Khởi nghiệp từ... dế

23/05/2009 23:53 GMT+7

“Ban đầu chỉ nuôi chơi nhưng không ngờ con dế bé nhỏ, dễ nuôi ấy lại gắn luôn với đời mình và giúp mình phát triển kinh tế gia đình” – đó là lời tâm sự của Nguyễn Quang Huy (26 tuổi), ông chủ trang trại dế đầu tiên ở Lâm Đồng.

Không khó để chúng tôi tìm đến nhà Huy (thôn 2, xã Mê Linh, H.Lâm Hà) bởi chỉ cần đến đầu xã hỏi thăm “Huy dế” thì ai cũng biết. Nhà nghèo, học khoa ngoại ngữ ĐH Đà Lạt được 2 năm thì Huy đành phải rời giảng đường về phụ giúp gia đình. “Một lần xem tivi thấy người ta nói về chuyện nuôi dế làm giàu, mình thấy hay hay nên tối ra vườn bắt về nuôi. Lúc này chỉ nghĩ là nuôi chơi thôi” – Nguyễn Quang Huy kể. Mỗi đêm Huy cũng bắt được vài ba chục con dế lửa mang về bỏ vào xô nuôi, thức ăn là cỏ và xịt thêm ít nước cho dế uống. Nuôi tự phát nên dế liên tục chết nhưng Huy không nản. Sau 1 năm miệt mài tìm sách báo, tài liệu, lục lọi trên internet, cuối cùng Huy cũng hiểu được vì sao dế chết, việc sinh trưởng và sinh sản, ăn uống của dế... Về Sài Gòn tham quan, học hỏi, Huy mua vài khay trứng dế than về nuôi và dần dần Huy đã thành công.

3 năm trôi qua, Huy đã trở thành một tay nuôi dế “lão luyện”, Huy cũng mở trại dế Thiện An ngay tại nhà mình. Huy cho biết, bây giờ thì nuôi dế rất dễ, chỉ cần chút tỉ mỉ là được. Dụng cụ nuôi dế cũng dễ tìm, chỉ cần một cái thau (hay xô, chậu), để vào 1 khay đựng nước, 1 khay để cám, 1 khay đất ẩm (để dế đẻ), vài cái rế hoặc vài nhánh cây. Vòng đời của dế trải qua 4 lần lột xác, khi đến lần thứ 3 và dế gần mọc cánh (khoảng 2,5 tháng tuổi) là có thể xuất bán, nếu không thì để lại làm con bố mẹ (với tỷ lệ 50 con trống, 100 con mái). Hiện Huy nuôi 350 thùng dế, mỗi ngày xuất bán trên 1 kg dế thịt  với giá 200.000 đồng. Trại của Huy hiện chỉ đủ dế để cung cấp cho người dân địa phương và khách qua đường, chưa đủ để cung cấp cho các nhà hàng ở thành phố. Vừa rồi Huy đã vay 150 triệu đồng về đầu tư mở rộng trang trại.

Thịt dế than giàu đạm, thơm ngon, có thể chế biến thành nhiều món như chiên giòn, xào sả ớt, chiên bột, xào mì, gỏi dế... Trại dế của Huy hiện cũng là điểm đón nhiều du khách nước ngoài đến tham quan. Huy cho biết, có công ty du lịch ở TP Đà Lạt cũng đã liên hệ đưa khách đến tham quan và hằng tháng, công ty sẽ hỗ trợ thêm kinh phí cho Huy.  

Nuôi bò cạp ở Sài Gòn

Tới P.Long Bình, Q.9, TP.HCM hỏi trang trại nuôi bò cạp và dế của gia đình anh Nguyễn Trọng Suôn ở tổ 6, khu phố Long Bửu thì gần như ai cũng biết.

Anh Suôn chuyển nghề từ nuôi heo sang nuôi bò cạp và dế cách đây 4 năm. Nhắc đến cơ duyên đến với bò cạp, anh Suôn bảo trước hết do anh nhận ra nhu cầu tiêu thụ rất lớn của các nhà hàng, quán nhậu. Một lần đến thị xã Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), anh tìm mua được 3-4 kg bò cạp đem về nuôi. Việc nuôi bò cạp ban đầu cũng không ít gian nan, nếu không có niềm đam mê chắc anh không thể theo nghề này đến hôm nay.

 

Nơi trú ngụ của bò cạp - Ảnh: Như Thảo

Anh Suôn cho biết con bò cạp phải mất 6 tháng mới đến kỳ sinh nở, mỗi con mẹ một lần sinh đến 25-30 con. Nhiều người nghe tiếng đã tìm đến anh học hỏi kinh nghiệm nuôi bò cạp. Anh Suôn rất nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công với nghề. “Có người từ Đồng Nai gọi điện cho tui than bò cạp nuôi hoài mà không thấy đẻ. Khi đẻ thì nhiều quá nên cũng không biết xử lý làm sao”. Cũng đã có người phải bỏ giữa chừng do không biết cách nuôi và thiếu đam mê. Thức ăn chính của bò cạp là dế, mà trang trại thì luôn có 500 thùng dế thương phẩm và hàng chục thùng dế giống nên rất dễ dàng trong việc chăm sóc bò cạp. Bên cạnh đó, anh còn cho bò cạp ăn phổi heo, phổi vịt. Lúc bò cạp còn nhỏ được bồi dưỡng thêm thịt bò. Anh Suôn lưu ý, khi bò cạp vừa đẻ ra thì phải tách khỏi bầy ngay vì nếu không những con bò cạp khác sẽ ăn thịt bò cạp con, cũng có khi bò cạp mẹ ăn thịt con.

Hiện khách hàng của anh Suôn chủ yếu là các nhà hàng, quán nhậu khắp Sài Gòn. Nhiều chủ quán nhậu, nhà hàng nhận xét thịt bò cạp, dế của anh Suôn thơm ngon, chất lượng không chê được. Không ít khách thập phương tìm đến trang trại mua bò cạp về ngâm rượu nhằm tăng cường sức khỏe, tráng dương bổ thận. Giá bò cạp xuất trại là 3.000 đồng/con, lợi nhuận thu được từ bò cạp theo lời anh Suôn là “rất khá”!

Nguyễn Đình Mười

Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.