Bấy nhiêu năm quấn quýt cuộc sống vợ chồng, chị vẫn là trinh nữ, với lẽ sống bác ái. Ngay cả khi đã gặp chị, tôi vẫn từng không tin trên đời lại có người phụ nữ vị tha đến thế. Tôi đã viết cuốn sách gọi chị là “Người đàn bà tử tế” (NXB Công an Nhân dân, 2005), dẫu cả hai vợ chồng chị đều nói rằng: Chị vẫn là con gái, bởi đêm tân hôn họ chỉ ôm ghì lấy nhau và khóc trong tủi hờn vô hạn độ. Dằng dặc những đêm sau đó, họ cũng chỉ thân mật ở mức đầu ấp tay kề…
Làm đủ thứ việc, từ nóc nhà đến đáy giếng
Chị tên là Lê Thị Mịn - nhà ở xã Minh Tiến, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Chị hiến dâng cuộc đời mình để phục vụ cho một người lính vệ quốc oai dũng và bi tráng tên là Vũ Đình Vân. Chuyện này, tôi đã viết báo, viết sách, đã kể lại nhiều lần cho bạn bè nghe, hàng chục nhà báo sau đó cũng đã viết về mối tình này, vậy nhưng, mỗi lần nghĩ đến chị Mịn, tôi vẫn có cảm giác về một thứ cổ tích. Một thứ gì đó ngơ ngác trong cái thì buổi này. Ngoái về góc trời trung du đó, tôi vẫn hằng nghĩ đến họ.
|
Chị cần mẫn trồng rau, nuôi gà, chặt cây ngoài đồi về làm củi, anh ngồi xe lăn lệt bệt mỉm cười, căn nhà lạnh lẽo nép mình dưới chân đồi bương tre hun hút tối. Không ân ái như vợ chồng người ta, anh hầu như không có cảm giác gì kể từ ngực đổ xuống. Chị phải thụt hậu môn khi anh đi vệ sinh, phải khó khăn lắm, phải có sự giúp đỡ của vợ, anh mới đi tiểu được. Hàng xóm có ngôi nhà bị cây đè đổ sụp, suýt mất mạng. Vậy nên, mỗi lần mưa bão, chị lại bế thốc anh chui tọt vào gầm phản, sợ cây đổ, sợ nhà sập.
Không phải vì tôi khéo “đưa đẩy” vấn đề, mà vì “Người đàn bà tử tế” của tôi có thể làm bất kỳ ai nghe kể hoặc gặp gỡ chị đều phải ngả mũ bái phục. Nhà chị trở thành chỗ đi về của nhiều nhà báo, nhà văn, nhiều người từng đọc, từng xem những gì người ta nói và viết về anh chị. Nhà báo Dư Hồng Quảng ở Đài PTTH Phú Thọ đã nhiều năm làm chương trình, tôn vinh, phỏng vấn và giúp đỡ chị.
Sau này, chương trình “Người đương thời” của truyền hình Việt Nam cũng mời chị làm nhân vật, khiến hàng triệu người khóc hết nước mắt. Khi tôi và các nhà báo công bố cuốn nhật ký của chị, đặc biệt là các trang viết nẫu lòng rồi thổn thức trong đêm tân hôn với người chồng không có bất cứ dấu hiệu nào của “chức năng đàn ông”, thì... đúng là choáng váng. Chị học ít, là công nhân nhà máy gạch, nói vẫn ngọng 100% chữ “N” và chữ “L”, nhưng cảm xúc của chị, con chữ của chị như có nam châm, như con dao sắc, như một tiểu thuyết gia. Con người và cuộc đời thực của chị - đẹp hơn tiểu thuyết.
Anh Vân là người gốc Hải Dương, lưu lạc theo mẹ đi bước nữa lên Đoan Hùng, Phú Thọ sinh sống. Anh nhập ngũ năm 1975, rồi bị thương trong một trận đánh giáp lá cà oai dũng với địch ở biên giới Tây Nam, năm 1978. Mất 81% sức khoẻ ở thời điểm đi điều dưỡng sau đó; nhưng 10 năm sau, đến năm 1988, khi cưới chị Mịn về làm vợ, cơ thể tàn tạ của anh cũng đã rã rục hơn con số khủng khiếp kia rất nhiều.
