Không phải cứ thích là sửa ngữ liệu sách giáo khoa - Kỳ 2: Mở rộng quyền lựa chọn văn bản

11/11/2014 05:00 GMT+7

Nhân việc những tác phẩm đưa vào giảng dạy môn tiếng Việt, ngữ văn trong nhà trường bị sửa chữa để phù hợp với mục đích bài học, nhiều ý kiến cho rằng cần phải "tự chủ hóa" khi chọn ngữ liệu thay vì chỉ phụ thuộc vào sách giáo khoa .

Cần thiết kế một chương trình hợp lý để cả người dạy và người học được quyền chọn lựa ngữ liệu học tập
Cần thiết kế một chương trình hợp lý để cả người dạy và người học được quyền chọn lựa ngữ liệu học tập - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

>> Không phải cứ thích là sửa ngữ liệu sách giáo khoa

Học sinh cũng có quyền chọn ngữ liệu

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, giáo viên dạy văn Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cho rằng ở những nước phát triển, giáo viên có tính tự chủ rất cao, thậm chí có thể giảng dạy mà không hề sử dụng sách giáo khoa (SGK). “Tôi lên lớp có thể dạy bài nào tôi thích và tin rằng học sinh (HS) thích. Miễn là từ đó đem đến được thông điệp thẩm mỹ, rèn được năng lực cho học trò. Vậy thay vì đưa cứng một bài, thiết kế chương trình sao cho có thể giới thiệu những bài khác. Nếu trò được chọn có phải sẽ tốt hơn không? Thú thực, nghĩ đến việc cho trò chọn một trong 3 bài thơ và theo số đông để dạy tôi cũng đã lấy làm hào hứng”, bà Kim Anh nói.

 
Không phải tác phẩm nào người soạn SGK lựa chọn cũng hay và là tác phẩm phù hợp nhất với chủ điểm bài học. Tuy nhiên, do tâm lý coi SGK là “pháp lệnh” nên giáo viên vẫn phải bám vào đó để dạy cho HS 
Trần Thị Hà
Phó hiệu trưởng Trường tiểu học quốc tế Thăng Long - Hà Nội

Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng chương trình chỉ nên quy định những nội dung tương đối tổng quát và chuẩn kiến thức, kỹ năng mà HS cần đạt. Không quy định chi tiết đến từng tác phẩm văn học cụ thể. Quyền lựa chọn tác phẩm văn học không chỉ thuộc về người soạn  SGK mà nên dành một tỷ lệ nhất định cho chính HS chọn lựa. Cũng nên có thêm những tác phẩm do giáo viên hay tổ bộ môn giới thiệu thêm. Ở những chuyên đề nâng cao nhất định, tác phẩm do HS giới thiệu cũng cần được chia sẻ với vai trò giải thích, khơi gợi của thầy cô.

PGS Phạm Thị Thu Hương, Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cũng cho rằng để hướng đến mục tiêu đánh giá năng lực và tránh thói quen xấu “học tủ, học lệch”, học thuộc lòng của HS, cần sử dụng các văn bản ngoài chương trình có độ khó tương đương. Cần tập trung nghiên cứu và biên soạn tuyển tập các văn bản thông tin - văn hóa và các văn bản học vừa dành cho HS mở rộng phạm vi đọc ra ngoài chương trình, vừa là một nguồn cung cấp ngữ liệu cho các bài kiểm tra và thi.

Bà Trần Thị Hà, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học quốc tế Thăng Long (Hà Nội), cho hay: “Không phải tác phẩm nào người soạn SGK lựa chọn cũng hay và là tác phẩm phù hợp nhất với chủ điểm bài học. Tuy nhiên, do tâm lý coi SGK là “pháp lệnh” nên giáo viên vẫn phải bám vào đó để dạy cho HS. Với những giáo viên “dám” sáng tạo hơn thì chịu khó sưu tập các tác phẩm hoặc đoạn trích khác đưa vào giảng dạy để HS dễ cảm, dễ hiểu hơn”. Theo bà Hà, nếu sau này chương trình thiết kế theo hướng mở thì chắc chắn giờ dạy tiếng Việt, dạy văn sẽ sinh động hơn rất nhiều. Hoàn toàn có thể hình dung cô giáo nêu trước một chủ điểm sẽ học và yêu cầu HS tự tìm một văn bản phù hợp. Sau đó, cả lớp sẽ cùng thảo luận, mỗi em sẽ được nói lên quan điểm của mình, vì sao lại chọn tác phẩm đó…

Không chỉ hạn chế tác phẩm văn học

Mong muốn của các giáo viên cũng chính là định hướng đổi mới việc dạy học văn trong nhà trường phổ thông trong lần đổi mới chương trình, SGK sắp tới.

