Khu Đông sẽ là đầu tàu kinh tế mới

25/05/2020 06:28 GMT+7

Theo các chuyên gia, việc thành lập TP phía đông là một đề xuất rất quan trọng không chỉ thúc đẩy sự phát triển của khu vực phía đông mà còn tác động đến thị trường bất động sản .

Thực tế, trong khoảng 1 thập niên qua, nhiều dự án hạ tầng giao thông quy mô mang tính trọng điểm, chiến lược liên tục hình thành đã dần đưa khu Đông lên tầm cao mới. Trong đó, “phát súng mở màn” phải kể đến công trình xây dựng đại lộ Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt với tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỉ đồng. Cùng với hầm Thủ Thiêm đã tạo nên trục giao thương xương sống kết nối 2 đầu đông bắc - tây nam TP, nhanh chóng biến Thủ Thiêm từ vùng đầm lầy hoang sơ thành khu “đất vàng”. Khu vực phía đông dần bừng sáng khi liên tiếp cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có tổng chiều dài 55,7 km, tổng vốn đầu tư 20.630 tỉ đồng, vòng xoay Mỹ Thủy với tổng mức đầu tư gần 840 tỉ đồng (đã hoàn thành giai đoạn 1), đường Vành đai 2 dài 64 km (đã xây dựng 54,7 km) tổng mức đầu tư gần 16.500 tỉ đồng... được đưa vào vận hành.

Nếu thành lập, thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM sẽ như thế nào?

Cuối năm 2019, hầm chui trên QL1 đoạn qua trước Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (Q.9) - nút giao thông Đại học Quốc gia (thuộc dự án mở rộng xa lộ Hà Nội) chính thức thông xe sau hơn 3 năm rưỡi thi công. Với 8 làn xe chính, chưa kể 6 làn đường song hành hai bên, đây là một trong những tuyến QL có lộ giới rộng nhất nước, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại cũng như trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh miền Đông, TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Một dự án hạ tầng không kém quan trọng là tuyến metro số 1 chạy từ Bến Thành đến Suối Tiên, xuyên qua 3 quận 2, 9, Thủ Đức và dự kiến nối với Đồng Nai trong thời gian không xa. Xa lộ Hà Nội, QL1A, Phạm Văn Đồng cũng là tuyến đường xương sống, huyết mạch của TP.HCM chạy qua khu vực phía đông.
Hạ tầng giao thông đồng bộ được “bồi đắp”. Qua khỏi hầm Thủ Thiêm, chạy dọc đại lộ Mai Chí Thọ về hướng Thủ Đức, Q.9 là trục đường tập trung nhiều chung cư, đặc biệt là các đại đô thị cao cấp đã hình thành như khu đô thị Vinhomes Grand Park hơn 271 ha; khu đô thị Vạn Phúc gần 200 ha, khu đô thị An Phú - An Khánh làm thay đổi diện mạo của TP.HCM nói riêng và đưa khu Đông trở thành khu đô thị hiện đại bậc nhất của VN.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu thị trường Công ty DKRA VN, nhận xét nếu như khu Nam với Phú Mỹ Hưng làm trọng tâm đã phát triển mạnh mẽ trong 20 năm qua, khu Đông được quy hoạch, đầu tư và phát triển mạnh trong những năm gần đây và bắt đầu tạo nên một hình hài đô thị hiện đại. Do đó, khi thành lập TP phía đông thì tác động từ việc này đến giá nhà đất, bất động sản sẽ rất lớn.
Cùng quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng về mặt lợi ích, TP phía đông sẽ tạo động lực cho nền kinh tế TP.HCM cũng như thị trường bất động sản tăng trưởng. Theo đề xuất của TP.HCM, TP phía đông sẽ được xây dựng theo mô hình khu đô thị sáng tạo, vì vậy phân khúc bất động sản nhà ở, căn hộ, văn phòng cao cấp đang có rất nhiều cơ hội phát triển.
“Với chiến lược xây dựng khu đô thị sáng tạo, trước mắt TP phía đông sẽ thu hút một lượng lớn cư dân là nhà khoa học, các chuyên gia, cố vấn nước ngoài có mức thu nhập rất cao. Để đáp ứng được nhu cầu của tầng lớp này, chắc chắn là bất động sản cao cấp”, ông Châu nói. Tuy nhiên, cũng sẽ có một lượng lớn dân nhập cư về đây lập nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp nên tập trung vào phân khúc tầm trung và giá rẻ, hợp túi tiền, thậm chí phải xây thêm nhà ở xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.