Người thầy đặc biệt
Vừa được 3 ngày tuổi, Hồ Văn Long (28 tuổi, thôn Ta Ry I, xã Húc, H.Hướng Hóa, Quảng Trị) bị ốm nặng. Sau trận ốm thập tử nhất sinh ấy, đôi chân Long bị liệt, rồi teo lại cho đến tận bây giờ. Lên 8 tuổi, Long phải chít khăn tang tiễn cha “về với đất” trong cơn bạo bệnh.
Dù bé nhỏ và chỉ có đôi tay lê lết “đi” thay đôi chân, nhưng Long vẫn phụ giúp mẹ từ việc nhà đến lên nương rẫy, mò cua, bắt ốc. “Ngày đó, cái chữ là một thứ gì đó xa xỉ đối với người dân trong bản, còn với đứa què quặt như tôi thì điều đó tưởng như quá tầm với”, Long kể lại. Nhưng không cam chịu cảnh lủi thủi trong xó nhà tối tăm, năm 1995, Long đã thuyết phục được mẹ cho đi học. Long nói, suốt cuộc đời này anh sẽ không quên ánh mắt của mẹ dõi theo anh trong ngày đầu tiên đến lớp bởi từng “bước chân” của anh trên con đường gồ ghề đó đều có giọt nước mắt vừa tự hào vừa xót xa của mẹ…
Tiếp thu bài học vỡ lòng chưa đầy 1 năm, Long ngậm ngùi rời xa bảng đen, phấn trắng vì đây là lớp học xóa mù chữ nên chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.
Những ngày ở nhà nỗi nhớ lớp, tiếng thầy cô giảng bài đã thúc giục Long hành động một cách “liều lĩnh”. Trong đêm, dưới cơn mưa như trút nước, Long lặng lẽ gói ghém áo quần, nhắm thẳng ngôi trường tiểu học cách nhà 4 quả đồi, 4 con suối mà lết đi. Trong cái đêm định mệnh đó, biết bao lần cậu bé Long ngã nhào xuống suối, bị đá cắt da thịt nhưng cuối cùng cũng đến được trường trước con mắt ngỡ ngàng, thán phục của những thầy cô giáo vùng cao. “Khi được thầy cô giúp cho vào học, tôi vui lắm. Ước mơ trong tôi ngày càng lớn dần hơn, và tôi tự dặn lòng phải cố gắng hơn trong học tập”, Long cười hiền hậu.
Cuộc đời Long bắt đầu sang trang mới khi được sơ Trần Thị Hiện đưa về nuôi nấng, cho ăn học tại huyện Cam Lộ. Không phụ lòng mong đợi của sơ Hiện và người mẹ nghèo nơi quê nhà, Long nỗ lực hết mình, đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Ngày nhận được giấy báo đỗ ngành Tin học (Trường CĐSP Quảng Trị), Long vui mừng khôn xiết. Vừa học, Long đã thực tập ngay khi bắt đầu tham gia giảng dạy cho các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tại Mái ấm tình thương ở TP.Đông Hà.
|
|
Năm 2007, Long tốt nghiệp và chính thức đứng lớp dạy trẻ khuyết tật của dự án Hoa Sen tại Đông Hà. Năm 2010, khi dự án kết thúc, Long tiếp tục nâng cao trình độ tin học tại Trường CĐ Công nghiệp Huế và giờ đang học liên thông lên ĐH ở Trường ĐH Khoa học Huế. “Nghị lực và niềm đam mê học tập chính là chìa khóa lớn mở ra cánh cửa tương lai cho tôi hôm nay. Mong ước lớn nhất của tôi là trở về quê hương mở trung tâm dạy học cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như tôi ngày trước”, chàng trai trẻ trải lòng.
Không ai là vô nghĩa trong đời…
“Nếu có niềm tin, có nghị lực và khát vọng vươn lên trong cuộc sống thì mọi khó khăn, thách thức đều có thể vượt qua, không ai là vô nghĩa trong đời”, em Nguyễn Thị Nguyệt (22 tuổi, thôn Bích Giang, xã Cam Hiếu, H.Cam Lộ, Quảng Trị) tâm sự với tôi ngay phút đầu gặp mặt. Chính suy nghĩ đó đã giúp Nguyệt trở thành tấm gương sáng vượt lên tật nguyền.
Nguyệt sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, có 5 người con, trong đó, Nguyệt và em gái bị mù bẩm sinh. Cuộc sống gia đình Nguyệt khó khăn hơn khi mẹ Nguyệt vì lao tâm, lao lực quá sức nên mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo. Chuyện cơm áo, gạo tiền giờ dồn hết lên đôi vai cha Nguyệt. Nguyệt nói: “Khi biết mình không thể nhìn thấy ánh sáng, em buồn lắm, chẳng muốn gặp ai cả, suốt ngày chỉ biết thu mình trong bốn bức tường. Em cũng đã từng giấu nhẹm những ước mơ, hoài bão đẹp đẽ của mình vì nghĩ vận may khó mà đến được”.
Cho đến năm 2004, Nguyệt trở thành hội viên Hội Người mù H.Cam Lộ. Ở đây, em được tiếp xúc với những người cùng cảnh ngộ, thấy được nghị lực vươn lên trong cuộc sống của mọi người, và đặc biệt là em đã có thể tự nuôi sống bản thân và phụ gia đình bằng tiền từ việc làm chổi đót, tăm tre... “Em được học chữ Braille, thứ chữ dành riêng cho những người như em. Em đã có thể viết lên những ước mơ, hoài bão trong nhật ký cuộc đời”, Nguyệt khoe.
Và khi đã có niềm tin vào đời sống, Nguyệt đã làm được những điều gần như không tưởng. Thậm chí, nhiều người cũng không thể ngờ, cô bé nhỏ nhắn tật nguyền ngày nào lại toàn năng đến vậy. Năm 2009, em đỗ vào Khoa Mầm non (Trường CĐSP tỉnh Quảng Trị). Chưa hết, em còn mạnh dạn đăng ký thi đấu nhiều môn thể thao và trở thành một vận động viên khuyết tật tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị, mang về nhiều tấm huy chương quý giá cho quê hương trong các giải thể thao trong nước. Năm 2011, Nguyệt vinh dự được tham gia hội thi “Tiếng hát từ trái tim” do Hội Người mù Việt Nam tổ chức và đạt giải nhì. Thành tích của Nguyệt đến cả người bình thường cũng phải ngưỡng mộ, nhưng đối với em tất cả mới chỉ là sự bắt đầu. Bởi ước mơ lớn nhất của Nguyệt vẫn là được làm một cô giáo, một cô giáo bình thường thôi nhưng yêu nghề và mến trẻ.
Nguyễn phúc - Đức Minh
>> Những ý tưởng, sáng kiến, công trình vì cuộc sống
>> Làm sao để có cuộc sống hạnh phúc?
>> Thay đổi chất lượng cuộc sống bệnh nhân
>> Đồng hành với thanh niên lập nghiệp
>> Từ đại học đến lập nghiệp
>> Lập nghiệp từ tay trắng
Bình luận (0)