Không phải ai đánh trống ngực đều có bệnh lý ở tim

Vân Phương
Vân Phương
26/05/2021 00:06 GMT+7

Theo bác sĩ Nguyễn An Pháp, cảm giác đánh trống ngực khi đang nghỉ ngơi thường đi kèm với tình trạng rối loạn nhịp tim như tim đập nhanh, rung nhĩ…. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đánh trống ngực đều có bệnh lý ở tim.

Một trái tim khỏe mạnh luôn có những nhịp đập đều đặn. Tức là thời gian giữa các nhịp đập phải bằng nhau. Nếu thấy tim đập lúc nhanh lúc chậm hay cảm giác hồi hộp như trống đánh ngực cần thăm khám bác sĩ.
Bác sĩ Nguyễn An Pháp, Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3 - cho biết: Nhịp đập của trái tim khỏe mạnh sẽ dao động trong khoảng 60 - 100 lần mỗi phút và thời gian các nhịp đập bằng nhau và đều đặn. Có một số dấu hiệu cho thấy bạn đang có vấn đề về tim mạch có thể kể đến như tim đập nhanh, tim đập chậm, tim đập không đều, luôn có cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực

1. Tim đập nhanh

Nếu tim bạn thường xuyên đập nhanh, tức là trên 100 lần/phút, ngay cả trong trạng thái nghỉ ngơi thư giãn, thì nên kiểm tra sức khỏe và thăm khám tim mạch.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tim đập nhanh

Ảnh minh họa: Shutterstock

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tim đập nhanh, trong đó có những nguyên nhân không xuất phát từ tim. Tuy nhiên, các tình trạng nhịp tim nhanh kéo dài, cho dù nguyên nhân không phải do tim, thì về lâu về dài vẫn sẽ có ảnh hưởng xấu tới trái tim của bạn. Chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản là một trái tim phải làm việc quá sức để duy trì việc co bóp nhanh và nhiều trong thời gian dài, thì trái tim sẽ sớm “kiệt sức” và không thể khỏe mạnh lâu được.
“Bên cạnh đó, tim đập nhanh cũng sẽ khiến bạn bị giảm khả năng gắng sức, mau thấy mệt khi gắng sức”, bác sĩ Pháp lưu ý

2. Tim đập chậm

Nếu tim bạn đập chậm hơn 60 lần/phút và bạn không phải là người luyện tập thể lực cường độ cao, đây có thể là dấu hiệu bệnh lý của tim. Các bệnh lý dẫn đến tình trạng chậm nhịp có thể kể đến như: Block dẫn truyền, hội chứng suy nút xoang,…

3. Tim đập không đều

Nếu bạn thấy mạch của mình có các biểu hiện sau đây, bạn cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra kỹ hơn:
Mạch đập đang đều, đột nhiên có một nhịp đập sớm hơn bình thường. Thuật ngữ y khoa gọi dạng mạch này là ngoại tâm thu, đây có thể là biểu hiện của một số bệnh tim nặng.
Mạch đập không đều, mạch đập loạn nhịp không theo quy luật nào, mạch đập khi mạnh khi yếu. Dạng mạch này được gọi là rung nhĩ.
Đôi khi có những nhịp đập quá yếu không bắt được, xen kẽ với những nhịp đập bắt được. Đây là kiểu mạch hụt, thường do rung nhĩ.

4. Cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực

Hồi hộp đánh trống ngực là cảm giác chủ quan của người bệnh, khiến người bệnh cảm thấy tim đập nhanh, mạnh, có người mô tả “tim đập như có ai đánh trống lân trong ngực”.
Cảm giác hồi hộp đánh trống ngực khi đang nghỉ ngơi thường đi kèm với tình trạng rối loạn nhịp tim như tim đập nhanh, rung nhĩ…. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đánh trống ngực đều có bệnh lý ở tim. Các nguyên nhân khác gây ra biểu hiện đánh trống ngực còn có trạng thái tâm lý như hoảng loạn, rối loạn lo âu…, do một số loại thuốc khiến nhịp tim nhanh, hoặc do sử dụng chất kích thích như thuốc lá, cà phê, nước tăng lực…
Bác sĩ Pháp khuyến cáo nếu bạn thường xuyên có cảm giác hồi hộp đánh trống ngực hay ghi nhận tình trạng rối loạn nhịp tim nhanh - chậm hoặc không đều, bạn cần được thăm khám tim mạch sớm và không tự ý dùng thuốc trong những trường hợp này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.