Không để nhà đầu tư chạy sang tỉnh khác

08/01/2020 06:33 GMT+7

Đà Nẵng cần một liều “doping” để giữ vững vị thế thành phố đáng sống , “anh cả” của vùng kinh tế miền Trung.

Chính quyền dè dặt, nhà đầu tư nản chí

Doanh nghiệp không đòi hỏi được ưu đãi, chỉ cần chính quyền triển khai nhanh các bước thủ tục, quy trình hành chính là tốt lắm rồi
Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch

 
Trong 14 năm kể từ 2012, TP.Đà Nẵng là địa phương luôn ở nhóm “rất tốt” và “tốt” trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là địa phương có tới 7 năm dẫn đầu bảng xếp hạng PCI của cả nước và có vai trò liên kết, động lực thúc đẩy kinh tế cho toàn vùng. Song những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của thành phố đáng sống này có phần suy giảm rõ rệt. Năm 2017, Đà Nẵng tụt xuống vị trí số 2, để mất “ngôi vương” vào tay Quảng Ninh sau 4 năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng PCI. Sang năm 2018, Đà Nẵng xuống vị trí thứ 5/63 tỉnh thành cả nước. Trong đó, các chỉ số về môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp cận đất đai và ổn định sử dụng đất, các chỉ số gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí không chính thức... đều sụt giảm thứ hạng nghiêm trọng. PCI 2018 được công bố vào cuối quý 1/2019. Trong quý 2/2019, chính quyền TP.Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo bàn giải pháp nâng cao PCI Đà Nẵng năm 2019. Lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng tại thời điểm đó thừa nhận có sự sụt giảm và nhiều sở ngành của TP đang nỗ lực, tìm hướng giải quyết khó khăn, vướng mắc tốt nhất cho doanh nghiệp (DN).
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ chỉ rõ một trong những nguyên nhân chính khiến PCI của “thành phố đáng sống” bị sụt giảm mạnh do TP trong thời gian qua phải lo xử lý, giải quyết các hậu quả theo kết luận của Thanh tra Chính phủ trước đó, từ đó gây ảnh hưởng đến tâm lý và môi trường kinh doanh. Việc xử lý sai phạm của cán bộ khiến các cán bộ khác kém chủ động, sáng tạo; một bộ phận cán bộ có tâm lý dè dặt, thận trọng, quy trình cứng nhắc...
Tuy việc “chẩn bệnh” đã được cấp lãnh đạo TP nhìn nhận nhưng quyết tâm thay đổi vẫn chưa thật sự rõ ràng. Đã hơn nửa năm trôi qua, theo phản hồi của một số DN đang tìm cơ hội đầu tư vào TP năng động nhất miền Trung, “mọi thứ vẫn còn ì ạch một cách khó chịu”. Ông T.S.Ch (Việt kiều Mỹ), một nhà đầu tư công nghệ, cho biết khi ông đưa một số nhà đầu tư đến tìm hiểu với mong muốn mang dự án công nghệ xanh vào khu công nghệ cao ở Đà Nẵng, dự án được khen ngợi, đánh giá tốt vì hợp xu hướng đầu tư của TP. Thế nhưng, đến nay đã 3 năm vẫn chưa đâu vào đâu. Ông Ch. nhận xét: “Yếu tố lớn nhất liên quan đến Đà Nẵng là vấn đề đất đai, đơn vị nào quyết, ai quyết, dám quyết không, quyết thế nào… Dù có chỉ đạo của lãnh đạo cao cấp xem xét giải quyết, nhưng hơn 2 năm với ít nhất gần 20 cuộc họp lớn bé, DN vẫn chưa biết dự án có thể được triển khai hay không. Không khí im ắng vẫn bao phủ môi trường đầu tư ở đây”.
Tương tự, đại diện một DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch than công ty ông cũng phải mất hơn 3 năm để hoàn thành các thủ tục về giao đất, tính giá đất. Đây chính là “điểm nghẽn” lớn nhất mà các DN khi muốn tìm cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng vướng phải. Không tính được tiền sử dụng đất thì nhà đầu tư không triển khai được các giấy phép về mặt xây dựng, dự án đình trệ, DN mất rất nhiều công sức, chi phí trong thời gian chờ đợi. “Nhiều khi tâm huyết nhiều nhưng dự án nâng lên hạ xuống mãi không được giải quyết cũng nản. DN không đòi hỏi được ưu đãi, chỉ cần chính quyền triển khai nhanh các bước thủ tục, quy trình hành chính là tốt lắm rồi”, vị này chia sẻ.

