Không quân Mỹ thời hậu Chiến tranh Việt Nam

02/05/2016 10:03 GMT+7

Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam đến nay, không quân Mỹ đã chính thức có thêm 2 thế hệ chiến đấu cơ, đồng thời đẩy mạnh vai trò máy bay không người lái ở hầu hết các hoạt động.

Vào giai đoạn cuối của Chiến tranh Việt Nam, không quân Mỹ tăng cường sử dụng loại chiến đấu cơ F-5E được đánh giá cao về khả năng tác chiến đa nhiệm và tính linh hoạt.
Từ F-5 đến F-35
Thực tế, F-5 được nghiên cứu từ thập niên 1950 và đến thập niên 1960 thì các phiên bản đầu tiên là F-5A, F-5B và F-5C được triển khai khá nhiều tại Việt Nam. Đến đầu thập niên 1970, phiên bản F-5E với nhiều cải tiến cũng được điều động tham chiến ở Đông Dương. Đây là dòng chiến đấu cơ đa nhiệm dành cho cả không quân lẫn hải quân.
F-5E có tầm bay tối đa khoảng 3.700 km, vận tốc tối đa đạt 1.700 km/giờ và trần bay gần 16 km. Là chiến đấu cơ đa nhiệm, F-5E sở hữu khá nhiều loại vũ khí với các công dụng khác nhau như: pháo 20 mm, tên lửa đối đất, tên lửa đối không kèm hệ thống hỗ trợ tác chiến điện tử nhưng còn nhiều hạn chế.
Mặc dù F-5E được đánh giá cao so với nhiều dòng chiến đấu cơ trước đó, nhưng Chiến tranh Việt Nam cũng đặt ra một thách thức mới cho không quân Mỹ chính là phải phát triển những dòng chiến đấu cơ vượt trội về tốc độ cũng như tính chính xác và khả năng tác chiến đa nhiệm toàn diện, đủ sức xuyên thủng nhiều hệ thống radar, bởi Lầu Năm Góc từng chịu áp lực nặng nề về số lượng lớn máy bay bị bắn hạ khi tấn công miền Bắc Việt Nam. Ngay từ giai đoạn cuối của Chiến tranh Việt Nam, Mỹ bắt đầu phát triển các dòng chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo.
Nhờ đó, sau năm 1975, Mỹ dần triển khai chiến đấu cơ thế hệ 4 gồm các loại: F-14 Tomcat, F-15 Eagle, F-16 Fighting Falcon và F/A-18.
Ban đầu, F-15 được kỳ vọng sẽ là dòng chiến đấu cơ đóng vai trò chủ lực trong thời gian dài của không quân nước này. Tuy nhiên, sau một thời gian thì nó dần bộc lộ một số nhược điểm, đặc biệt là quá nặng. Chính vì thế, Mỹ đã đẩy mạnh chương trình phát triển dòng chiến đấu cơ mới nhẹ hơn và F-16 trở thành lựa chọn tốt hơn với trọng lượng không tải chỉ 8,7 tấn còn F-15 đến 12,7 tấn. Đến nay, F-16 vẫn đang đóng vai trò chủ lực của không quân Mỹ với nhiều phiên bản nối tiếp nhau ra đời, đạt tốc độ tối đa 2.100 km/giờ, có thể mang theo đầy đủ các loại tên lửa tấn công mặt đất, tên lửa đối không và cả tên lửa chống tàu chiến.
Mặc dù F-16 có nhiều ưu điểm hơn, nhưng đến nay F-15 vẫn còn được Mỹ và nhiều nước sử dụng rộng rãi. Đặc biệt, Israel và Nhật còn nâng cấp mạnh mẽ F-15 để có sức mạnh chiến đấu đáng nể.
F-14 Tomcat, máy bay nền tảng để phát triển nên loại F/A-18 chuyên dụng cho hải quân Mỹ Wikipedia
Trong khi đó, F-14 được xem là dòng chiến đấu cơ dùng cho cả không quân lẫn hải quân. Nó cũng chính là nền tảng để phát triển nên loại F/A-18 chuyên dụng cho hải quân. Đến nay, F/A-18 với phiên bản F/A-18E và F/A-18F hay còn có tên chung là Super Hornet vẫn đóng vai trò chủ chốt của lực lượng chiến đấu cơ trên các tàu sân bay Mỹ. Về cơ bản, đây là dòng chiến đấu cơ đa nhiệm có đường cất và hạ cánh ngắn với tốc độ lên đến 1.900 km/giờ và bán kính chiến đấu đạt 740 km. Bởi được triển khai chủ lực cho tàu sân bay nên ngoại trừ các loại tên lửa và bom tấn công mặt đất hay tên lửa đối không, F/A-18 còn mang theo tên lửa chống tàu chiến Harpoon có tầm bắn khoảng 120 km.
Tuy nhiên, chiến đấu cơ thế hệ 4 vẫn chưa phải là thành tựu lớn nhất của không quân Mỹ sau Chiến tranh Việt Nam. Bởi nước này gần 10 năm qua đã chính thức triển khai chiến đấu cơ thế hệ 5 với dòng tiên phong là F-22 Raptor. Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc cũng đang đẩy nhanh việc sản xuất F-35 cũng thuộc thế hệ 5. So với thế hệ 4, F-22 hay F-35 không nổi bật về trang bị vũ khí, nhưng lại vượt trội về hệ thống tác chiến điện tử, đặc biệt là khả năng “tàng hình” đủ sức xuyên thủng nhiều hệ thống radar tối tân. Đây chính là mục tiêu mà Washington đặt ra sau khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam. Nằm trong thế hệ 5, Mỹ cũng đã đạt thành tựu nổi bật với dòng máy bay ném bom siêu đắt B-2 Spirit có khả năng tàng hình ưu việt.
Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng đang phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6 hứa hẹn bước tiến lớn về khả năng chiến đấu tự động nhờ vào “trí tuệ nhân tạo”.
Bước ngoặt UAV
Tuy vậy, tiến bộ hơn cả của không quân Mỹ sau chiến tranh Việt Nam chính là lực lượng máy bay không người lái (UAV). Hồi thập niên 1960, Lầu Năm Góc triển khai dòng UAV Ryan Lightning Bug để do thám miền Bắc Việt Nam. Qua đó, Washington nhận ra tính ưu việt của UAV về giảm thiểu thương vong cho binh sĩ, nhằm ngăn ngừa các chỉ trích về hao tổn nhân mạng mà chính quyền Mỹ từng đối mặt khi đánh phá Việt Nam. Chính vì thế, Lầu Năm Góc không ngừng thử nghiệm, đẩy mạnh khả năng hoạt động của UAV. Trong thập niên 1980, các chương trình phát triển UAV được Mỹ ưu tiên theo đuổi.
UAV đang được quân đội Mỹ sử dụng phổ biến trên các chiến trường ở Trung Đông AFP

