Không ai cứu giúp để nạn nhân bị xe cán chết: Có phải là quá vô cảm?

15/12/2020 19:09 GMT+7

Câu chuyện về nam thanh niên bị té ngã trên đường nhưng người đi qua không ai cứu giúp, sau đó nạn nhân bị xe khách cán chết, gây nhiều tranh cãi trái chiều trong dư luận về sự vô cảm.

Nhiều người cho rằng người đi đường đã quá vô cảm và thờ ơ trước tính mạng của người khác. Nhưng cũng có nhiều luồng ý kiến cho rằng đó không phải là vô cảm mà xã hội hiện nay làm việc tốt dễ bị vạ lây và hàm oan nên ai cũng ngại.

Cứu người rồi rước phiền phức vào mình?

Như Báo Thanh Niên đã thông tin, khoảng 21 giờ 30 ngày 11.12, nạn nhân là nam thanh niên (30 tuổi, ngụ Bình Dương) đi xe máy trên đường ĐT741 đến đoạn qua ấp Vĩnh Tiến (xã Vĩnh Hòa, H.Phú Giáo) thì bất ngờ tự té xe, văng ra đường. Theo hình ảnh từ camera ghi nhận tại hiện trường, sau khi nạn nhân bị té xe, có 4 chiếc xe máy đi ngang qua hiện trường nhưng không có xe nào dừng lại để cứu giúp. Sau đó, một chiếc xe khách đi tới, không phát hiện kịp người bị nạn, đã cán qua khiến nạn nhân chết tại chỗ.

Sau khi thông tin về vụ tai nạn thương tâm được đăng tải, bạn đọc đã bày tỏ nhiều luồng ý kiến trái chiều về sự việc này.

Bạn đọc có tên Thanh Binh Nguyen nêu ý kiến: “Hậu quả của nhiều vụ việc cứu giúp người bị nạn rồi lại bị hàm oan. Đưa vào bệnh viện thì bị viện bắt nộp viện phí, hoặc bị người nhà nạn nhân vô cớ hành hung do tưởng nhầm người gây tai nạn... Muốn thay đổi tình trạng này thì không hề đơn giản”.

Tương tự, bạn đọc Quang Hải Phù bình luận: “Đây là cái kết của nhiều việc trước đây, khi cứu người bị tai nạn đưa vào bệnh viện thì sẽ bị rắc rối như bị giữ lại chờ xác minh và những việc rắc rối mất thời gian và phiền nhiễu, nên bây giờ thấy thì đi qua xem như chưa thấy gì”.

Ngay sau những ý kiến này, nhiều bạn đọc đã bất bình lên tiếng. Như bạn đọc có tên Khanh Nguyen thẳng thắn nói: “Đây là lý luận của những người vô cảm”.

Bạn đọc Phong Tran thì cho rằng: “Cứu người là nghĩa cử cao đẹp, cho nên đừng đưa lý do để biện minh cho nó. Nếu bạn có nghĩa cử cao đẹp thì mọi hoàn cảnh bạn đều giúp người khác và ngược lại”.

Bạn đọc Quán Đỡ Buồn thì khẳng khái bình luận: “Nan nhân có khi chết vì những suy nghĩ của bạn trước khi được cứu”.

Không phải là vô cảm

Đó là khẳng định của Lê Anh Tuấn, chàng trai được mọi người mệnh danh là “hiệp sĩ bóng đêm” khi thường xuyên cứu giúp người bị nạn, hơn 2 năm qua, Tuấn đã chạy gần 400 chuyến xe cấp cứu miễn phí, kịp thời đưa người bị nạn vào bệnh viện.

Có nhiều kinh nghiệm trong việc cứu người bị nạn, Tuấn phân tích trường hợp này có nhiều lý do khiến người đi đường không ra tay cứu giúp. Đầu tiên là người đi đường sợ dàn cảnh cướp hoặc ăn vạ (vì đường khu vực đó rất vắng người). Thứ 2 theo Tuấn là nếu như ở hiện trường không có camera, người dân đi đường tấp xe vào giúp đỡ nếu không may nạn nhân không qua khỏi thì nghi can đầu tiên là người giúp đỡ thì sẽ rất phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống và việc làm vì bị công an mời lên làm việc mất nhiều thời gian, nên người ta ngó lơ là điều dễ hiểu.

Lê Anh Tuấn và những chuyến xe đi cứu nạn bất chấp đêm khuya của mình

NVCC

“Lúc đầu mình làm công việc cứu giúp người bị nạn này cũng đã trải qua trường hợp thứ 2 rất nhiều. Sau va chạm với xã hội nhiều, mình mới có nhiều cách xử lý khéo léo hơn”, Tuấn nói.

