Khởi tố ông Tất Thành Cang

Ngọc Lê
Ngọc Lê
16/12/2020 17:38 GMT+7

Viện KSND TP.HCM vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Tất Thành Cang, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo công trình 'Lịch sử TP.HCM', nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM

Chiều 16.12, Viện KSND TP.HCM vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Tất Thành Cang, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công trình lịch sử TP.HCM.
Liên quan hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại IPC, ngày 16.12, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết Viện KSND vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, khám xét nơi ở đối với ông Tất Thành Cang (49 tuổi, quê Long An, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công trình "Lịch sử TP.HCM").

Ông Tất Thành Cang

Ảnh: Ngọc Dương

Theo đó, ông Tất Thành Cang bị CQĐT khởi tố để làm rõ hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo điều 219 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Khởi tố ông Tất Thành Cang

Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, ông Tất Thành Cang đã có sai phạm thời gian còn giữ chức vụ Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM.
Theo đó, bị can Tất Thành Cang sai phạm trong việc chấp thuận chủ trương để Văn phòng Thành ủy TP.HCM được biểu quyết chấp thuận phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ tại Sadeco, gây thiệt hại tiền của nhà nước.

Tòa nhà trụ sở IPC ở Q.7 (TP.HCM)

ẢNH: LAM NGỌC

Ông Tất Thành Cang sai phạm gì?

Theo điều tra ban đầu, Sadeco là công ty con của IPC (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước với vốn điều lệ khoảng 2.900 tỉ đồng). Trong tổng 170 tỉ đồng vốn điều lệ của Sadeco, vốn của cổ đông là cơ quan, doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ 62,8%. Cụ thể, IPC chiếm tỷ lệ 44%, Văn phòng Thành ủy TP.HCM 2,6%, TACONVES 14,1%...

Vụ án IPC: Đã khởi tố nhiều bị can

Liên quan vụ án này, PC03 đã khởi tố đối với 13 bị can gồm: Phạm Văn Thông (nguyên Phó chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM), Lê Hoàng Minh (Chủ tịch HĐTV IPC), Vũ Xuân Đức (thành viên HĐTV IPC), Nguyễn Trường Bảo Khánh (thành viên chuyên trách HĐTV IPC), Phùng Đức Trí (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Phó tổng giám đốc IPC), Trần Đăng Linh (Phó tổng giám đốc IPC), Lương Trí Cường (cán bộ IPC), Đoàn Thị Minh Trang (Trưởng phòng Tài chính IPC), Lâm Văn Tuấn (thành viên Ban Kiểm soát Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco, công ty con của IPC, Phạm Xuân Trung (Phó tổng giám đốc IPC), Trần Mạnh Khôi (Trưởng ban Kiểm soát Sadeco); Huỳnh Phước Long (nguyên chuyên viên Văn phòng Thành ủy TP.HCM, nguyên thành viên HĐQT Sadeco), Đoàn Minh Lý (Phó phòng Kế toán IPC).
Trước đó, PC03 đã khởi tố các bị can Tề Trí Dũng (nguyên Tổng giám đốc IPC kiêm Chủ tịch HĐQT Sadeco), Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng giám đốc Sadeco), Trần Công Thiện (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận - TACONVES).
Trên cơ sở đề xuất của Tổng giám đốc Sadeco Hồ Thị Thanh Phúc, ngày 24.4.2017, nhóm đại diện quản lý vốn của Văn phòng Thành ủy TP.HCM gồm Huỳnh Phước Long và Trần Công Thiện tại Sadeco đã trình lãnh đạo Văn phòng Thành ủy TP.HCM phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ Sadeco. Ngày 28.4.2017, Văn phòng Thành ủy TP.HCM có tờ trình (do bị can Phạm Văn Thông ký trình) xin chủ trương Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang về phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco.
Căn cứ bút phê “đồng ý” trên tờ trình, Văn phòng Thành ủy TP.HCM ban hành Thông báo số 495-TB/VPTU ngày 18.5.2017 do bị can Phạm Văn Thông (lúc đó là Phó chánh văn phòng Thành ủy) ký, thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư thường trực Thành ủy về phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco.
Theo thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang về phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco, giao Văn phòng Thành ủy chỉ đạo người đại diện quản lý vốn đầu tư của Đảng bộ TP.HCM tại Sadeco thực hiện chủ trương trên tại Đại hội đồng cổ đông năm 2017 của công ty.
Cùng với đề nghị của cổ đông nhà nước là IPC được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho IPC giảm tỷ lệ vốn nhà nước từ 44% xuống 28,8%, Sadeco đã hoàn tất việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim, tăng vốn điều lệ từ 170 tỉ đồng lên 260 tỉ đồng.
Theo Cơ quan CSĐT, quá trình chọn cổ đông chiến lược không được báo cáo đầy đủ, minh bạch, đánh giá không đúng năng lực thực tế của đối tác chiến lược, giá phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược không đúng thực tế giá trị tài sản và tiềm lực công ty, không có căn cứ pháp lý, không đảm bảo lợi ích của Sadeco cũng như cổ đông hiện hữu… Do đó, việc phát hành 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược (Công ty Nguyễn Kim) với giá 40.000 đồng/cổ phần, không thông qua thẩm định đấu giá, đã gây thất thoát cho Sadeco 208 tỉ đồng.

Một trong các sai phạm của ông Tất Thành Cang (ảnh nhỏ) khiến ông bị kỷ luật Đảng liên quan đến vấn đề đất đai tại Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM)

ẢNH: ĐỘC LẬP - GIAKHIÊM

Ông Tất Thành Cang từng đảm đương nhiều chức vụ quan trọng

Trước khi bị khởi tố, ông Tất Thành Cang từng giữ nhiều chức vụ quan trọng.
Cụ thể, từ năm 2004 - 2009, ông Cang giữ chức vụ Bí thư Thành đoàn TP.HCM; 2009 -2012: Bí thư quận ủy kiêm chủ tịch UBND Q.2; tháng 1.2011 được bầu Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng khoá XI; tháng 9.2012 ông Cang giữ chức vụ Giám đốc Sở GTVT TP.HCM; tháng 6.2014 được bầu làm Phó chủ tịch UBND TP.HCM; tháng 10.2015 ông Tất Thành Cang giữ chức vụ Phó bí thư Thành ủy TP.HCM; tháng 1.2016 được bầu UV BCH T.Ư Đảng khoá XII; tháng 2.2016 ông giữ chức vụ Phó bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM; tháng 1.2018 ông Cang làm trưởng ban chỉ đạo hòa giải, đối thoại tại tòa án hai cấp; tháng 3.2019 ông Tất Thành Cang giữ chức vụ Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công trình lịch sử TP.HCM.

Năm 2018, Ban Chấp hành T.Ư Đảng quyết định kỷ luật cách chức ủy viên T.Ư Đảng khoá XII; Phó bí thư thường trực Thành uỷ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020 đối với ông Tất Thành Cang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.