Chị Mịn chỉ nghĩ lấy anh thương binh, phục vụ anh ấy, rồi sinh con đẻ cái nó sẽ lành lặn như ai. Chị đâu ngờ anh không còn mảy may cái gì... “chăn gối”, không thể sinh con. Chị quá bất ngờ. Đêm tân hôn anh ôm riết lấy chị và khóc, anh không nói mà cứ để những thời khắc thiêng liêng trôi đi, cho nó tự thú nhận một sự thật phũ phàng mà bấy lâu nay anh không dám nói với chị. Anh chưa biết mùi đàn bà, chị cũng chưa từng biết cái “sắc dục” đích đáng với đàn ông.
Chị không oán hận mình, không giận ai, cũng chẳng trách cuộc đời. Chỉ vì lẽ ấy mà càng thương và chăm sóc anh Vân hơn. Chị mới hiểu, vì sao anh ấy viết cho chị cả một bó thư nồng nàn, da diết, quay quắt thế, nhưng anh ấy không lần nào dám gửi đi. Chẳng là, chị Mịn có kết nghĩa chị em với cô công nhân nhà máy gạch tên là Mai. Mai là em gái anh Vân. Suốt ngày Mai kể về ông anh tuyệt vời, là thương binh nặng, nhưng lạc quan, hiếu đễ, bện em gái như bện người yêu. Anh ấy trở về từ chiến trường, đi xe lăn, đứt ống tuỷ, vỡ xương sống, mảnh đạn còn chạy nhung nhăng trong cơ thể.
Có khi buồn đau quá, dùng hai cánh tay lực lưỡng lăn xe ra quốc lộ 2 đòi lao đầu vào ôtô tự tử. Bởi anh chưa tan mùi thuốc súng, thì cô người yêu thề non hẹn biển khi xưa đã lặng lẽ quay gót. Càng nghe, Mịn càng thấy xót xa, muốn gặp anh Vân. Rồi nhớ, rồi thương.
Còn nhớ, năm 2003 - đúng 13 năm trôi qua - kể từ ngày họ lấy nhau - tôi đến thăm, anh Vân và chị Mịn vẫn thỉnh thoảng bế nhau chui vào gầm phản gỗ đề phòng mưa gió cây đổ, nhà sập. Trong nỗi cô quạnh tột độ, có lần chị Mịn đã tìm lối vượt hơn 200km về thăm quê dưới Hải Dương. Vài ngày sau quay trở lại, thấy anh nằm trần trụi trong chăn, đống quần áo chị giặt và gấp kỹ ở đầu giường nay đã thành một bãi chiến trường đầy dấu vết của phân và nước tiểu dưới sàn nhà. Anh không thể thiếu chị.
Nghĩ đến tuổi già kẽo kẹt, chị rùng mình, rồi quyết định nhận con nuôi. Chị nuôi thằng Vũ Đức Giang từ lúc 4 tuổi. Khi tôi đến, năm 2003, Giang đã chắp tay quỳ trước bố mẹ xin được đi học. "Nghèo con cũng phải học, con lên hẳn thị trấn Đoan Hùng học trường chuyên rồi sau này có trình độ chữa bệnh cho bố mẹ". Chị Mịn chăm con đúng là nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Ngần ấy năm nó học phổ thông, là ngần ấy năm ngày nào cũng đưa đón cháu.
Tôi vẫn thỉnh thoảng hỏi thăm đồng nghiệp về tin tức chị Mịn, anh Vân. Nghe tin chị đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, tấm gương của chị sáng rực trên các diễn đàn báo chí, truyền hình. Cấp huyện, cấp tỉnh, cả cấp quốc gia, rất rất nhiều các dịp tôn vinh người có công, người chăm sóc thương binh, vẫn thấy chị Mịn xuất hiện.
Nhà của chị được Liên đoàn Lao động xây tặng. Chị không khoe, cũng không giấu, cứ giản dị như sự hy sinh của chị hơn 20 năm qua vậy thôi. Có lần, anh Vân nói với tôi thế này: Cô ấy, từ nóc nhà đến đáy giếng, bất kể việc nào cô ấy cũng xông pha. Là đàn bà, không được làm vợ theo đúng nghĩa, nhưng thậm chí phải làm tất cả những việc nặng nhọc của một ông chồng xốc vác nhất.
Vị thần số phận thật tàn độc!
