Không thể chần chừ với biến đổi khí hậu

16/11/2017 14:30 GMT+7

Trong thời tiết lạnh tê tái ở Bonn, câu chuyện về số phận trái đất lại đang “đốt” nóng các diễn đàn tại COP 23 - Hội nghị thường niên lần thứ 23 về biến đổi khí hậu của LHQ.

PV Thanh Niên có mặt tại Bonn để tường thuật về COP 23, diễn ra từ 6 - 17.11, theo chương trình hỗ trợ đưa các nhà báo tham dự các kỳ COP của dự án Mạng lưới báo chí Trái đất (Earth Journalism Network) thuộc Tổ chức truyền thông Internews (trụ sở chính tại Mỹ). Mục tiêu lớn nhất của COP 23 là cụ thể hóa các mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu toàn cầu (thường được gọi là Thỏa thuận Paris) do gần 200 quốc gia, trong đó có VN, ký kết tại thủ đô Paris của Pháp năm 2015.
Thời gian đang cạn
Cộng hòa Fiji, đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương, giữ vai trò chủ tịch tại COP 23 với sự hỗ trợ về khoa học, hậu cần bởi chính phủ Đức. Đây được xem là điểm nhấn của COP 23 khi Fiji là một trong những quần đảo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nước biển dâng và những cơn bão gia tăng không ngừng cả về số lượng và cường độ. Tại hội nghị, Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama nhấn mạnh: “Biến đổi khí hậu làm gia tăng những cơn bão, lũ lụt rồi hạn hán, cháy rừng... không chỉ đem lại sự mất mát, khổ sở cho con người mà còn đe dọa an ninh lương thực toàn cầu. Chúng ta không có thời gian để lãng phí nữa”.
COP 23 diễn ra giữa bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan đã và đang tàn phá cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới, nhất là ở châu Á và châu Mỹ. Hiện tượng bão chồng bão ngày càng phổ biến. Trong tháng 10, VN hứng chịu nhiều cơn bão liên tiếp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của; còn vùng Bắc Mỹ và Caribe cũng gánh hậu quả nặng nề của ít nhất 4 cơn bão từ tháng 8 - 10.


Thỏa thuận Paris có hiệu lực từ tháng 11.2016, đặt kỳ vọng giới hạn mức nhiệt tăng lên so với thời kỳ trước Cách mạng công nghiệp lần 1 ở trên dưới mức 2oC nhằm giảm thiểu thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán nặng, nước biển dâng và bão lớn. Việc nhanh chóng hành động để thực hiện các mục tiêu trong thỏa thuận đang trở nên khẩn cấp hơn bao giờ hết bởi nếu không có hành động trước năm 2020, thách thức ở giai đoạn sau 2020 sẽ càng nghiêm trọng hơn nhiều.

Ngoài ra, Tổ chức Khí tượng thế giới của LHQ công bố nồng độ khí CO2 trong khí quyển đang ở mức cao chưa từng thấy. Khí thải công nghiệp và CO2 bị xem là tác nhân chính khiến trái đất ngày càng nóng lên. Đặc biệt, cơ quan này nhấn mạnh khoảng 30% dân số thế giới đang phải trải qua tình trạng “nhiệt độ cực nóng” trong ít nhất vài ngày mỗi năm, số người dễ bị tổn thương khi phải tiếp xúc với những đợt nóng ở mức có thể đe dọa tính mạng đã tăng thêm 125 triệu người kể từ năm 2000.
Hành động nhanh và mạnh hơn
Bà Patricia Espinosa, Thư ký điều hành về thay đổi khí hậu của LHQ, phát biểu: “Các quốc gia, vùng lãnh thổ, các nhà lãnh đạo và các cơ quan của LHQ cần hành động kiên quyết hơn hướng tới các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Ngưỡng cửa cơ hội đang dần đóng khi nhiệt độ đang tăng nhanh. Điều đó buộc các bên phải đi xa hơn và nhanh hơn để thực hiện những gì đã đề ra cũng như xác định các bước tiếp theo”. Hội nghị cũng bàn thảo cụ thể về điều khoản các nước phát triển hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo và đang phát triển như thế nào. Cụ thể, các nước đang phát triển yêu cầu các nước phát triển xây dựng kế hoạch huy động tối thiểu 100 tỉ USD vào năm 2020 và có sự đảm bảo nguồn hỗ trợ tăng lên trong dài hạn, sau năm 2025.
Để COP 23 đạt được những kết quả khả quan cho các mục tiêu trên, các bên sẽ cần phải giải quyết một số vấn đề cơ bản; trong đó được nhắc nhiều nhất là vai trò của Mỹ sau khi nước này tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris hồi tháng 6. Theo quy định, thời hạn sớm nhất để Mỹ rút hoàn toàn là ngày 4.11.2020. Tuy nhiên, vẫn có 20 tiểu bang, hơn 50 thành phố lớn cùng với hơn 60 doanh nghiệp lớn nhất ở Mỹ đã cùng đưa ra cam kết riêng về cắt giảm khí thải và ứng phó hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.