Thúc kinh tế đêm để Đà Nẵng đột phá

TS Lê Đăng Doanh: “Hy vọng lãnh đạo Đà Nẵng nhìn nhận vấn đề ở tầm vĩ mô hơn, sau thời gian trì trệ, sớm tìm lại phong độ và quan trọng là thông thoáng, năng động trong chính sách để cạnh tranh thu hút nguồn lực tư nhân - vốn là thế mạnh của thành phố này”.
Theo các chuyên gia, vấn đề của Đà Nẵng hiện nay là hệ quả sau một thời gian dài quá phụ thuộc vào nguồn thu từ đất. Ngân sách giai đoạn 2005 - 2010 thu từ đất chiếm đến 40%, nay còn khoảng 10% khiến địa phương này gần như chao đảo. Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều tiêu cực chưa thể giải quyết, ngành được trông chờ lớn nhất hiện tại vẫn là du lịch. Song, nhiều người gắn bó với Đà Nẵng, nghiên cứu về Đà Nẵng đều thừa nhận, ngành dịch vụ du lịch vốn đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng đang có dấu hiệu phát triển kém hiệu quả, “xuống sức”.
Đồng tình, ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty du lịch Ngôi sao biển Sài Gòn, khẳng định Đà Nẵng còn rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, trong đó nếu khai thác tốt, kinh tế đêm sẽ là “mỏ vàng” giúp TP này đột phá. Theo ông Sơn, thực tế lãnh đạo TP.Đà Nẵng cũng đang rốt ráo đẩy nhanh các dự án sản phẩm du lịch về đêm. Trong đó có 4 dự án chủ đạo là: dự án Khu phố tây An Thượng trên Ngũ Hành Sơn; Dự án cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi; Dự án Biển đêm không ngủ ở Q.Sơn Trà và Phố đi bộ chợ đêm Bạch Đằng trên đường Bạch Đằng. Bên cạnh đó, Tập đoàn Sun Group mới đây cũng đang đề xuất thay đổi công năng của Khu vui chơi Công viên châu Á phù hợp hơn với các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm. “Nếu tất cả dự án trên có thể về đích theo đúng kế hoạch, Đà Nẵng sẽ là địa phương tiêu biểu và đầu tiên phát triển thành công kinh tế đêm. Đây chính là liều “doping” tốt nhất, hợp lý nhất giúp Đà Nẵng lấy lại phong độ và phát triển nhanh, mạnh”, ông Sơn quả quyết.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng Đà Nẵng và những mảng tối liên quan đến bất động sản, tham nhũng đất công là nguyên nhân lớn khiến mọi “nhất cử nhất động” nơi đây chững lại. Muốn trở lại “đường đua”, tận dụng tốt nguồn nội lực từ các DN thì câu chuyện thu hút đầu tư không thể dừng lại, chờ xử lý khủng hoảng cho xong mới làm tiếp. Như vậy sẽ mất cơ hội, nhà đầu tư nản chí sẽ “chạy” sang đầu tư các địa phương khác. “Ở đây, cần có sự tách bạch, xem xét các dự án nào có thể giải quyết, đã làm nửa chừng, không “vướng” đất đai đang thanh tra... nên giải quyết dứt khoát để nhà đầu tư triển khai dự án. Luật đã có, chính sách đã có, cứ theo đó mà làm”, ông Doanh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.