Vừa rồi, đại phẫu lấy khối u trong ổ bụng mình xong, hơn chục ngày, chị Mịn phải ứa nước mắt ôm vết thương bò dậy để cứu anh Vân. Ai cũng bảo, bệnh của người chiến binh bi tráng ấy mà sống được đến gần hết thập niên đầu của thế kỷ 21, thế là “thượng thọ” rồi. Anh ngã bệnh, toàn thân đau đớn, cơn suy thận làm anh phải nằm liền tù tì 3 năm trong bệnh viện ngoài TP.Việt Trì.
Ngày nào chị cũng chăm sóc anh, thuộc lòng mấy trăm bậc cầu thang leo lên 7 tầng căn nhà cũ kỹ ấy. Chăm sóc anh, chăm sóc cả người xung quanh, bác sĩ ai cũng quen chị cả, vài ngày lại bắt xe khách 45km về nhà lấy thêm lương thảo, vay thêm tiền rồi tá túc vật vạ chăm chồng. Anh Vân chết, món nợ của chị đã lên tới cả trăm triệu đồng, nhưng cái chị sợ hơn là nỗi cô đơn kinh hoàng trong ngôi nhà 20 năm vợ chồng rau cháo với nhau mà bây giờ chỉ vò võ mình chị.
Trên ban thờ còn quanh quất khói nhang của chồng, bụng còn đau đớn vì vết mổ chưa kịp lành, chợt chị lại nghe hung tin: Thằng bé Giang 20 tuổi của chị, nó đang học Cao đẳng Quân y với ao ước có nghiệp vụ về chăm sóc cho bố mẹ - nó bị chết đuối. Chị bao bọc cưng nựng con từng ly từng tí, nó là sinh viên rồi chị vẫn đèo nó đến tận trường, chị không dám cho nó đi tắm ao hồ hay học bơi bao giờ.
Hôm ấy, cùng chúng bạn đi tắm ở Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê, cháu chết đuối trong cái hố nước bé như vuông sân nhà chị ấy. Nó ở trên bờ cầm quần áo và điện thoại cho các bạn, rồi trượt chân. Chị ngất đi. Nồi cơm nấu chờ con về ăn đó, bát cơm trắng đơm lên ban thờ cúng chồng ấy, bây giờ lại vợi thêm một bát cúng con! Chị tử tế cả một đời, chị như huyền thoại về sự tử tế, lẽ sống vị tha của chị luôn làm tôi sửng sốt, thế nhưng cuộc đời nỡ lấy đi của chị tất cả thế ư?
Đời càng bận bịu, tôi ít có dịp ghé qua Đoan Hùng, có lần gọi điện bảo em sẽ thăm anh chị, thấy chị gọi lại, nhắn: Cứ đến chỗ nào quốc lộ trắng vôi bột thì dừng lại nhé. Chị đổ vôi ra đường để cho chú khỏi quên lối. Vôi ấy, rồi chị lại hót về nhà mình kẻo phí. Vôi ấy, chị rải ra vườn cho cây cối để tang anh Vân và thằng cu Giang mãi mãi 20 tuổi của chị, nó còn thừa. Bữa đến, lại vẫn mổ gà đãi khách, chị cũng phải chọn chỗ ngồi mà 20 năm qua chị đã ngồi, ngồi đó nhìn lên ảnh chồng con, rồi chép miệng: “Mời anh và con về ăn cơm với chú Hoàng”. Chị tính đặt mộ chồng và mộ con cách nhau chừng 2m, chỗ ở giữa sẽ dành cho chị sau này... Chị cứ lẩn mẩn như người trong cổ tích.
Tôi ngồi trong căn phòng nhỏ chia làm 2 gian bởi một tấm riđô mỏng. Bên này thờ anh Vân, bên này ảnh cháu Giang viền khung và ruybăng đen tuyền. Nghi ngút hai bát nhang. Không thấy lạnh lẽo, cũng không xa lạ hay chợn rợn, chỉ thấy xót xa. Sao ngần ấy đau thương nỡ giội liên tục lên đầu “Người đàn bà tử tế” của tôi? Chị thờ cả cái điện thoại di động của cháu Giang lên gần bát nhang. Chị nhí nhoáy bấm điện thoại của mình, rằng: Từ hôm cháu mất, tự dưng ảnh cháu mà chị từng chụp nó nhảy lên làm hình nền, khuya khoắt về, ảnh cháu nó cứ nhấp nháy rất lạ. Tôi bảo hay là chị hoa mắt?
Chị không khóc. Có lẽ là hết nước mắt rồi.
Theo Lao Động
Bình luận (0)