Khốn cùng vì 'miền đất hứa'

21/09/2015 08:20 GMT+7

Nhiều người bản địa ở Gia Lai bị kẻ xấu lừa phỉnh, bán cả nhà cửa trốn đi nước ngoài, sống lay lắt nơi đất khách. Song họ vẫn còn rất may mắn khi được quay về đoàn viên với cộng đồng.

Nhiều người bản địa ở Gia Lai bị kẻ xấu lừa phỉnh, bán cả nhà cửa trốn đi nước ngoài, sống lay lắt nơi đất khách. Song họ vẫn còn rất may mắn khi được quay về đoàn viên với cộng đồng.

Khốn cùng vì  'miền đất hứa'Một buổi kiểm điểm những người có hành vi trốn đi nước ngoài ở H.Chư Prông (Gia Lai) - Ảnh: Trần Hiếu
Một ngày đầu tháng 4.2014, anh Rmah Ger ở xã Ia Le, H.Chư Pưh (Gia Lai) dẫn cả vợ và ba đứa con bỏ làng đi bặt tăm. Mãi đến gần cuối tháng 8.2015, Ger đã tìm đường về sau gần một năm sống lay lắt ở Bangkok (Thái Lan).
Tháng 4.2015, TAND tỉnh Gia Lai đã mở phiên tòa xét xử và tuyên án hai vợ chồng là Siu H’Chôm (40 tuổi) 6 năm tù và Kpă Klek (37 tuổi, ở H.Chư Pưh) 5 năm tù về tội “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”. Trước đó, hai vợ chồng này đã lừa 10 người bản địa Gia Lai trốn ra nước ngoài, trục lợi hơn 38 triệu đồng.
Ger kể: “Mình đâu biết, nghe lời một người tên là Đến ở đâu trong miền Nam nói muốn đi qua Mỹ sống sung sướng thì nó lo cho. Nó nói trước tiên là qua Thái Lan, sau đó sẽ có người đón qua Mỹ, chỉ chơi thoải mái, có tiền nước Mỹ cho rồi, không lo làm việc nữa. Mình bán đất, bán tiêu... đưa cho nó 90 triệu đồng để nó dẫn cả nhà mình đi. Khi đến Tây Ninh nó dẫn đi theo một con đường nhỏ vượt qua Campuchia rồi từ đó sang Bangkok. Sang đó mình chờ mãi không thấy được đi, gọi thằng Đến thì máy không liên lạc được. Lúc đó mới biết mình bị lừa. Muốn về nhưng tiền hết và không biết đường”.
Theo lời Ger, qua đó cả nhà phải sống chui rúc trong một căn phòng nhỏ thuê được tại một khu lao động nghèo ở Bangkok. Một số người Việt biết hoàn cảnh Ger đã chỉ cho anh kiếm chỗ làm thuê.
Ger kể: “Mình đi làm phụ xây, sáng phải đi sớm, tối mới về nhà. Người ta trả cho một ngày 10 USD. Cả nhà chỉ sống với chừng đó tiền. Khổ nhất là những ngày mình đau hoặc con, vợ đau, không có tiền mua thuốc, rồi tiền ăn. Tiết kiệm mỗi ngày một ít, gần cả năm mới có tiền về”.
Lúc chúng tôi tìm đến, Ger khoe là mới đưa ba đứa con đến trường sau gần một năm bỏ học. Ger nói: “Mình muốn làm ăn, sống ở đất nước của mình thôi. Gia đình mình về, ba mẹ mình mừng vui như đón người chết sống lại”.
Chúng tôi đến nhà Siu Krối ở xã Ia Le khi anh cũng vừa thất thểu dẫn vợ và hai con quay lại làng cũ, sau gần 8 tháng tha phương ở nước ngoài. Ngày vợ chồng họ trở về, người thân kéo đến chật cả nhà, mãi đến khuya mà chưa ai chịu về, cứ muốn ở lại nghe chính cái miệng Krối kể chuyện bị lừa, kể chuyện khổ phải sống chui rúc, trốn cảnh sát Bangkok mỗi ngày.
Krối cho biết: “Sang đó mình thì làm phụ xây, vợ xin làm cỏ cho những nông trại, nhà giàu. Được ít tiền lắm. Khổ quá, vợ mình cứ khóc mãi. Nó nói muốn về thôi. Biết là bị lừa nhưng tiền không có, phải tiết kiệm mãi mới về được”. Nhiều người như Ger, như Krối ở Gia Lai khi tin vào những ảo vọng đã thấm vố lừa, cuối cùng phải tự dắt díu nhau về quê, khi nhiều tài sản của họ đã bán cho người khác.
Đi làm thuê, sống tạm bợ ở đất khách
Theo thông tin từ những phần tử sống lưu vong lừa phỉnh người bản địa bán tài sản vượt biên trái phép, Công an Gia Lai đã kịp thời ngăn chặn và làm rõ những kẻ cầm đầu.
Tháng 7.2014, cơ quan chức năng đã bắt giữ Siu H’Bế (45 tuổi), trú tại xã Ia Hrú, H.Chư Pưh (Gia Lai) khi nghi phạm đang chuẩn bị đưa 3 người ở huyện này vượt biên trái phép sang Campuchia. H’Bế khai ra Ama Prã, đang sống lưu vong ở nước ngoài là người móc nối, trả tiền công cho H'Bế nếu dẫn người qua Campuchia. "Ama Prã bảo với tôi rằng muốn có nhiều tiền công thì phải nói cho hay với mọi người là qua Campuchia sẽ được sang Thái Lan, sang Mỹ và có cuộc sống sung sướng mà không phải vất vả", H’Bế khai nhận.
Những người ở H.Chư Pưh bị H’Bế lừa là Rơlan Đê và Siu Guh đã phải bán tài sản để trốn sang Campuchia với giá hơn 30 triệu đồng/người. Cứ mỗi lần thành công, H’Bế được trả công 1 triệu đồng. Ngoài ra, 4 nạn nhân khác của H’Bế đã phải đi vay nặng lãi, bán tài sản nộp cho bà này gần 90 triệu đồng.
Thượng tá Đặng Văn Lợi, Phó phòng phụ trách Phòng An ninh dân tộc Công an Gia Lai, cho biết: “Nhiều người dân đồng bào dân tộc thiểu số sau khi thông qua các đối tượng môi giới đã bán toàn bộ tài sản để vượt biên trái phép. Thế nhưng, khi qua bên đó không có trại tị nạn như lời của các đối tượng phản động lôi kéo, dụ dỗ mà những người này phải đi làm thuê, sống tạm bợ trong những ngôi nhà cũ kỹ, không ai giúp đỡ cả”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.