Không được đào tạo từ xa ngành sức khỏe và sư phạm

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
06/01/2024 14:54 GMT+7

Theo quy định mới nhất, ngành thuộc khối sức khỏe và sư phạm sẽ chính thức không được đào tạo từ xa. Đây là điểm khác biệt quan trọng so với quy chế năm 2017 khi các trường đào tạo từ xa với tất cả ngành đã được phép đào tạo chính quy.

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư số 28 về Quy chế đào tạo từ xa trình độ ĐH mà trước đó được dự thảo vào tháng 11.2022. Quy định này có hiệu lực từ 12.2, thay thế cho Thông tư số 10 ban hành năm 2017.

Tại thông tư mới này, hình thức đào tạo từ xa là có 50% tổng khối lượng của chương trình đào tạo trở lên được thực hiện theo một hoặc kết hợp giữa các hình thức đào tạo từ xa gồm mạng máy tính và viễn thông, thư tín, phát thanh-truyền hình.

Không được đào tạo từ xa ngành sức khỏe và sư phạm- Ảnh 1.

Khối ngành sức khỏe cần học trực tiếp và thực tập, thực hành liên tục nên đào tạo từ xa sẽ khó đảm bảo chất lượng

NGỌC ANH

Về thời gian, chương trình đào tạo từ xa có kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa theo các tiến độ học tập khác nhau để định hướng cho người học nhưng không ngắn hơn so với hình thức đào tạo chính quy.

Thông tư cũng nêu rõ những yêu cầu tối thiểu để thực hiện đào tạo từ xa. Theo đó, cơ sở đào tạo thực hiện chương trình đào tạo từ xa đối với những ngành đã có quyết định mở ngành và đã tuyển sinh tối thiểu 3 khóa liên tục theo hình thức chính quy.

Đặc biệt, các trường không thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên. Trong khi đó ở quy chế năm 2017, các trường được đào tạo từ xa với tất cả ngành đã được phép đào tạo chính quy.

Về đội ngũ giảng viên, cán bộ hỗ trợ học tập, cán bộ quản lý, phải đủ về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu đồng thời đã được bồi dưỡng về kỹ năng, phương pháp giảng dạy và quản lý đào tạo từ xa.

Ngoài ra, cơ sở đào tạo phải bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, học liệu và đáp ứng quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến đối với giáo dục ĐH của Bộ GD-ĐT.

Các trường sẽ bị đình chỉ đào tạo từ xa từ 6 tháng đến một năm nếu không đáp ứng được một trong các yêu cầu tối thiểu theo quy định.

Không được đào tạo từ xa ngành sức khỏe và sư phạm- Ảnh 2.

Nghề giáo cũng cần được thực hành, thực tập nhiều để có thể đảm nhận trọng trách "trồng người"

NHẬT THỊNH

Trước đó, khi thông tư này còn đang là dự thảo (tháng 11.2022), chia sẻ với PV Báo Thanh Niên, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục), cho rằng việc Bộ GD-ĐT quy định không cho phép đào tạo từ xa đối với các ngành có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên là hợp lý.

"Cá nhân tôi không tin việc một bác sĩ được đào tạo từ xa mà có thể gánh vác được trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cho người dân vì đây là một nghề đặc thù, cần học trực tiếp và thực tập thực hành liên tục trong suốt một quá trình. Đối với ngành sư phạm, có thể do Bộ GD-ĐT đánh giá thấy chất lượng giáo viên hiện nay có vấn đề nên muốn quy định này chính là một trong những điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên”, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã chia sẻ.

Thạc sĩ-bác sĩ Phạm Minh Nhựt, giảng viên bộ môn cấp cứu ngoại viện, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cũng nhìn nhận việc không cho đào tạo từ xa các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề là một giải pháp để đảm bảo chất lượng trong đào tạo chuyên môn, giúp kiểm soát việc thực hiện chương trình đào tạo, quản lý tốt hơn việc đánh giá chất lượng đầu vào và năng lực đầu ra của người học theo từng trình độ, từng đối tượng.

Tương tự, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho rằng giáo viên và bác sĩ là nghề đặc thù, cần rất nhiều thời gian thực hành, thực tập và các nội dung cần học trực tiếp khác, nếu đào tạo từ xa thì rất khó đảm bảo chất lượng nên quy định không đào tạo từ xa 2 nhóm ngành này là cần thiết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.