Không khí tiếp tục ô nhiễm nghiêm trọng

14/11/2019 06:35 GMT+7

Kể từ sau đợt ô nhiễm nặng nề từ tháng 9 đến nay, chất lượng không khí tại hai TP lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM ngày càng tồi tệ.

Vượt mức nguy hại

Những ngày qua, hàng triệu người dân Hà Nội không khỏi hoang mang khi thủ đô liên tục xuất hiện trong top đầu những TP có chất lượng không khí tệ nhất thế giới, theo xếp hạng của AirVisual.
Thông tin chính thức từ Tổng cục Môi trường cho biết, những ngày đầu tháng 11, chất lượng không khí ở Hà Nội có xu hướng giảm mạnh. Nồng độ trung bình 24 giờ của thông số bụi mịn PM2.5 tại tất cả các trạm quan trắc môi trường của tổng cục đã vượt quy chuẩn quy định. Trong các ngày từ 5 - 12.11, có trạm quan trắc môi trường đo được nồng độ trung bình 24 giờ của bụi mịn PM2.5 vượt hơn gấp 2 lần so với quy chuẩn. Nồng độ bụi mịn PM2.5 tăng cao vào khoảng thời gian từ nửa đêm đến sáng sớm.

Ô nhiễm không khí tại TP.HCM và Hà Nội không phải cục bộ và mang tính nhất thời do ảnh hưởng của thời tiết hay các sự cố như cháy rừng ở Indonesia, cháy Nhà máy Rạng Đông. Những yếu tố này chỉ tác động thêm phần nào, chủ yếu ô nhiễm vẫn là do các nguồn phát thải nội tại chưa được kiểm soát

TS Phùng Chí Sỹ, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam

Đặc biệt, sáng 12.11, từ 1 - 7 giờ sáng, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại các trạm quan trắc đặt trên phố Phạm Văn Đồng, số 556 đường Nguyễn Văn Cừ, phố Minh Khai (Q.Bắc Từ Liêm) và trạm Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đã vượt ngưỡng giá trị 300 (mức nguy hại). Chỉ số AQI cao nhất ghi nhận được là 364 (mức nguy hại) tại trạm 556 Nguyễn Văn Cừ vào lúc 5 giờ sáng.
Tương tự, trải qua đợt sương mù - lớp không khí ô nhiễm nghiêm trọng - bao phủ từ sáng tới tối, người dân TP.HCM bắt đầu chủ quan và dần lơi đi những lo ngại về ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên theo bản đồ trực quan đo được trên trang AirVisual, chỉ số AQI tại TP.HCM vẫn duy trì mức đỏ quạch - mức có hại cho sức khỏe con người. Đáng nói, dù đã không còn bị ảnh hưởng từ khói, cát, bụi từ cháy rừng bên Indonesia ngưng kết vào lớp độ ẩm cao, chất lượng không khí tại TP.HCM vẫn ở mức kém.
Tình hình ô nhiễm ở Hà Nội và TP.HCM khiến người dân lo ngại  Ảnh: Độc Lập
Tình hình ô nhiễm ở Hà Nội và TP.HCM khiến người dân lo ngại  Ảnh: Độc Lập

Tình hình ô nhiễm ở Hà Nội và TP.HCM khiến người dân lo ngại

Ảnh: Độc Lập

Lúc 10 giờ sáng qua (13.11), AirVisual thông báo AQI ở TP.HCM đạt mức 159. Mức này cao hơn chỉ số trung bình trong đợt ô nhiễm nặng nề nhất diễn ra hồi cuối tháng 9. Người dân có thể nhìn thấy ô nhiễm không khí một cách rõ nhất khi trên đường di chuyển tại các tuyến đường cửa ngõ vào TP. Dọc xa lộ Hà Nội hướng từ Bình Dương, Đồng Nai về TP.HCM, 12 giờ trưa mà trời vẫn đục ngầu. Bao phủ lớp không khí tầng dưới là màu vàng của đất cát bay ra từ những công trình đang được xây dựng dọc hai bên đường.

Do thời tiết, hoạt động công nghiệp hay giao thông?

