Khôn ngoan nhất là không lấp sông rạch

28/10/2015 05:55 GMT+7

Những lo ngại về tình trạng ngập úng, sụt lún được đưa ra tại Hội thảo quốc gia về Quy hoạch đô thị chống ngập, thích ứng với biến đổi khí hậu do Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) và UBND TP.Cần Thơ tổ chức ngày 27.10 tại TP.Cần Thơ.

Những lo ngại về tình trạng ngập úng, sụt lún được đưa ra tại Hội thảo quốc gia về Quy hoạch đô thị chống ngập, thích ứng với biến đổi khí hậu do Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) và UBND TP.Cần Thơ tổ chức ngày 27.10 tại TP.Cần Thơ.

PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý tài nguyên nước và biến đổi khí hậu, cho rằng không riêng gì Cần Thơ, tình trạng ngập úng xảy ra ở bất cứ đâu nếu sông, rạch bị lấn chiếm. “Sông, rạch là không gian chứa nước tự nhiên không thay thế được. Lấp rạch, lấp sông, chiếm chỗ của nước thì khi nước giành lại chỗ chắc chắn sẽ ngập”, ông nói.
Còn TS Michael DiGregorio, Trưởng đại diện Quỹ châu Á (TAF) tại VN, cảnh báo: “Lấp sông, rạch để có đất làm công trình rồi khi ngập úng lại phải làm cách nào để bảo vệ đất, bảo vệ công trình... Đó là những việc hoàn toàn đi ngược với tự nhiên và tới lúc nào đó chúng ta sẽ phải trả giá”.
Theo PGS-TS Lưu Đức Cường, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), việc phát triển đô thị ở các địa phương thường vì lợi ích trước mắt mà quên đi không gian của nước. “Vì thế ngay từ bây giờ, những đô thị mới cần thiết lập được hệ thống, không gian đủ khả năng trữ nước, từ đó mới có thể giải quyết được ngập”, PGS-TS Cường nói.
Riêng về việc chống ngập do lấp kênh rạch, ông Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng Công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ, cho rằng đã có rất nhiều bài học về việc lập kênh rạch dẫn đến ngập như ở Tokyo (Nhật Bản) hay Seoul (Hàn Quốc)... Họ đã phải tái sinh những con kênh, con sông từng bị lấp để trả về với hiện trạng tự nhiên. Mặc dù rất tốn kém nhưng vẫn phải làm vì không còn cách nào khác. “Ở nước ta, ngay bây giờ, chúng ta vẫn còn cơ hội để trả lại “tự do” cho những dòng sông, rạch một cách ít tốn kém hơn”, ông Vinh nói.
“Khôn ngoan nhất vẫn là không lấp, lấn chiếm sông, rạch trong phát triển đô thị, tìm những giải pháp thay thế nước ngầm”, PGS-TS Phi nhấn mạnh thêm.
Cũng tại hội thảo, tình trạng sụt lún được “mổ xẻ” và xem là nguyên nhân chính của ngập úng ở ĐBSCL. Theo PGS-TS Hồ Long Phi, nghiên cứu mới nhất cho thấy, ĐBSCL bị ngập do tốc độ sụt lún nhanh hơn nhiều so với nước biển dâng. Nguyên nhân là do nước ngầm ở khu vực này đang bị khai thác quá mức, nhất là ở vùng nuôi tôm công nghiệp. Cách đây chưa lâu, Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy từng đưa ra con số, tốc độ sụt lún ở Cà Mau là 1,9 - 2,8 cm/năm. Con số này ở các tỉnh khác tại ĐBSCL cũng không thua kém bởi theo các nhà khoa học “hệ thống nước ngầm là một mạng lưới chung; một nơi khai thác quá mức có thể gây sụt lún nhiều nơi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.