Trong phiên này, ngoài tác động của thông tin tăng vốn dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng lớn tại Mỹ, chứng khoán thế giới cũng phải chịu áp lực giảm điểm khi Trung Quốc báo cáo thặng dư thương mại tháng 5 của nước này đạt 13,1 tỉ USD, thấp hơn mức dự kiến.
Cùng với đó, sản xuất công nghiệp tại Anh lại được công bố giảm mạnh hơn dự kiến do kỳ nghỉ kéo dài hơn thường lệ trong đám cưới Hoàng gia Anh và động đất tại Nhật Bản tác động đến nguồn cung.
Ghi nhận trên Phố Wall (Mỹ), chỉ số thị trường S&P 500 quay đầu giảm 1,4% trong phiên 10.6 này, xuống chốt phiên ở mức 1.270,98 điểm. Đây cũng là tuần thứ 6 chỉ số này giảm điểm, lâu nhất kể từ năm 2008.
Dow Jones Industrial, chỉ số một thời là thước đo của thị trường chứng khoán Mỹ, cũng để mất 172,45 điểm, tương đương mức giảm 1,4%, xuống còn 11.951,91 điểm. Chuỗi 6 tuần liên tiếp giảm điểm này là kỷ lục về thời gian giảm dài nhất ghi nhận được kể từ tháng 10.2002 đối với chỉ số công nghiệp Dow Jones.
Nasdaq Composite đánh mất toàn bộ thành tích từ đầu năm 2011 đến nay khi giảm 1,53% tổng số điểm, xuống còn 2.643,73 điểm.
Tính từ phiên 29.4 tới nay, khá nhiều thông tin bất lợi đối với kinh tế Mỹ đã được công bố khiến thị trường nhiều phen lao đao. Theo ước tính, đã có khoảng 1.000 tỉ USD bị cuốn khỏi sàn chứng khoán Mỹ trong khoảng thời gian này. S&P 500 đã giảm 6,8% so với mức chốt phiên 29.4.
Hầu hết cổ phiếu của các công ty, doanh nghiệp Mỹ đều giảm khá mạnh, đặc biệt là các cổ phiếu lớn. Cụ thể như: cổ phiếu của Caterpillar, hãng sản xuất máy công trình lớn nhất thế giới, đã giảm 2,5%, cổ phiếu của đại gia ngành hàng không Boeing giảm 2%.
Cổ phiếu năng lượng phiên này là nhóm giảm mạnh nhất trong 10 nhóm ngành đóng góp vào S&P 500, giảm 1,9%. Cổ phiếu của Exxon Mobil giảm 1,7%, cổ phiếu của Chevron giảm 1,5%.
Trong phiên này, cổ phiếu ngân hàng biến động nhiều hơn cả. Cổ phiếu của Bank of America tăng 1,4%, trước đó cổ phiếu này giảm tới 2,3%. Cổ phiếu của Citigroup cũng tăng trở lại 0,4% sau khi đã giảm tới 2,5%. Chỉ số S&P Financial giảm 2,1% ngay sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiết lộ kế hoạch tăng vốn dự trữ bắt buộc đối với 35 ngân hàng lớn nhất nước. Tổng kết phiên, chỉ số này giảm 0,7%.
* Tại châu u, chứng khoán khu vực cũng ghi nhận tuần giảm điểm thứ 6 liên tiếp. Chỉ số STXE 600 giảm 1,34% trong phiên cuối tuần 10.6, giảm tổng cộng 2% trong tuần này. Đây là chuỗi giảm tuần dài nhất kể từ năm 2008 đối với STXE 600.
Trong phiên cuối tuần này, cổ phiếu của các ngân hàng Hy Lạp được chú ý nhất vì giảm mạnh, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực tránh nguy cơ vỡ nợ. Cổ phiếu của National Bank of Greek, nhà cho vay lớn nhất Hy Lạp, đã giảm tới 9,5%; cổ phiếu của EFG Eurobank Ergasias giảm mạnh 12%.
Tổng kết phiên cuối tuần, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 1,55%, xuống còn 5.765,8 điểm; CAC 40 của Pháp giảm 1,9%, xuống còn 3.805,09 điểm; DAX của Đức giảm 1,25%, chốt phiên ở mức 7.069,9 điểm.
Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm 1,69%; FTSE MIB của Ý giảm 1,33%; PSI General của Bồ Đào Nha giảm 1,45%; ISEQ của Ireland giảm 1,68%.
Toàn bộ 18 thị trường cấp quốc gia trong khu vực đều giảm điểm trong tuần này: FTSE 100 giảm 1,5%; DAX giảm 0,6%; CAC 40 giảm 2,2%; chỉ số Athex Composite của Hy Lạp giảm tới 6,1% trong tuần vừa qua.
* Tại châu Á, MSCI Asia Pacific giảm 1,4% trong tuần này, ghi nhận tuần giảm điểm thứ 6 liên tiếp.
Chỉ số Nikkei 225 (N225) của Nhật Bản tăng nhẹ 0,5% trong phiên cuối tuần, chốt ở mức 9.514,44 điểm; HSI của Hồng Kông giảm 0,84%, xuống còn 22.420,4 điểm. KOSPI (Hàn Quốc) giảm 1,19%; S&P/ASX 200 của Úc tăng 0,27%.
Tổng kết tuần: N225 tăng nhẹ 0,2%; HSI giảm 2,3%; KOSPI giảm 3,2%; S&P/ASX 200 giảm 0,5%.
Thu Hạnh
(Theo Bloomberg, Reuters)
Bình luận (0)