Khủng bố?

14/03/2014 17:35 GMT+7

Thông tin có hai hành khách lên máy bay bằng hộ chiếu giả đã làm dấy lên lo ngại về khả năng khủng bố. Cùng lúc, một bức thư nặc danh được tung lên mạng.

Danh tính hai hành khách trên chuyến bay trùng với tên trên 2 hộ chiếu đã bị đánh cắp ở Thái Lan từ một người Ý và một người Áo.
 
Anh Luigi Maraldi, người Ý, 37 tuổi, có tên trong danh sách hành khách trên chuyến bay khởi hành vào rạng ngày 8.3. Tuy nhiên, ông Walter Maraldi, cha của Luigi, kể lại rằng cũng trong ngày 8.3, Luigi đã gọi về từ Thái Lan nơi anh đang đi nghỉ mát để báo mình vẫn bình an. Ông Walter cho biết hộ chiếu của con trai mình đã bị đánh cắp ở Thái Lan cách đây một năm.
 
Bộ Ngoại giao Áo thì xác nhận với hãng tin NBC News rằng đã liên lạc được với công dân nước mình có tên trong danh sách hành khách. Người này báo mất hộ chiếu cách đây hai năm.
 
“Chúng tôi cho rằng hộ chiếu của anh ta đã bị một người không rõ danh tính sử dụng để lên máy bay”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Áo nói.
 
Các chuyên gia về khủng bố phân tích việc hai người mang hộ chiếu ăn cắp cùng lên một chuyến bay là rất hiếm khi xảy ra.
 
Thông tin chuyến bay cho thấy việc đặt mua vé bằng hai hộ chiếu giả này được thực hiện vào ngày 6.3 và vé được phát hành tại thành phố Pattaya (Thái Lan), theo báo cáo của cảnh sát Thái Lan.
 
Số vé của hai hành khách dùng hộ chiếu ăn cắp liền kề nhau và cặp vé được mua bằng tiền baht Thái.
 
Một quan chức an ninh cấp cao của Thái Lan nói với AFP rằng chính quyền đang điều tra một đường dây buôn bán hộ chiếu bất hợp pháp tại đảo Phuket, nơi hộ chiếu của công dân Ý bị đánh cắp.
 
Còn Bộ Nội vụ Malaysia ngày 9.3 cho biết hai hành khách dùng hộ chiếu châu Âu bị đánh cắp để lên chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines có “đặc điểm gương mặt của người châu Á”.
 
Giữa lúc đó, tại Trung Quốc ngày 9.3, các diễn đàn mạng đã phát tán một bức thư của tác giả tự xưng là 'Người lãnh đạo nhóm cảm tử Trung Quốc', tuyên bố tổ chức này đứng sau vụ máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích nhằm trả thù cho người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
 
Diễn đàn trực tuyến Boxun (Trung Quốc) đã đăng tải bức thư nặc danh được gửi tới một nhà báo có tiếng ở Trung Quốc, có đầu đề “Thanh minh và giải thích về sự kiện chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines”.
 
Đề cập về chiếc máy bay, tác giả bức thư nói: “Mọi người không cần phải tìm nữa, bởi vì tất cả những người trên chuyến bay này đã về với Thượng đế rồi”.
 
“Người lãnh đạo nhóm cảm tử Trung Quốc” còn khẳng định vụ máy bay mất tích là “đòn trả thù” cho việc “chính phủ Trung Quốc đã đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương”.
 
Vào hôm 10.3, CNN và Financial dẫn báo cáo của cảnh sát Thái Lan cho biết một người Iran tên Kazem Ali đã mua hai vé bằng những hộ chiếu ăn cắp nói trên.
 
Người này khai mua vé giùm hai người bạn muốn quay về quê nhà ở châu Âu và đã thanh toán bằng tiền mặt, theo cảnh sát Thái Lan.
 
Đến ngày 11.3, trong một cuộc họp báo ở Kuala Lumpur, Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế đã cho công bố hình ảnh và danh tính của 2 hành khách dùng hộ chiếu ăn cắp, đều là người Iran.