PGS Đỗ Ngọc Thống, thường trực Ban chỉ đạo Đề án đổi mới chương trình - SGK phổ thông 2015 cho biết chương trình môn học được tổ chức theo 4 mạch chính, tương ứng 4 kỹ năng giao tiếp cơ bản (đọc, viết, nói và nghe). Kiến thức tiếng Việt và văn học không được biên soạn thành bài học riêng mà chỉ được dạy học như là công cụ bổ trợ, giúp HS đọc, viết, nói và nghe. 4 mạch kỹ năng sẽ được chi tiết hóa thành hệ thống các chuẩn cần đạt; yêu cầu của mỗi kỹ năng tăng dần theo các trình độ khác nhau, xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12.

Theo ông Thống, khái niệm văn bản cần hiểu theo nghĩa rộng. Đó không chỉ là các tác phẩm thơ văn nghệ thuật mà còn là các loại văn bản không phải văn chương, như văn bản viết về lịch sử, địa lý, toán học, sinh học, khoa học thường thức hoặc một thông báo nơi công cộng, một bản thuyết minh công cụ và cấu tạo của máy móc, một đơn xin việc… Nhiều nước gọi đó là văn bản thông tin - một loại văn bản rất gần gũi với mọi người và thường xuyên gặp trong cuộc sống.

Việc Bộ GD-ĐT đưa vào đề thi tốt nghiệp THPT môn văn một văn bản không có trong SGK từ năm 2014 được xem là động thái để tiến tới cách đổi mới dạy học môn này trong trường phổ thông. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây mới chỉ là những bước đầu tiên, trong từng bài học cụ thể, giáo viên hoàn toàn có thể nói “không” với một ngữ liệu trong SGK và thay vào đó bằng một văn bản mà mình thấy phù hợp hơn, HS yêu thích hơn.

Ý kiến

Phải có sự đồng ý của tác giả

Khi nhà biên soạn chọn ngữ liệu (tác phẩm thơ văn) để đưa vào SGK cần phải tôn trọng tác giả. Nghĩa là đưa nguyên bản tác phẩm gốc, không nên chỉnh sửa. Còn nếu tác phẩm không phù hợp, không đáp ứng tốt mục đích giảng dạy cho HS, nhà biên soạn có thể tìm tác phẩm khác thay thế. Việc giữ nguyên bản tác phẩm của tác giả trong SGK là cách ứng xử có văn hóa của nhà biên soạn. Với trường hợp bất khả kháng, nhà biên soạn cần chỉnh sửa, biên tập thì phải được tác giả đồng ý.

PGS-TS-NGƯT Trần Hữu Tá

Không được tự chỉnh sửa bản gốc

Việc chỉnh sửa từ nguyên bản gốc của tác giả tất nhiên là không được. Bắt buộc phải hỏi ý kiến tác giả. Tác giả chưa đồng ý thì chưa có quyền chỉnh sửa tác phẩm. Còn nếu trích, phải có dấu chỉ là trích, phải mở ngoặc ghi rõ. Vấn đề tác quyền cần phải được tôn trọng.

Về bài Thương ông, nếu nói trong bài có các từ khó nên không trích thì cũng chưa thuyết phục. Từ đó là của tác giả, giáo viên sẽ hướng dẫn thêm cho học sinh. Còn nếu thấy khó quá, có thể bỏ bài đó đi để sử dụng bài khác.

Tiến sĩ Đoàn Lê Giang
(Trưởng khoa Văn học và ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM)

Trong một số trường hợp phải chỉnh sửa, biên tập

Trong một số trường hợp, tìm một tác phẩm phù hợp là vô cùng khó, đòi hỏi người viết sách phải chỉnh sửa, biên tập lại mới đáp ứng được mục tiêu. Khi đó, người ta thường ghi ở cuối tác phẩm theo tác giả A hoặc theo bài B, của tác giả C... Trong một số trường hợp cần chỉnh sửa, tôi cũng đã trực tiếp gọi tác giả trao đổi. Theo tôi, đó là sự tôn trọng đối với tác giả. Nhưng với những tác phẩm xưa, tác giả đã qua đời thì làm sao có thể liên lạc, trao đổi được.

PGS-TS Hoàng Dũng
(Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Minh Luân - Đăng Nguyên (ghi)

 Tuệ Nguyễn

>> Đừng lấy tiền nhà nước soạn sách giáo khoa
>> Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa
>> Thiếu hứng thú vì sách giáo khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.