Không thể níu kéo

11/12/2012 10:17 GMT+7

Người vợ đưa đơn xin ly dị với lý do đã hết tình cảm. Người chồng cố gắng níu kéo vì các con cần có mẹ. Nhưng nỗ lực của anh đã không thành…

Theo luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chị trình bày tại tòa, anh đã cố tình kéo dài thời gian xét xử khi tòa triệu tập nhiều lần mới có mặt, số tiền nợ chung cũng chỉ là cái cớ để tòa hoãn xử...Thế nhưng, mâu thuẫn giữa anh chị đã quá căng thẳng, không thể hòa giải.

Chia tay sau 1 năm kết hôn

Sau gần 2 năm quen nhau, năm 2003, họ dọn về chung sống với nhau như vợ chồng. Năm 2004, con trai đầu lòng ra đời. Hai năm tiếp theo, gia đình nhỏ của họ tiếp tục chào đón con gái thứ hai. Quá trình thử thách tình yêu kết thúc bằng đám cưới giản dị vào năm 2008.

Không thể níu kéo
Minh họa: Nguyễn Tài

Vậy mà, chỉ sau 1 năm chính thức là vợ chồng, giữa họ bắt đầu có những dấu hiệu rạn nứt. Chị bỏ nhà đi, để lại 2 con thơ cho chồng chăm sóc. Anh đi khắp nơi tìm chị nhưng không gặp. Hơn 1 năm sau, chị quay về đem con gái út đi. Anh lại ngược xuôi dò tìm mới biết được tung tích của vợ con.

Năm 2011, họ ly thân. Năm 2012, chị đưa đơn ra tòa xin được ly hôn với lý do anh có người khác, tính tình cộc cằn. Chị đồng ý nuôi con gái thứ hai, anh có trách nhiệm nuôi dưỡng con trai đầu. Anh không đồng ý chia tay bởi những lời vợ nói là không có cơ sở. Quan trọng hơn, anh vẫn còn yêu thương vợ, các con cần tình thương và sự chăm sóc của người mẹ.

Tòa sơ thẩm chấp nhận đơn xin ly hôn của chị, giao 2 con cho anh trực tiếp nuôi dưỡng. Anh kháng cáo toàn bộ bản án.

Người níu kéo, kẻ buông tay

Có mặt tại phiên tòa phúc thẩm từ sớm, họ lặng lẽ ngồi ở hai phía đầu ghế. Sự im lặng nặng nề bao phủ không gian phòng xử.

Phiên tòa bắt đầu, anh vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị hủy bản án ly hôn.

“Các con cần tình thương của cả bố lẫn mẹ, tôi cũng còn thương cô ấy, mong HĐXX hủy bản án ly hôn” - anh tha thiết trình bày. Nói về mâu thuẫn dẫn đến đổ vỡ hôn nhân, anh cho biết trước đây chỉ mình anh đi làm để nuôi vợ con. Do các con cũng đã lớn, muốn vợ hiểu biết nhiều hơn về xã hội, anh đã đầu tư cho chị đi học quản trị kinh doanh, kế toán… Thế nhưng, cũng từ đó, chị thay đổi, thích la cà cùng bạn bè, bỏ bê gia đình và cuối cùng bỏ nhà đi theo người đàn ông khác.

“Người ta đã không còn tình cảm, anh níu kéo liệu có hạnh phúc?” - vị chủ tọa hỏi. Anh khẩn khoản: “Mâu thuẫn đỉnh điểm là khi cô ấy đòi mở tiệm làm tóc nhưng tôi không đồng ý, sợ cô ấy suy nghĩ chưa chín chắn, lại mang nợ khắp nơi như lần trước. Bây giờ, tôi chỉ mong cô ấy quay về để các con có trọn vẹn tình thương của bố mẹ. Cô ấy làm gì tôi cũng đồng ý, mở tiệm cũng được, chỉ cần gần nhà để chăm sóc con. Từ từ, tôi sẽ thuyết phục vợ nghĩ lại…”.

Quay sang chị, chủ tọa nhẹ nhàng khuyên nhủ: “Xét cho cùng, nguyện vọng của anh là chính đáng, chị cảm thấy bản thân có thể bỏ qua cái tôi của mình để đoàn tụ cùng anh và các con không?”. Chị trả lời “không” một cách cương quyết, lạnh lùng.

Giờ nghị án, anh len lén nhìn sang, chị im lặng, không một lần nhìn anh. HĐXX nhận định cuộc sống chung của anh chị xảy ra nhiều mâu thuẫn, rạn nứt tình cảm kéo dài không thể hàn gắn... Vì vậy, tòa phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm, thuận tình cho chị ly hôn.

Chị băng ngang qua anh, sải bước ra về. Anh ngồi bệt trước phòng xử án, thở dài nhìn theo bóng dáng của người từng một thời đầu ấp tay gối. Khi một người quyết dứt áo ra đi, nỗ lực níu kéo yêu thương cũng trở thành vô nghĩa...

Theo Kha Miên / Người Lao Động

>> Phan Ý Ly: Đi tìm những cơ hội bình đẳng
>> Những việc đàn ông cần làm ngay khi vừa ly dị vợ
>> Ứng dụng cho người ly dị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.