm chủ công nghệ vaccine. Trong nhiệm kỳ vùa qua, Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine phòng bệnh lở mồm long móng. Đây được coi là thành công mang tính bước ngoặt của ngành thú y Việt Nam trong quá trình làm chủ công nghệ để sản xuất các loại vaccine, kể cả vaccine phòng bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng.

Bên cạnh y tế, ngành công nghệ thông tin, viễn thông của Việt Nam cũng đạt nhiều kết quả ấn tượng. 3 năm sau khi triển khai mạng 4G, trong tháng 12 vừa qua, cả 3 nhà mạng lớn là VNPT-Vinaphone, Viettel và MobiFone đồng loạt công bố triển khai thử nghiệm thương mại 5G tại Hà Nội và TP.HCM. Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2020, Việt Nam đã trở thành nước thứ 5 trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G, sản xuất được điện thoại 5G, dù rất ít người, kể cả trong nước và nước ngoài, tin rằng Việt Nam có thể làm được việc này. Việc Việt Nam làm chủ công nghệ 5G trên thực tế là kết quả của những bước đột phá trong quá trình chuyển đổi số của cả xã hội trong suốt 5 năm vừa qua.

Sự phát triển của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đã được ghi nhận bởi đánh giá của các tổ chức quốc tế. Theo công bố mới nhất của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2020, Việt Nam đứng thứ hạng 42/131 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Sau 5 năm, Việt Nam từ vị trí 59 (năm 2016) trong bảng xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đã tăng 17 bậc, xếp vị trí 42 (năm 2020) trên tổng số 131 quốc gia và nền kinh tế (năm 2019 là 42/129). Với vị trí này, Việt Nam giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập, và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu như một đánh giá khách quan của quốc tế về từng lĩnh vực quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Các bộ, ngành, địa phương qua đó nhận ra được những điểm mạnh, điểm yếu trong công tác quản lý nhà nước, từ đó tập trung vào khắc phục những điểm yếu cũng như phát huy các điểm mạnh. Trong đánh giá của WIPO, đổi mới sáng tạo được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ dựa trên nghiên cứu, phát triển mà bao trùm cả các vấn đề về thể chế vĩ mỗ, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, thị trường, môi trường kinh doanh…

Nhờ sự ổn định của an ninh trật tự, sự phát triển của kinh tế, đời sống của người dân trong 5 năm qua đã được nâng lên rõ rệt. Trong đó, công tác xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện cả đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, người dân trên địa bàn nghèo, vùng đặc biệt khó khăn. Theo đó, giai đoạn năm 2016-2019, cả nước giảm 58,12% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu giai đoạn, tương ứng với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo.

Thống kê của Bộ LĐ-TB-XH cho hay, tới thời điểm này, thu nhập bình quân của người nghèo đã tăng 2,3 lần giai đoạn 2016 - 2020, hơn 13.000 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả với trên 2,2 triệu hộ hưởng lợi với tổng kinh phí thực hiện là 8.000 tỉ đồng. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ vừa qua, 2,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được dạy nghề, tạo việc làm. Hỗ trợ cho 5.500 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài…

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, liên kết vùng nghèo được ưu tiên từng bước đầu tư, đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân và làm thay đổi bộ mặt địa bàn nghèo, đặc biệt khó khăn. ổng số khoảng 18.000 công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư, đã đưa vào sử dụng trên 15.000 công trình, khoảng 7.000 công trình được duy tu bảo dưỡng. Theo tổng hợp từ các địa phương, 32 huyện nghèo và 103 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng khó khăn.

Báo Thanh Niên
11.01.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.