Và Tuấn khuyên: “Khi giúp nạn nhân mình phải bảo vệ bản thân mình trước như là quay livetream phát trực tiếp. Hoặc quay video lại làm bằng chứng. Chụp hình lại tất cả những gì liên quan với hiện trường như biển số xe, giấy tờ tuỳ thân, chụp được thông tin của bên gây tai nạn càng tốt để cung cấp cho gia đình và công an làm việc”.

Trước nhiều tranh cãi về vấn đề vô cảm của người đi đường, Tuấn khẳng định: “Không phải là vô cảm. Theo mình nghĩ những người đi đường chỉ cần 1 người đứng ra xung phong la lớn nhờ mọi người phụ 1 tay giúp đỡ thì mình nghĩ tất cả sẽ đồng lòng giúp đỡ thôi. Như bản thân mình khi lái xe cứu thương đi 1 mình đến hiện trường, một mình không thể vừa sơ cứu vừa khiêng nạn nhân lên được. Lúc đó mình la lớn rằng cần nhờ 2 - 3 anh nào khỏe mạnh phụ khiêng nạn nhân lên xe giúp, thì vừa dứt câu là dân đi đường ào ào vào phụ. Nên qua sự việc này theo mình thì không phải là người đi đường vô cảm vì người dân nhìn vào cũng muốn giúp nhưng không biết giúp đỡ và xử lý như thế nào thôi chứ vô cảm là chạy luôn chứ không dừng xe lại nhìn”.

Cứu người là quan trọng nhất

Nhìn nhận về vấn đề này, thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng có nhiều yếu tố chi phối khiến không ít người trong xã hội hiện nay e ngại, dè chừng việc cứu người hay làm chuyện tốt.

 “Khi gặp phải những trường hợp như vậy các bạn có thể làm như sơ cứu (nếu có thể), nếu sợ vạ lây có thể kêu gọi thêm sự trợ giúp từ xung quanh, gọi điện xe cứu thương hay thậm chí đưa người hoạn nạn đi bệnh viện. Các bạn cứ hãy tin vào một chuyện cho đi ắt sẽ nhận lại” 

Thứ nhất, ai cũng ý thức việc giúp đỡ người khác tuy nhiên, ngày nay làm việc tốt hay bị nghi oan và vạ lây, cứu người trong những trường hợp như trên dễ bị người thân tưởng nhầm rồi có những lời nói, hành động không hay... Thứ 2 là xã hội ngày càng phát triển kéo theo đó là vô vàng những giá trị ồ ạt du nhập vào nước ta chưa có sự chọn lọc, giá trị đạo đức xuống cấp,  thực hư, tốt xấu cứ lẫn lộn khó phân biệt, chân giá trị sống cũng vì thế có sự thay đổi chuyển dần từ sống vì mọi người sang sống vì mình nhiều hơn.

Điều thứ 3 theo thạc sĩ tâm lý Hoàng An thì cũng có thể vì một số điều kiện ngoại cảnh như đường vắng, hoang vu, mưa gió… hay những đặc điểm về nhân cách cá nhân quy định như ám ảnh sợ hãi, dễ ngất khi thấy máu, kỹ năng sơ cứu hay ứng biến trước những tình huống bất đắc dĩ còn hạn chế.

“Là một nhà nghiên cứu về tâm lý và giáo dục, tôi thật sự rất buồn cho những giá trị đạo đức và lối sống nhanh - gấp của không ít người ngày nay, đặc biệt là những người đi đường khi gặp hoạn nạn đáng lẽ ra phải giúp đỡ khi có thể. Tuy nhiên, mọi người lại tỏ ra thờ ơ, vô cảm trước sự nguy kịch về tính mạng của người khác. Tôi cho rằng, việc cứu người khi họ hoạn nạn hay có nguy cơ xấu về tính mạng là việc khẩn thiết hơn bao giờ hết”, thạc sĩ Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Anh An cũng khuyên mọi người trước những tình huống như trên, phải thật sự bình tĩnh dùng “cái đầu lạnh” để nhìn nhận và ý thức chuyện giúp đỡ người khác. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên dùng “trái tim nóng” để biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, và biết đâu sau này mình cũng gặp hoạn nạn sẽ được mọi người giúp đỡ lại, chứ không phải nhận về sự thờ ơ và vô cảm. “Khi gặp phải những trường hợp như vậy các bạn có thể làm như sơ cứu (nếu có thể), nếu sợ vạ lây có thể kêu gọi thêm sự trợ giúp từ xung quanh, gọi điện xe cứu thương hay thậm chí đưa người hoạn nạn đi bệnh viện. Các bạn cứ hãy tin vào một chuyện cho đi ắt sẽ nhận lại”, anh An gửi gắm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.