'Không đâu cho bằng Hà Nội của chị'

09/02/2021 17:00 GMT+7

Văn hóa của người Hà Nội là thứ đã bén đất cắm rể từ ngàn năm xưa, đâu dễ mai một một sớm một chiều.

1. Tôi ra Hà Nội mấy lần đều làm khách nhà một chị bạn quê gốc Ninh Bình ở khu chung cư cũ, thả bộ chừng dăm phút là tới hồ Văn Quán. Trong nhà có thêm 2 người khác. Chị Thủy, quê Nam Định, công tác trong mảng hành chính công của quận. Chị Hồng, gốc Quảng Bình, phiên dịch cabin tự do cho các hội thảo, hội nghị đã có hơn 5 năm trong nghề.
Chị bạn tôi là dân sales, bán đồ nội thất cho một công ty có trụ sở tận Q.Hoàng Kiếm. Chị bảo ở Hà Đông từ hồi sinh viên, đâm quen rồi. Ra trường dù làm qua mấy nơi xa đều không muốn thay đổi chỗ ở, phần vì ngại dịch chuyển đồ đạc, phần ở đâu quen đó. Chị Hồng và chị Thủy cũng vậy, cũng gắn bó với Hà thành từ hồi sinh viên.
Hơn chục năm làm lưu dân, nói dài không phải, nhưng cũng đủ để cái chất người Thăng Long - Kẻ Chợ ngấm vào các chị trong âm thầm. Cả 3 người đều ăn nói từ tốn, nhẹ nhàng, chữ “vâng” đi trước, “ạ” liền theo sau. Hồi đầu tôi có phần không quen, nhưng sau lại đâm nghiền. Thích nhất là những lúc ra đường, nghe các chị lễ phép “xin lỗi” để chỉ hỏi đường, dùng khẩu ngữ “chị xin” khi được tôi đưa đũa và gắp thức ăn cho, hay đơn giản là tiếng “cảm ơn” khi trả tiền cho người bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ.
Sự nhã nhặn và lịch sự vậy không hoàn toàn do bản chất công việc của những cái nghề cần mềm dẻo, mà ẩn tàng là nét văn hóa ứng xử của người xứ kinh kỳ, đã len lỏi trở thành nếp sống của mỗi người an cư trên đất này trong suốt nhiều năm. Người xưa có câu: “Mảnh đất làm nên con người”, quả thật sâu sắc và thấm đẫm.
2. Chị bạn tôi có một hội bạn thân đều là những người trưởng thành ổn định, có công ăn việc làm, thiên hướng lập nghiệp dài lâu nơi thủ đô đất chật người đông này. Qua chị, tôi và mọi người cùng quen biết. Bèo nước gặp nhau ấy vậy mà thân, mỗi lần có dịp lui tới là hẹn hò, không phải chè chén nơi quán nhậu, quán bar mà đơn giản là ngay vỉa hè, bên cốc trà đá.
Trong nhóm chỉ có chị Thìn là con gái phố cổ chính hiệu, còn lại đều dân tứ chiếng nhưng phát âm cực chuẩn, âm sắc trong trẻo, nữ dịu nhẹ, nam trầm ấm, không ai lấn cấn “l”, “n”. Họ đều là những tri thức trẻ thân thiện, lịch thiệp, khoan hòa. Biết tôi miền trong ra, ai nấy đều rôm rả: “em thấy không khí Hà Nội thế nào?”, “em đã đi những đâu, đến lăng Bác chưa, ra hồ Tây chưa”, hoặc “đã ăn đặc sản chưa, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng?”.

"Mới ra Hà Nội à, đã đi hồ Tây chưa"

Ảnh Lưu Quang Phổ

Tôi chắc mình đã lụi tim nhiều lần trước thứ chất giọng đặc biệt không thể nào pha lẫn và cả biết bao lời gọi mời khám phá về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, con người của đất văn hiến nghìn năm. Chính sự gần gũi, giản dị, không phân biệt giai tầng càng dần càng khiến tôi đem lòng quý mến những con người mà mình đã may mắn gặp gỡ trên đường rong ruổi. Họ là những người thức thời, tự biết học hỏi, điều chỉnh và thích nghi để hòa mình vào một vùng đất, dù đó là một vùng đất đặc biệt đến vô cùng.
3. Tôi nghĩ mình cũng không cần quá khắt khe để gọi những người bạn tôi gặp là “người Hà Nội”, dù biết thật khó có một thước đo hay quy chuẩn nào làm mốc để phân định cho rạch ròi. Chính chiều kích văn hóa trong nếp sống họ hằng ngày, chất trí tuệ, nét hào hoa toát ra đã giúp họ tự khẳng định mình trước sự phân biệt.
Dù rằng cũng không ít báo đài phản ảnh cái chất người Hà Nội hôm nay đang dần bị hòa loãng, lai căng bởi sự du nhập của “người ngoài”. Dầu vậy, qua những gì mà bản thân đã trải nghiệm và cảm nhận, tôi vẫn hoài tin văn hóa là thứ đã bén đất cắm rể từ ngàn năm xưa, đâu dễ mai một một sớm một chiều. Nó như một dòng nước mát vẫn chảy âm thầm, chậm chậm, mưa dầm thấm lâu mà phải là những người mang trong mình một tình yêu với đất kinh đô, với văn hóa cội nguồn và trân trọng ký ức “vang bóng một thời” mới có thể thấm nhuần và đủ sức gìn giữ.
4. Tôi đã ngợi khen Sài Gòn như là thành phố năng động và nhộn nhịp nhất trên dải đất hình chữ S, nơi người trẻ thời hiện đại tìm kiếm những cơ hội lập nghiệp đầy tính thử thách trên mảnh đất khéo rèn dũa năng lực, mỡ màu. Chị bạn tôi một lần vào thăm phương Nam, dù cũng thích Sài Gòn hoa lệ bởi sự hào phóng, nghĩa khí của những người con nơi thành phố mang tên Bác dám nghĩ dám làm, nhưng khi được gợi ý cơ hội lập thân, vẫn lắc đầu từ chối.
Lý do thì nhiều, nhưng lớn nhất và đủ uy lực nhất vẫn là “không đâu cho bằng Hà Nội của chị”. Thế gian vần xoay, bao điều biến đổi, nhưng trong trái tim những người trót yêu Hà Nội như chị, đất Tràng An vẫn là nhất, người Tràng An vẫn là những “hạt bụi vàng” đáng được khám phá và quý yêu và trân trọng trong bể biển thau, vàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.