Không liên minh, chỉ co cụm

17/03/2014 03:00 GMT+7

Điều bất ngờ nhất ở hội nghị cấp cao thường niên năm nay của Nhóm Visegrad - gồm Hungary, Ba Lan, CH Czech và Slovakia - không phải là sự tham gia của cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande mà là quyết định xây dựng chính sách phòng thủ chung, trước hết là thành lập quân đội chung gọi là “quân đội Trung Âu”. Đáng chú ý là mục đích của việc này không phải để tự bảo vệ mình mà để gây dựng vai trò riêng trong các xung đột bạo lực và vũ trang ở những khu vực khác trên thế giới.

Nghe qua thì quyết định đó manh nha một dạng liên minh quân sự. Trong thực chất, đó chỉ là nỗ lực co cụm và tập hợp lực lượng của những thành viên EU và NATO với kỳ vọng gây dựng vai trò chính trị thế giới mà từng nước riêng rẽ không thể thành công. Nhóm Visegrad được thành lập năm 1991 khi cả 4 thành viên chưa gia nhập EU và NATO. Khi đó, mục đích và lợi ích chung của họ là dựa vào nhau để cùng giải quyết những vấn đề an ninh, ổn định chính trị và xã hội cũng như xích lại gần EU, NATO. Từ khi tham gia EU và NATO, các thành viên này muốn tiếp tục duy trì tổ chức và buộc phải tìm ra mục đích tồn tại mới. Quyết định xây dựng chính sách phòng thủ chung là một trong những định hướng mới ấy.

Trước đấy, trong EU cũng từng có những nỗ lực tương tự giữa một vài thành viên với nhau, nhưng đều vẫn chỉ hữu danh vô thực và dần bị quên lãng. Sự co cụm của Nhóm Visegrad phản ánh tác dụng thực tiễn hạn chế của chính sách đối ngoại và an ninh chung của EU cũng như sự cọ xát lợi ích nhất định trong nội bộ EU và NATO.

La Phù 

>> Angela Merkel, Hillary Clinton - hai phụ nữ quyền lực nhất thế giới
>> Angela Merkel - "Thatcher" của nước Đức
>> Vì sao EU ‘dè dặt’ trừng phạt Nga?
>> EU đe dọa trừng phạt Nga vì tình hình Ukraine
>> Ngoại trưởng Mỹ, EU thảo luận về tình hình Ukraine

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.