Không chỉ lỗi ở người chơi

23/12/2021 04:48 GMT+7

Cứ mỗi sàn tiền ảo bị đánh sập hay tự biến mất mang theo số tiền lớn của hàng trăm, hàng ngàn nhà đầu tư, không ít người lại tự hỏi sao có người vẫn dễ dàng tin vào những lời dụ dỗ để rơi vào tình cảnh “mua tiền ảo, mất tiền thật” đến như vậy?

“Luận” về chủ đề này, mọi ý kiến đều cho rằng lý do xuất phát từ lòng tham của người chơi, muốn lời cao, muốn “ngồi mát ăn bát vàng”. Điều này đúng, nhưng chưa đủ! Bỏ tiền đầu tư, ai chẳng muốn sinh lời. Lời lớn, tất nhiên là ham. Nghề nào cũng thế, mặt hàng nào cũng thế, chẳng riêng gì tiền ảo.

Những người bỏ tiền đầu tư, chắc chắn không ai nghĩ một thời gian sau sàn sẽ biến mất, cuốn theo tiền của họ. Họ ít nhiều, phải có niềm tin về sự tồn tại của sàn giao dịch đó, của đồng tiền ảo đó thì mới rót vốn. Nên nhớ rất nhiều người là các bà nội trợ, cụ hưu trí... vét sạch tiết kiệm trong nhà ra với hy vọng nhân đôi, nhân 3 số tiền để cải thiện kinh tế...

Vậy tại sao họ tin? Một lý do quan trọng có lẽ là do các sàn tiền ảo này hoạt động công khai, lôi kéo công khai. Thậm chí, trước làn sóng dịch thứ 4 vừa rồi, không ít sàn còn tổ chức các buổi giới thiệu cơ hội đầu tư tại các khách sạn, trung tâm hội nghị... lớn.

Nếu là hoạt động làm ăn phi pháp, sao dám vậy!? Rất nhiều người đã thuyết phục nhau, thuyết phục gia đình, thuyết phục chính mình bằng suy nghĩ như vậy. Và cũng phải nói thẳng là suy nghĩ đó không sai. Thế nên, việc các sàn tiền ảo vẫn có đất sống, vẫn lừa đảo tiền bạc của nhiều người rồi biến mất hầu hết lớn hơn, đến từ cơ quan quản lý có thẩm quyền. VN không công nhận tiền ảo.

Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đã nhiều lần tuyên bố rằng theo các quy định pháp luật hiện hành thì tiền ảo không phải tiền tệ, không phải phương tiện thanh toán hợp pháp tại VN và khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên nắm giữ, đầu tư và thực hiện các giao dịch liên quan tiền ảo.

Nhưng ngoài tuyên bố trên, thì chúng ta gần như... chẳng làm gì. Mà tuyên bố thì đâu phải người dân nào cũng xem ti vi, đọc báo để biết. Đó là chưa kể, những tuyên bố này cũng chỉ mang tính khuyến cáo “không nên” chứ không phải “cấm”. Trong nước không cấm, một số nước trên thế giới công nhận, thông tin giá tăng giá giảm các loại tiền số nổi tiếng như Bitcoin... vẫn được cập nhật thường xuyên.

Thậm chí, có thời gian, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng quảng cáo, truyền thông cho tiền ảo... thì người ta tin và đầu tư thôi. Nói vậy để thấy, chỉ đổ lỗi cho lòng tham của người chơi tiền ảo là chưa đủ. Cơ quan quản lý cũng phải gánh trách nhiệm lớn trong việc này.

Thủ tướng mới đây đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain) trong chiến lược phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2021 - 2025. Đây là một chủ trương đúng đắn và cần thiết.

Một hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng, minh bạch chính là giải pháp hiệu quả nhất để tạo một sân chơi minh bạch cho tiền kỹ thuật số (tiền ảo). Đây cũng chính là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ ngày nay. Nhưng trước mắt, để tránh các vụ dụ dỗ, lôi kéo, lừa đảo đầu tư tiền ảo thì các giải pháp tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và chế tài trong lĩnh vực này phải được thực hiện đồng bộ và quyết liệt.

Chứ đừng chỉ đổ lỗi ở người chơi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.