Khỏe và... rẻ

18/02/2013 03:05 GMT+7

Nhiều người ngần ngại tập thể thao, bởi thấy giá trang thiết bị đắt. Nhưng suy nghĩ của bạn có thể thay đổi, nếu nhìn chuyện đó một cách “kinh tế học”.

Chi phí mềm

Người viết bài này thường đạp xe buổi sáng, trong vòng một tiếng đồng hồ cho ngày thường, và một tiếng rưỡi cho ngày cuối tuần. Với tốc độ 30 km/giờ, mục tiêu đạp được quãng đường dài bằng vòng xích đạo sẽ đạt sau khoảng 4 năm. Về chi phí, mua chiếc xe đạp leo núi hết 14 triệu đồng, giày - vớ 500.000 đồng, mũ bảo hiểm 400.000 đồng, quần áo 300.000 đồng, một cái bơm xe 500.000 đồng. Dự tính trong 10 năm, chi phí cho thay thế phụ tùng, trang phục thêm hơn 10 triệu nữa. Đường, gió, phong cảnh, niềm vui gặp ai đó ngoài đường là những khoản được trời “cho không”. Như vậy, tổng chi cho món đạp xe là 26 triệu đồng cho 10 năm. Có đắt chăng?

Thói quen của số đông là tính gộp chi phí, nên thấy... xót tiền. Nhưng nếu bạn chia cho từng năm, mỗi năm tốn 2,6 triệu đồng. Như vậy mỗi ngày chỉ tốn hơn 7.000 đồng (theo chỉ dẫn của các bà nội trợ, giá này chưa bằng hai quả trứng vịt lộn, hoặc bằng hai gói mì loại rẻ nhất). Tập luyện, có sức khỏe, khoản chi đó càng nhỏ, nếu so với các chi phí cho thuốc thang, phí tổn thời gian làm việc, và chi phí vô hình do stress, mất cơ hội... do bạn đau ốm.

Nếu thu nhập khá hơn, bạn có thể sắm một chiếc xe đạp thật tốt. Còn nếu ít tiền, bạn sẽ giảm mức “đầu tư” ban đầu xuống. Nhưng cách tính chi phí đều theo dạng thức nói trên, nghĩa là chia bình quân theo ngày. Đó là một mức chi phí quá cạnh tranh, nếu so với tốn kém cho cà phê, thuốc lá, ăn nhậu hoặc mỹ phẩm.

Với các môn thể thao khác, cách tính cũng tương tự. Đó thật sự là khoản chi phí thấp để mua sức khỏe so với lợi ích có được, để thụ hưởng cuộc sống tốt hơn, với nhiều niềm vui hơn.

Và còn rẻ hơn nữa...

Khi chăm lo cho sức khỏe bằng cách siêng vận động, phép tính chi phí rất có thể còn hấp dẫn hơn, nếu bạn có chút sáng tạo. Có rất nhiều vật dụng bình thường trong nhà sẵn sàng trở thành dụng cụ tập luyện: ghế đẩu, sofa, bàn, lan can ngoài ban công, khung cửa... Còn nếu không muốn nhàm chán, bạn có thể mua những dụng cụ giá rẻ, xài bền, và tập luyện không cần nhiều không gian: tạ tay, dây, lò xo tập cơ, giày đi bộ, giày chạy... để có thể đổi món theo kiểu “đông tây y kết hợp”.

Muốn tập đúng để không bị chấn thương, bạn chỉ cần 15 phút tham khảo thông tin trên mạng, trong sách hoặc hỏi những người có kinh nghiệm. Có tốn gì đâu nhỉ? Đừng cứ nhất quyết cho rằng tập thể thao là phải vào trung tâm có gắn “sao”, hoặc phải có huấn luyện viên chuyên nghiệp. Nếu bạn có thu nhập tốt, có điều kiện tập tành kiểu ấy cũng hay. Nhưng nếu túi không rủng rẻng gì lắm, tiền mua sức khỏe bằng sự cố gắng của chính mình như chia sẻ ở trên cũng không hề đắt đỏ.

Mỗi ngày đều đặn dành tối thiểu nửa tiếng đồng hồ cho tập luyện, với một mức chi phí vừa phải để có sức khỏe tốt, bạn đã sẵn sàng chưa? Hy vọng sẽ sớm được chia sẻ với mọi người chút kinh nghiệm về những cách đơn giản để duy trì thói quen tập luyện trong thời gian tới.

Vũ Bách

>> Dễ lây bệnh từ phòng tập thể dục
>> Tập thể dục dưới hầm Ngã Tư Sở
>> Tập thể dục tốt cho não
>> Tập thể dục tăng khả năng làm bố
>> Cảnh sát bụng phệ bị buộc tập thể dục
>> Tập thể dục tốt cho bệnh nhân ung thư vú 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.