Khốn khổ với viêm gan siêu vi C

30/05/2011 22:52 GMT+7

Hiện nay, viêm gan siêu vi C (HCV) là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây viêm gan mạn tính. Nhiều người công tác ở ngành y tế nhìn nhận, HCV là một trong những bệnh “tưởng chừng như không sao, nhưng lại để lại hậu quả ghê gớm”, bởi sự chủ quan của bệnh nhân và mức độ phức tạp trong điều trị…

Kiệt quệ vì phát hiện quá trễ

Ông N.V.T (58 tuổi, tỉnh Đắk Lắk) được chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy với kết luận của các bác sĩ địa phương là “viêm gan nặng”. Sau khi được làm các xét nghiệm, ông Tuấn mới biết mình bị viêm gan siêu vi C mạn tính. Ông phải bán đất, bán nhà để điều trị nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Bà N.T.T (vợ ông T) nghẹn ngào: “Có nghe người ta nói viêm gan siêu vi C, nhưng hầu như chẳng ai quan tâm, bị phát bệnh rồi mới biết nó nguy hiểm đến như vậy”.

Nhưng ông Tuấn còn may mắn hơn trường hợp của chị T.T.T (45 tuổi, TP.HCM). Tháng 10.2010, chị ói ra máu vì xuất huyết bao tử. Đi khám mới hay, chị bị ung thư gan. Triệu chứng xuất huyết bao tử chỉ là di căn mà bệnh ung thư gây ra. Sau 4 tháng điều trị không tiến triển, các bác sĩ đã “trả” chị về để tự điều trị.

“Vừa tốn tiền, vừa mất sức nghiêm trọng” là lời chia sẻ đầy ngao ngán của anh N.H (37 tuổi, quận 3). Anh phải tuân thủ chế độ điều trị nghiêm ngặt: không thuốc lá, không rượu bia, cảm thấy rất mệt, khó tập trung, nhức mỏi chân tay. Ngoài ra, tác dụng phụ trong chữa trị cũng khiến anh ngày càng kiệt sức. Anh ước mình phát hiện ra căn bệnh quái ác này sớm hơn để chữa trị hiệu quả. 

Tuy là một căn bệnh đáng sợ, nhưng đa phần bệnh nhân bị nhiễm HCV lại ít biểu hiện triệu chứng khi bệnh còn nhẹ. Có đến 60% bệnh nhân viêm gan C không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Trừ một số người quan tâm đi khám sức khỏe định kỳ, những người khác nếu có bị HCV cũng không hề hay biết gì cho đến khi bệnh gan tiến triển vào những giai đoạn nặng hơn như xơ gan hoặc ung thư gan.


Bệnh nhân nghèo thêm khó khăn vì viêm gan siêu vi C
 

Bệnh nặng thêm vì nhiều nguyên nhân

Những vật dụng bén nhọn như kim chích, dao cạo râu…, các dụng cụ y khoa trong bệnh viện như dụng cụ chữa răng, máy nội soi… nếu không được tiệt trùng đúng cách cũng là nguồn lây bệnh viêm gan siêu vi C. Chính vì nhiều người không biết được rằng HCV lây qua các  đường như vừa nêu trên, nên dễ dính bệnh. Bác sĩ Nguyễn Hữu Chí nhận định: “Tỷ lệ gia tăng HCV nhanh là do nhiều người còn xem thường căn bệnh này. Mặt khác, HCV diễn ra âm thầm, ít xuất hiện triệu chứng khi bệnh chưa nặng nên dễ tạo tâm lý chủ quan cho người mắc bệnh”.

Thêm vào đó, không ít người, dù đã xét nghiệm và biết mình nhiễm HCV nhưng lần lữa, không chủ động đi chữa bệnh. Lý do là vì chi phí điều trị rất cao (60 triệu đến 200 triệu đồng/ca điều trị). Ngoài ra, việc điều trị kéo dài rất lâu, từ 6-18 tháng, cộng thêm nhiều tác dụng phụ khiến người bệnh mau nản chí và bỏ cuộc. Khi bệnh phát nặng (giai đoạn xơ gan, ung thư gan) thì mọi thứ  dường như đã quá trễ để cứu vãn. Cho đến nay, số bệnh nhân nhiễm HCV ở Việt Nam đã lên đến 2 triệu, trong đó có 4% tử vong.

BS. Nguyễn Hữu Chí – Phó chủ nhiệm Bộ môn Nhiễm, Đại học Y Dược TP. HCM lý giải: “Chi phí điều trị HCV rất cao, là vì thuốc phải nhập từ nước ngoài, máy móc, công nghệ đều phải áp dụng chuẩn tiên tiến trên thế giới. Có thể nói, nếu là người có điều kiện kinh tế không cao, để căn bệnh này lâm nặng, sẽ rất khó để điều trị. Nếu bệnh viêm gan siêu vi C mạn tính được điều trị đúng cách, theo dõi cẩn thận, có thể khỏi hẳn.Vì vậy, bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm, tuân thủ điều trị, không gặp bất thường của thuốc điều trị, rất hy vọng không có biến chứng của bệnh”.

Đây là nguyên nhân chính yếu khiến bệnh nhân  không “với” được việc điều trị hiệu quả. Kết quả là số bệnh nhân nhiễm viêm gan C không được điều trị khỏi, cộng với số bệnh nhân được phát hiện mới hằng năm, khiến tỷ lệ bệnh nhân viêm gan C ngày càng tăng, trở thành gánh nặng cho ngành y tế và cả cộng đồng.

Nhật Hạ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.