Thực tế, dù chất lượng không khí đang ở mức báo động và rất nhiều nguồn gây ô nhiễm đã được điểm mặt chỉ tên nhưng đâu là nguyên nhân chính, chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng mức phát thải ra không khí thì vẫn chưa có cơ quan nào chỉ ra cụ thể.
Theo Tổng cục Môi trường, chất lượng không khí ở Hà Nội và các tỉnh phía bắc phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, khí hậu. Chỉ số về bụi mịn PM2.5 tăng cao gần đây là do vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, không khí khô hơn, cùng với hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí.
Đặc biệt vào sáng sớm, là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán thấp. Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí gần mặt đất, không còn hiện tượng nghịch nhiệt, bụi mịn PM2.5 được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn. Xem xét lượng mưa ở thời điểm giao mùa cuối thu đầu đông từ năm 2013 - 2019 ở khu vực Hà Nội cho thấy năm nay có lượng mưa thấp nhất. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nồng độ bụi trong không khí của Hà Nội cao đột biến.
TS Phùng Chí Sỹ, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, khẳng định: Ô nhiễm không khí tại TP.HCM và Hà Nội không phải cục bộ và mang tính nhất thời do ảnh hưởng của thời tiết hay các sự cố như cháy rừng ở Indonesia, cháy Nhà máy Rạng Đông. Những yếu tố này chỉ tác động thêm phần nào, chủ yếu ô nhiễm vẫn là do các nguồn phát thải nội tại chưa được kiểm soát.
Theo ông, ô nhiễm không khí xuất phát từ nhiều nguồn. Thông thường tại các đô thị như Hà Nội và TP.HCM, các hoạt động từ giao thông là nguồn phát thải chính, chiếm khoảng từ 55 - 60%. Đứng thứ 2 là các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu công nghiệp... chiếm từ 25 - 30%, còn lại chỉ khoảng 5% nguồn phát thải đến từ các hoạt động dân sinh.
Cũng trong báo cáo mới đây, Sở TN-MT TP.HCM chỉ ra rằng việc quá nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn.
Khoảng 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông gây ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm. Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại các vị trí Cát Lái, ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, Gò Vấp, An Sương, Bình Phước luôn có giá trị cao và thường xuyên vượt quy chuẩn. Đại diện Sở TN-MT nhận định các hoạt động giao thông là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất tại TP.HCM.

Cần chiến lược rõ ràng cho từng nguồn ô nhiễm

Trả lời Thanh Niên, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, cho biết chi cục đã triển khai một số giải pháp quản lý, khắc phục cải thiện môi trường không khí. Cụ thể, thiết lập hệ thống quan trắc và cập nhật, cung cấp thông tin về các chỉ số môi trường hằng ngày, tiếp tục đầu tư để nâng dày số trạm quan trắc. Thu gom rác thải hằng ngày bằng xe quét, hút bụi theo giờ thay vì bằng phương pháp thủ công. Vận động người dân đến cuối năm 2020 không còn hộ gia đình, kinh doanh nhỏ sử dụng bếp than tổ ong.
Bên cạnh đó, để hạn chế nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí từ xây dựng, cơ quan này đã triển khai xử lý rác thải rắn xây dựng từ phá dỡ các tòa nhà bằng công nghệ mới, ít phát thải hơn. Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cũng yêu cầu tất cả các trạm bán xăng, dầu có kế hoạch xây dựng bổ sung khu rửa xe tự động; nghiên cứu xây dựng các trạm rửa xe tự động tại khu vực cửa ô để hạn chế bụi bẩn. Phát triển giao thông vận tải theo hướng sử dụng vận tải công cộng khối lượng lớn (xe buýt, tàu điện), hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích sử dụng xe chạy bằng điện, bằng khí gas. Tăng cường kiểm soát khí thải ô tô, xe máy, loại bỏ xe cũ nát...
Tuy nhiên, TS Phùng Chí Sỹ đánh giá do chưa có những ghi nhận cụ thể, nhìn nhận chính xác mức độ gây ô nhiễm của từng nguồn phát thải nên các biện pháp vẫn chỉ mang tính chung chung, chưa “đánh” đúng “huyệt” của vấn đề. Nếu không xác định cụ thể đâu là nguồn phát thải chính, nguồn gây ô nhiễm lớn nhất thì không thể cho ra được những quyết sách, chính sách mang tính quyết liệt, triệt để.
“Cả ô tô và xe máy đều cần có những chính sách để kiểm soát một cách tối đa. Song song đó, tăng cường vận tải hành khách công cộng. Không kiểm soát được xe cá nhân, không thể giảm ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường”, vị này nhấn mạnh.
Đồng tình, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, cho rằng cần có một chiến lược rõ ràng trong công tác ứng phó, phòng chống ô nhiễm không khí tại Việt Nam. Trường hợp khẩn cấp, cơ quan quản lý cần nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu đáng tin cậy, thông báo cho người dân biết phải làm gì để giảm thiểu khả năng nhiễm không khí độc.
 Trong thời gian tới, Bộ TN-MT cần sớm hoàn thiện hệ thống quan trắc để có đủ cơ sở đưa ra những cảnh báo sớm, phát ngôn chính thức về ô nhiễm không khí. Về lâu dài, cần một chiến lược tổng thể với sự góp sức của tất cả các bộ ngành từ Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, quản lý xuất nhập khẩu... để kiểm soát, xử lý tận gốc các nguồn phát thải gây ô nhiễm.

Ông Phạm Văn Sơn (Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam) 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.