Khủng hoảng tại ổ dịch viêm phổi Vũ Hán

23/01/2020 14:14 GMT+7

Người dân kêu gọi giúp đỡ, lo sợ nhiễm bệnh, thiếu lương thực, bị bắt nạt trên mạng sau khi thành phố Vũ Hán ban lệnh cấm ra vào thành phố này vào ngày 23.1 để hạn chế bệnh viêm phổi lạ chết người lây lan.

Tất cả máy bay, xe lửa, hệ thống giao thông công cộng ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) bị đình chỉ hoạt động kể từ 10 giờ sáng 23.1 (tức 9 giờ theo giờ VN). Chính quyền yêu cầu người dân không được rời khỏi thành phố nhằm nỗ lực kiểm soát sự lây lan của vi rút corona mới (2019-nCoV). Đây là vi rút thuộc chủng corona vốn gây ra dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
Cụm từ tìm kiếm "Vũ Hán bị phong tỏa" đã được đọc ít nhất 510 triệu lần trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc trong sáng 23.1, với khoảng 214.000 bình luận, theo AFP.
Một số người dân thành phố nói họ lo sợ và hoang mang khi đọc tin tức về lệnh phong tỏa, đồng thời cho biết gia đình "liên tục bị đe dọa và trở thành mục tiêu của những đối tượng bắt nạt trực tuyến". 

[VIDEO] Trung Quốc cô lập 3 thành phố để tránh lây lan virus Vũ Hán

Xuất hiện tình trạng thiếu thực phẩm

Nhiều người dân Vũ Hán đổ xô mua lương thực, thực phẩm dự trữ. Các siêu thị lớn chật kín người và nhiều kệ hàng chủ lực như thịt, rau và mì ăn liền trống rỗng, theo Reuters.
"Chúng tôi đang lâm vào tình trạng thiếu thốn thực phẩm và chất khử trùng. Chúng tôi hy vọng mọi người có thể hiểu rằng chúng tôi cảm thấy như là ngày tận thế. Chúng tôi thực sự cần sự giúp đỡ của mọi người", một người dân ở Vũ Hán viết trên Weibo.
Một số người khác kêu gọi chính phủ tăng cường viện trợ cho Vũ Hán, cho rằng họ không có đủ khẩu trang để mua và giá thực phẩm tăng đột biến. "Chúng tôi kêu gọi chính phủ tăng cường hỗ trợ và kiểm soát giá lương thực", một người dùng Weibo cho biết.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tính đến ngày 23.1, có 17 người tử vong vì bệnh viêm phổi lạ và gần 600 người nhiễm bệnh, đa phần ở Vũ Hán với dân số 11 triệu người. Nhiều ca mắc viêm phổi được xác nhận tại các quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á và cả Mỹ.

Y bác sĩ mặc trang phục chống độc bên trong một bệnh viện ở Vũ Hán

Weibo

Một video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy một cô dâu sống gần Vũ Hán phải đeo khẩu trang y tế và cho rằng tất cả những khách mời từng đến Vũ Hán làm việc được xếp ngồi cùng một bàn. Tết âm lịch thường là dịp tổ chức đám cưới ở Trung Quốc.

Chỉ trích chính quyền phản ứng chậm chạp

Trên mạng xã hội, nhiều người không sống ở Vũ Hán bày tỏ nỗi buồn và lo lắng cho người dân thành phố này, kêu gọi chính phủ đảm bảo an toàn cho họ.
Nhiều người còn bức xúc chỉ trích chính quyền phản ứng chậm chạp, đặt câu hỏi tại sao không phong tỏa thành phố sớm hơn. Một số người đổ lỗi cho người dân Vũ Hán ăn thịt động vật hoang dã, góp phần làm lây lan vi rút gây bệnh.

Cảnh sát đứng gác trước chợ hải sản Hoa Nam, nơi xuất phát của dịch bệnh viêm phổi lạ ở Vũ Hán

AFP

Trước đó, ông Cao Phúc, giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, ngày 22.1 cho biết 2019-nCoV với khả năng “thích nghi, đột biến, lây lan qua đường hô hấp” có thể xuất phát từ động vật hoang dã được bày bán tại chợ Hoa Nam ở trung tâm Vũ Hán. Tuy nhiên, giới chức và chuyên gia y tế chưa thể kết luận cụ thể nguồn gốc là từ con vật gì, theo ông Cao.
Đến ngày 23.1, các chuyên gia Trung Quốc công bố hai báo cáo về kết quả phân tích gien cho rằng 2019-nCoV có thể xuất phát từ dơi hoặc rắn, theo AFP. Họ đã phân tích và đối chiếu với vi rút corona gây dịch bệnh SARS trong năm 2002-2003, cướp đi sinh mạng của gần 650 người khắp Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.

Cảnh sát đứng gác trước nhà ga ở Vũ Hán

Weibo

Vi rút gây dịch bệnh SARS được tìm thấy trong con cầy hương bày bán tại các chợ động vật hoang dã ở Trung Quốc. Nhiều nhà khoa học tin rằng vi rút từ dơi đã lây nhiễm cho cầy hương và sau đó con người đã ăn thịt cầy hương và nhiễm bệnh.
"Vì sao nhiều người vẫn còn thích ăn thịt động vật hoang dã như vậy? Bài học từ SARS đã chưa đủ hay sao?", một người bình luận trên Weibo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.