Không dùng quyền lực mềm để hù dọa doanh nghiệp

Chí Hiếu
Chí Hiếu
24/12/2019 06:14 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải chấm dứt ngay tình trạng các nhân viên công quyền sử dụng quyền lực mềm để hù dọa doanh nghiệp mỗi khi doanh nghiệp có sai sót hoặc chỉ là ý kiến bất đồng.

Thông điệp trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hôm qua (23.12) khi phát biểu trước hơn 1.000 doanh nghiệp và đại diện các bộ ngành, địa phương trong buổi đối thoại giữa người đứng đầu Chính phủ với doanh nghiệp tại hội nghị “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững”.

“Doanh nghiệp yếu kém có trách nhiệm của chính quyền”

Ngay trong lời mở đầu, Thủ tướng thừa nhận, doanh nghiệp (DN) còn nhiều khó khăn, trở ngại trên con đường phát triển và rất thấm thía khi mỗi năm có hàng vạn công ty giải thể, phá sản. Thủ tướng cho rằng, DN yếu kém chắc chắn có trách nhiệm của nhà nước nên đề nghị DN có thêm ý kiến về cải cách thủ tục hành chính, thể chế, thanh tra, kiểm tra hay vấn đề quy hoạch, tiếp cận đất đai, tín dụng, xin giấy phép...
“DN hãy có tiếng nói thẳng thắn, như về vấn đề thanh kiểm tra có chồng chéo, gây khó khăn cho DN như thế nào, kể cả tình trạng cơ quan nhà nước dọa nạt khi DN có ý kiến trái chiều. Cần chỉ rõ văn bản nào của bộ, ngành nào bất hợp lý, mâu thuẫn, gây cản trở, không phù hợp với môi trường kinh doanh, thông lệ quốc tế. Hay cơ quan nào gây nhũng nhiễu, phiền hà, ở địa phương hay là tập trung ở T.Ư”, Thủ tướng khơi gợi.
Chúng ta phải thực sự thay đổi tư duy không phải những gì nhà nước không muốn làm thì chuyển cho tư nhân, mà là những gì tư nhân làm được và làm tốt thì nên để tư nhân tham gia
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, cho hay DN này đang tiên phong lựa chọn nghiên cứu phát triển và thương mại hóa các sản phẩm ô tô điện và xe máy điện - một hướng đi mới, nên chắc chắn rất khó khăn.
“Nhưng do đây là mục tiêu dài hạn, và ngay cả trên thế giới, những thương hiệu ô tô điện nổi tiếng nhất và có nhiều kinh nghiệm nhất như Tesla cũng mới chỉ có lãi trong thời gian gần đây, nên chúng tôi cũng rất mong muốn sẽ nhận được chính sách hỗ trợ phù hợp từ Chính phủ, đặc biệt là về thuế, phí để có thể khởi nghiệp thuận lợi hơn trong lĩnh vực có quá nhiều cạnh tranh như ô tô, đặc biệt là ô tô điện”, ông Quang nói và cho rằng từ kinh nghiệm của thế giới, cần thiết phải có một hệ thống chính sách đồng bộ, khuyến khích cả nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng, cũng như xây dựng một hệ sinh thái thân thiện cho phương tiện chạy điện trong tương lai.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco Trường Hải, thì mong muốn Chính phủ có những chính sách hỗ trợ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, sản xuất linh kiện ô tô trong nước, tiến tới xuất khẩu, trở thành trung tâm sản xuất lớn. Về lĩnh vực nông nghiệp, ông Dương nói: “Nếu chúng ta trồng chuối với 50 - 100 ha thôi thì không thể ổn định cho xuất khẩu. Không thể xuất khẩu 5 container/ngày mà cần nhiều hơn thế. Quy mô lớn là một điểm mạnh và cơ hội trong thời gian tới”. Thế nhưng, ông Dương cho hay việc sản xuất hàng hóa quy mô lớn đang gặp khó khăn về vốn khi nhiều ngân hàng thương mại e ngại.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, nhà nước cần mạnh dạn lên giải pháp chuyển giao một số dịch vụ công cho hiệp hội cùng làm nhằm giảm chi ngân sách, giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho DN và cũng là để DN tự nâng cao trách nhiệm khi bước vào cạnh tranh trong các lĩnh vực này. Ngoài ra, theo ông Thân, kinh tế ban đêm là xu hướng, vì thế Chính phủ cần sớm cho nghiên cứu chính thức, hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan để tăng thu nhập cho người dân và cũng là cho ngân sách.

Tư nhân sẽ tham gia cung cấp dịch vụ công

Phát biểu kết luận, Thủ tướng nhắc nhở các bộ, ngành tiếp tục có những chính sách cởi mở hơn, thực sự cởi trói, ủng hộ để DN bứt phá, nhất là cởi trói cho DN tư nhân tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực, các ngành mà trước đây chỉ có nhà nước đảm trách, ngoại trừ những lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến an ninh, quốc phòng và điều hành vĩ mô. “Chúng ta phải thực sự thay đổi tư duy không phải những gì nhà nước không muốn làm thì chuyển cho tư nhân, mà là những gì tư nhân làm được và làm tốt thì nên để tư nhân tham gia, kể cả cung cấp dịch vụ công. Những quan điểm mới này, các địa phương, các ngành nên quán triệt để triển khai”, Thủ tướng nêu rõ.
Theo Thủ tướng, cần rà soát và thiết lập cơ chế ưu đãi tài chính tốt hơn, khuyến khích DN áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững bao trùm như ứng dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, sản xuất thông minh, bảo vệ môi trường... Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ “lệnh” phải chấm dứt ngay tình trạng các nhân viên công quyền sử dụng quyền lực mềm để hù dọa DN mỗi khi DN có sai sót hoặc chỉ là ý kiến bất đồng. Chính quyền các địa phương phải đổi mới tư duy, không phân biệt đối xử giữa kinh tế trong nước và nước ngoài, kinh tế nhà nước với tư nhân, hoặc tham lớn bỏ nhỏ.
Dù vậy, Thủ tướng cũng kêu gọi các DN phải nâng cao tinh thần đoàn kết, tương tác và khuyến khích sự chủ động hợp tác, tương trợ nhau trên thương trường, phát huy tinh thần yêu nước, gắn bó với nhau khi khó khăn và cùng nhau vươn ra biển lớn.

Xây dựng quy định chuẩn mực

Thủ tướng đề nghị DN bên cạnh việc phải tuân thủ luật pháp, thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước như nộp thuế, thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động thì còn phải tham gia xây dựng các quy định chuẩn mực về môi trường và văn hóa kinh doanh. Các quy định này cũng được xem là một khế ước cam kết hành động có trách nhiệm giữa cộng đồng DN với các bộ, ngành, chính quyền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.