Khoảng 3.000 tỉ USD "bốc hơi" khỏi thị trường chứng khoán Mỹ

20/08/2011 10:01 GMT+7

* Chứng khoán thế giới giảm mạnh 4 tuần liên tiếp (TNO) So với cách đây gần một tháng chỉ số chứng khoán S&P 500 của Mỹ đã giảm tới 16% và cuốn theo khoảng 3.000 tỉ USD ra khỏi thị trường chứng khoán Mỹ, theo số liệu thu thập của Bloomberg.

Dù mức độ giảm điểm không "kinh hoàng" như tuần trước nhưng khép lại phiên giao dịch cuối tuần này (vào rạng sáng nay, 20.8, giờ VN), thị trường chứng khoán thế giới cũng buộc lòng phải ghi nhận tuần giảm điểm thứ 4 liên tiếp.

Trong tuần này, riêng sàn giao dịch chứng khoán Phố Wall (Mỹ) đã giảm tới 3 phiên trong tổng số 5 phiên giao dịch. Chỉ số S&P 500 có 1 phiên tăng 2,2% nhưng có tới 3 phiên giảm mạnh từ 1 đến 4,5%.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số thị trường S&P 500 giảm thêm 1,5%, chốt phiên ở mức 1.123,53 điểm. Tổng kết tuần này, S&P 500 giảm 4,7% so với phiên trước. So với mức chốt phiên giao dịch ngày 22.7, chỉ số này đã giảm tới 16% và cuốn theo khoảng 3.000 tỉ USD ra khỏi thị trường chứng khoán Mỹ (theo số liệu thu thập của Bloomberg).

Đây cũng được ghi nhận là mức giảm kỷ lục của S&P 500 trong vòng 4 tuần liên tiếp kể từ tháng 3.2009 (thời điểm ghi nhận thị trường chứng khoán Mỹ chạm đáy khủng hoảng).

Chỉ số Dow Jones Industrial mất thêm 172,93 điểm, tương đương giảm 1,6%. Tổng cộng trong tuần này, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã mất 4% tổng số điểm, chốt phiên ở mức 10.817,7 điểm. Tính trong 4 tuần giao dịch vừa qua, Dow Jones đã mất tới 1.863,51 điểm. Từ đầu tháng 8 tới nay, chỉ số này đã có tới 4 phiên giảm trên 400 điểm.

Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn trượt giá mạnh trong tuần vừa qua. Điển hình có thể kể tới như: cổ phiếu của hãng máy tính số 1 thế giới HP giảm tới 27% giá trị, mức giảm tuần mạnh nhất kể từ tháng 10.1987 của cổ phiếu này. Nhóm cổ phiếu công nghệ, công nghiệp và các công ty sản xuất nguyên vật liệu thô thuộc S&P 500 giảm gần 7%, là 3 nhóm giảm mạnh nhất trong tuần.

Trước bối cảnh chứng khoán Mỹ nói riêng, chứng khoán thế giới nói chung liên tục mất điểm mạnh, phần lớn các nhà đầu tư lo lắng tìm cách chuyển hướng đầu tư nhằm bảo toàn tài sản thì tỷ phú chứng khoán Warren Buffett vẫn có những phát biểu lạc quan.

Ông này cho biết trong phiên 8.8 - phiên mà thị trường Mỹ giảm một cách thảm hại để phản ứng lại việc trái phiếu chính phủ Mỹ bị hạ bậc tín dụng - ông đã dành khoản đầu tư vào thị trường chứng khoán Mỹ nhiều hơn bất kỳ một ngày nào kể từ đầu năm tới nay.

* Tại châu u, thị trường chứng khoán khép lại tuần giao dịch bằng một phiên giảm điểm mạnh do những quan ngại về phục hồi kinh tế thế giới và niềm tin tái đầu tư tại châu u sụt giảm mạnh. Đây là tuần giảm thứ 4 liên tiếp của chứng khoán khu vực các nước đồng euro.

Chỉ số STXE 600 chung cho châu u giảm 1,6% trong phiên cuối tuần, nâng tổng mức giảm trong tuần này lên con số 6,1%, xuống mức chốt phiên thấp nhất kể từ tháng 7.2009 (223,13 điểm). So với mức đỉnh điểm của năm nay ghi nhận hồi tháng 2.2011, chỉ số này đã giảm tới 23%.

Trong tuần này, cổ phiếu ngân hàng là nhóm giảm điểm mạnh nhất trong số các nhóm ngành đóng góp vào STXE 600. Cổ phiếu ngân hàng Royal Bank of Scotland giảm tới 22% trong phiên này, chốt phiên ở mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Kết thúc phiên cuối tuần, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 1,01%, xuống còn 5.040,76 điểm; CAC 40 của Pháp giảm 1,92%, xuống còn 3.016,99 điểm; DAX của Đức giảm 2,19%, chốt phiên ở mức 5.480 điểm.

Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm 2,11%; FTSE MIB của Ý giảm 2,46%; ISEQ của Ireland giảm 1,42%.

Tổng kết tuần, ngoại trừ thị trường Iceland, toàn bộ các thị trường chứng khoán châu u đều giảm điểm. FTSE 100 để mất 5,2%; CAC 40 mất 6,1%, DAX giảm tới 8,6%.

* Tại châu Á, chứng khoán đã có phiên cuối tuần sụt giảm tồi tệ trước những quan ngại về kinh tế thế giới. Chỉ số MSCI Asia Pacific giảm tổng cộng 2% trong tuần này. Sau 4 tuần giảm liên tiếp, chỉ số này đã giảm tới 14% tổng số điểm.

Trong phiên cuối tuần, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,51%, chốt phiên ở mức 8.719,24 điểm. HSI của Hồng Kông để mất 616,35 điểm, tương đương giảm 3,08% so với phiên trước đó, xuống còn 19.399,9 điểm.

Shanghai Composite và CSI 300 của Trung Quốc lần lượt giảm 0,98% và 0,94%. S&P/ASX 200 của Úc giảm 3,51%. KOSPI của Hàn Quốc có phiên giảm kỷ lục kể từ thời kỳ đầu suy thoái 2008, giảm tới 6,2% tổng số điểm.

Tuần này, Nikkei 225 giảm tổng cộng 2,7%. HSI giảm 1,1%. Shanghai Composite giảm 2,3%. KOSPI giảm 2,7%. S&P/ASX 200 giảm 1,7%.

Tính tới nay, chỉ số MSCI Asia Pacific đã giảm 13,2%, S&P 500 giảm 10,7%, STXE 600 giảm mạnh nhất với 19,1%.

Thu Hạnh
(Theo Bloomberg, Reuters)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.