Đến thập niên 1990, Washington dần tăng cường triển khai UAV tham gia hầu hết các nhiệm vụ từ do thám đến tấn công. Hiện nay, Lầu Năm Góc nắm trong tay 2 loại UAV vũ trang nổi tiếng là MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper. Trong đó, MQ-1 Predator đạt tốc độ tối đa 217 km/giờ, tầm bay 1.100 km và trần bay 7,6 km, có thể hoạt động liên tục trong 24 giờ. Đặc biệt, nó có thể mang theo các loại tên lửa AGM-114 Hellfire và AGM-175 Griffin chuyên tấn công mặt đất. Thậm chí, tên lửa đối không AIM-92 Stinger cũng có thể được triển khai cho MQ-1 Predator. Còn MQ-9 Reaper đạt tốc độ tối đa khoảng 500 km/giờ, tầm bay 1.850 km, có thể hoạt động liên tục 42 giờ, mang theo 4 tên lửa đối đất AGM-114 Hellfire, 2 quả bom GBU-12 Paveway II.
Chưa dừng lại ở đó, Lầu Năm Góc còn đang nỗ lực để sớm triển khai UAV vũ trang X-47B được sản xuất bởi Northrop Grumman có mức giá hơn 800 triệu USD, chuyên dụng cho tàu sân bay. Theo Northrop Grumman, X-47B có tầm bay gần 3.900 km, tốc độ tối đa xấp xỉ 1.100 km/giờ, đủ sức mang theo 2 tấn vũ khí gồm nhiều loại tên lửa và bom.
Khi X-47B được triển khai phổ biến, Mỹ có thể tự tin quên đi cơn ác mộng thương vong của binh sĩ mà Washington trả giá trong Chiến tranh Việt Nam.
Hơn 5,2 triệu lần xuất kích
Liên quan đến Chiến tranh Việt Nam, tạp chí Air Force dẫn số liệu từ Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ ra không quân Mỹ đã tiến hành hơn 5,2 triệu lần xuất kích ở khu vực Đông Dương. Con số này cao hơn gấp đôi so với 2,4 triệu lần xuất kích của không quân Mỹ trong Thế chiến 2.
Vào thập niên 1960, Mỹ bắt đầu triển khai máy bay không người lái vào Việt Nam để thực hiện gần 3.500 phi vụ. Về chiến đấu cơ chủ lực tầm xa, Mỹ ưu tiên sử dụng F-105 Thunderchief còn được người dân Việt Nam gọi là “Thần Sấm”, F-4 Phantom còn được gọi là “Con Ma”. Từ năm 1966, Mỹ thường xuyên đồn trú 200 chiếc F-4 Phantom và có lúc lên đến 355 chiếc. Còn từ năm 1964 - 1969, hàng trăm chiếc F-105 Thunderchief được điều động tham gia khoảng 20.000 lần đánh phá miền Bắc.
Đặc biệt, Mỹ còn triển khai “pháo đài bay” B-52 Stratofortress được xem là vũ khí chiến lược với hy vọng thay đổi cục diện chiến trường. Loại máy bay ném bom hạng nặng này đã thực hiện 700 lần đánh phá miền Bắc chỉ trong 12 ngày từ 18 - 29.12.1972.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.