Hai hành khách Iran dùng hộ chiếu đánh cắp được công bố trong cuộc họp báo tại cuộc họp báo ở Malaysia ngày 11.3

Hai người đàn ông Iran, gồm Pouria Nour Mohammad Mehrdad (19 tuổi) và Delavar Seyed Mohammad Reza (29 tuổi), đi từ thủ đô Doha của Qatar đến thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia đã dùng hộ chiếu ăn cắp từ hai người Ý và Áo để lên máy bay mất tích, Tổng thư ký Interpol Ronald Noble cho hay.
 
Interpol tình nghi hai người đàn ông dùng hộ chiếu đánh cắp bị bọn tội phạm buôn người bán ra nước ngoài, ông Noble cho hay.
 
“Sau khi thu thập thêm thông tin, chúng tôi kết luận rằng vụ máy bay mất tích không phải là một vụ tấn công khủng bố”, tổng thư ký Interpol khẳng định tại cuộc họp báo.

Sau khi thu thập thêm thông tin, chúng tôi kết luận rằng vụ máy bay mất tích không phải là một vụ tấn công khủng bố.

Ronal Noble
Tổng thư ký Interpol

Tuy nhiên, cũng trong ngày 11.3, khi được hỏi liệu rằng có thể loại trừ khả năng máy bay mất tích vì bị tấn công khủng bố, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan nói: “Không, tôi sẽ không loại trừ khả năng này”.

Vẫn còn nhiều nghi vấn đặt ra vì sao máy bay không phát ra tín hiệu cầu cứu và vì sao những hành khách mang hộ chiếu đánh cắp lại được lên máy bay mất tích, ông Brennan nói.

Ông Brennan thừa nhận rất dễ dàng đưa ra các giả thuyết lý giải vì sao máy bay mất tích, nhưng đồng thời cảnh báo: “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ phải kiên nhẫn và đợi nhà chức trách tiếp tục công tác điều tra”.

Ngoài ra, Cục Hàng không dân sự Malaysia hôm 11.3 thông báo có 5 hành khách đã mua vé và làm xong thủ tục kiểm tra hành lý, nhưng không lên máy bay. Cơ quan này còn cho biết thêm, Malaysia Airlines đã cho bốc dỡ hành lý của 5 người này ra khỏi máy bay theo đúng quy định quốc tế về an ninh chuyến bay.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Tổng thanh tra Cảnh sát Malaysia lại nói thông tin có 5 hành khách đã hoàn tất thủ tục nhưng không lên chiếc máy bay mất tích là không đúng.

“Chúng tôi đã cho kiểm tra danh sách hành khách có mặt trên chuyến bay, tất cả những ai đặt vé đều có mặt”, nhật báo The Star dẫn lời Tổng thanh tra Cảnh sát Malaysia, ông Khalid Abu Bakar.

Không, tôi sẽ không loại trừ khả năng này (khủng bố)

John Brennan
Giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA)

“Chỉ có đúng một trường hợp là cô gái Malaysia bị hủy vé vì nhớ lộn ngày”, quan chức Malaysia này cho hay.

Sang ngày 13.3, một nguồn tin có liên quan đến cuộc điều tra vụ máy bay Malaysia mất tích nói với Wall Street Journal rằng các quan chức chống khủng bố của Mỹ đang điều tra theo hướng phi công hoặc một ai khác trên máy bay đã chuyển hướng bay đến một vị trí chưa xác định được sau khi cố tình tắt hệ thống truyền và phát tín hiệu, nhằm tránh bị radar theo dõi.

Động thái này được đưa ra sau khi các chuyên gia hàng không và quan chức an ninh quốc gia Mỹ khẳng định chiếc máy bay đã bay tổng cộng khoảng 5 tiếng đồng hồ, dựa theo báo cáo tự động về tình trạng hệ thống gửi từ máy bay cho mặt đất của động cơ máy bay, theo Wall Street Journal. Cụ thể, chiếc Boeing 777-200 của Malaysia Airlines còn tiếp tục bay thêm 4 tiếng nữa về phía Ấn Độ Dương kể từ thời điểm mất liên lạc với kiểm soát không lưu.

Một nguồn tin tiết lộ cho tờ báo Mỹ rằng, theo thỏa thuận về bảo trì giữa 2 bên, chiếc Boeing 777-200 của Malaysia Airlines được trang bị hệ thống tự động truyền báo cáo tình trạng động cơ thời gian thực (real-time) cho hãng chế tạo động cơ Roll Royces.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.