Không thể ngó lơ an ninh Biển Đông

Ngọc Mai
Ngọc Mai
26/07/2019 05:50 GMT+7

Không chỉ là vùng biển chiến lược, Biển Đông còn là trung tâm hàng hải quan trọng của thế giới , do đó việc đảm bảo hòa bình, an ninh tại đây là lợi ích và trách nhiệm chung.

Những ngày qua dư luận quốc tế đổ dồn sự chú ý vào Biển Đông khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc ngang nhiên vi phạm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam. Đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng tới quyền lợi biển của Việt Nam, gây phức tạp tình hình, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định và an ninh trên Biển Đông.

Lợi ích và trách nhiệm chung

Trả lời Thanh Niên, các chuyên gia quốc tế đều cho rằng không chỉ Việt Nam và các nước trong khu vực, mà đã đến lúc các nước ngoài khu vực và cộng đồng quốc tế phải thật sự quan tâm đến an ninh tại Biển Đông. Theo Giáo sư Carlyle A.Thayer (Học viện Quốc phòng Úc), tất cả các nước lớn và các nước có giao thương qua khu vực đều có lợi ích trực tiếp trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông cũng như việc phải ngăn chặn để không quốc gia nào thực hiện sự bá quyền tại tuyến hàng hải quan trọng của thế giới. “Cộng đồng quốc tế cần ủng hộ Việt Nam và các nước lớn cần thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, ông nói với Thanh Niên.
Giáo sư James Kraska (Trung tâm luật quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ) thì nhấn mạnh với Thanh Niên: “Theo tôi, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng Liên minh Châu Âu (EU), cần làm nhiều hơn để ủng hộ Việt Nam củng cố các quyền lợi biển của mình. Các nước bên ngoài khu vực đang ngại chọc giận Trung Quốc. Tuy nhiên, họ càng kéo dài việc ngầm chấp thuận những hành động này, Trung Quốc sẽ càng táo bạo hơn. Không quá bất ngờ khi EU không tập trung vào vấn đề Biển Đông nhưng sự phớt lờ của cộng đồng quốc tế sẽ là sai lầm vì điều này sẽ khuyến khích Trung Quốc tiếp tục vươn dài cánh tay và có thể đẩy các nước ngoài khu vực ra rìa”.
Cũng bình luận về vấn đề này, tiến sĩ Koh Swee Lean Collin (chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) khẳng định Biển Đông là vùng biển hàm chứa quyền lợi kinh tế toàn cầu, nên cần được đảm bảo hòa bình và ổn định, vốn gắn chặt với cả các nước ven vùng biển lẫn các quốc gia có hàng hóa vận chuyển qua đây. Ông nhấn mạnh Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) chính là cơ sở pháp lý để các nước hợp tác với nhau vì mục tiêu chung.

Phải chung tay

Về các giải pháp đảm bảo an ninh ở Biển Đông, Giáo sư Alexander Vuving (Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ) cho rằng Việt Nam cùng các nước bên ngoài có chung lợi ích và quan điểm như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Anh, Pháp, Canada và các nước coi trọng luật pháp quốc tế khác nên cùng tạo thành một mặt trận quốc tế đấu tranh chống yêu sách phi lý và hành động hiện thực hóa “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. “Nếu không hình thành được mặt trận quốc tế như vậy thì không thể răn đe Trung Quốc”, ông Vuving nói với Thanh Niên.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng các nước cần đẩy mạnh hợp tác trên thực địa, giúp Việt Nam nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền và an ninh trong EEZ của mình. Theo ông Vuving: “Các nước có thể gửi tàu cảnh sát biển tới hỗ trợ VN tuần tra trên EEZ của Việt Nam (tàu cắm cờ Việt Nam, có đại diện Việt Nam trên tàu, tương tự chương trình “ship rider” mà các nước đang hỗ trợ một số đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương tuần tra bảo vệ vùng EEZ rộng lớn của họ). Chính Trung Quốc cũng từng tham gia chương trình “ship rider” như vậy với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga ở khu vực Bắc Thái Bình Dương”.
Về phần mình, tiến sĩ Collin lưu ý các nước bên ngoài khu vực có thể hỗ trợ các nước ven Biển Đông nhiều khía cạnh khác nhau như tài chính, kỹ thuật, phương tiện, thiết bị, đào tạo hay thậm chí là thông tin tình báo. Những hoạt động này cũng giúp cho các nước trong khu vực ngày càng tiến đến năng lực quốc tế để duy trì an ninh Biển Đông. Ngoài ra, các chuyên gia trong nước và quốc tế khi trao đổi với Thanh Niên đều cho rằng việc tăng cường huấn luyện thường xuyên cho các lực lượng chấp pháp trên biển là một giải pháp cần thiết.
Đáng lo ngại
Trung Quốc sẽ tiếp tục cản trở hoạt động khai thác tài nguyên của các nước ven bờ để thực thi yêu sách phi pháp “đường lưỡi bò” trên thực tế, đồng thời khống chế không gian biển, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của nước khác thông qua các hoạt động như đơn phương thăm dò dầu khí, diễn tập quân sự, bắn tên lửa, gây hấn với tàu cá và tàu chấp pháp của các nước ven bờ. Nếu không có động thái mạnh để thực sự răn đe, Trung Quốc sẽ có ngày đưa thiết bị vào khai thác ngay trong thềm lục địa của các nước ven bờ. Trước mắt, Trung Quốc có thể sẽ gây sức ép để ASEAN thông qua COC, trong đó không cho phép các nước ven bờ hợp tác với các nước bên ngoài cùng khai thác tài nguyên hay diễn tập quân sự.
Giáo sư Alexander Vuving
(Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.