Khuyến khích xã hội hóa: Phải có chính sách thích hợp

27/06/2006 00:07 GMT+7

Mục đích của chương trình đào tạo nhân tài cho nước Việt mà Báo Thanh Niên khởi xướng là rất cao thượng và đi cùng với xu hướng phát triển và nhu cầu bức bách hiện nay. Tuy nhiên, khi hình thành các quỹ đào tạo và muốn nghĩ đến chuyện lớn hơn, hiệu quả hơn thì chúng ta hay gặp khó khi huy động nguồn và cơ chế để sinh lợi từ nguồn quỹ huy động được.

Cách đây 10 năm, cá nhân tôi đã dành ra 10 ngàn USD và một người bạn là ông Piet Steel, cựu Đại sứ Bỉ tại Việt Nam cũng dành ra 10 ngàn USD để hình thành Quỹ "Vì nông dân tương lai" giao cho Hội Khuyến học TP.HCM quản lý. Mỗi năm, quỹ sẽ dành ra một số suất học bổng trao cho các sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM và khoa Nông nghiệp, ĐH Cần Thơ. Chỉ tiếc là quỹ này không sinh lợi vì không biết cách kinh doanh. Cái mộng của mình là một chuyện nhưng cơ chế hiện không cho phép.

Vấn đề xã hội hóa suy cho cùng là nhân dân bỏ vốn đầu tư vào những chương trình công cộng. Gần đây, Chính phủ trung ương cũng như các địa phương muốn đẩy mạnh việc xã hội hóa những lãnh vực mà Nhà nước không đủ sức đầu tư, như y tế, giáo dục, cầu đường nông thôn. Bên cạnh đấy, lòng từ thiện của dân chúng cũng luôn luôn được khơi dậy mỗi khi thiên tai xảy đến các vùng lãnh thổ. Và chúng ta cũng rất quen thuộc những quyên góp, hoặc trực tiếp hoặc qua báo đài, cho các cơ sở thuộc thành phần khó khăn của xã hội như khuyết tật, mồ côi, cựu chiến binh... Nhưng kết quả đóng góp của xã hội của chúng ta hằng năm, căn cứ trên các số liệu trên báo chí và đài truyền hình, ước tính không được bao nhiêu so với nhu cầu. Rõ ràng, khả năng thực hiện xã hội hóa của cá nhân và tổ chức ở nước ta từ túi tiền nhỏ bé của mình không thể đóng góp nhiều. Và một lý do khác khiến cho sự quyên góp của xã hội chưa được nhiều mà thậm chí còn rất miễn cưỡng, vì Nhà nước của ta chỉ kêu gọi suông mà không có chính sách gì khuyến khích kèm theo.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng phong trào xã hội hóa những lãnh vực công sẽ rất khó đạt kết quả theo mong muốn của Nhà nước, nhất là xã hội hóa giáo dục. Tìm hiểu kinh nghiệm nước ngoài đã huy động sự đóng góp của xã hội ngày càng nhiều cho xã hội hóa giáo dục và các lãnh vực công, chúng tôi thấy nổi bật lên hai chính sách cơ bản: một là chính sách tạo điều kiện cho mọi người làm giàu chính đáng để đóng thuế nhiều hơn cho Nhà nước và hai là chính sách thuế khuyến khích sự đóng góp của mọi người dân và doanh nghiệp vào các lãnh vực công.

Theo báo cáo của Tổ chức "Giving America" (Cho của Mỹ) vừa công bố ngày 19.6, năm 2005 nhân dân Mỹ đã đóng góp 260,28 tỉ USD cho các lãnh vực từ thiện, kể cả cứu trợ nạn nhân thiên tai trong và ngoài nước, so với 2004 là 245 tỉ, 2003 là 241 tỉ, 2002 là 214 tỉ, và 2001 là 212 tỉ. Báo cáo hằng năm về sự từ thiện đăng trên Tạp chí Giáo dục Mỹ ngày 23/2 cho thấy người hảo tâm Mỹ đã đóng góp 4,3 tỉ USD cho các chương trình tài trợ về y tế và giáo dục. Phần đóng góp nhiều nhất, 404 triệu USD, là từ di chúc của bà Cordelia Scaife May, lấy từ tiền thừa kế của gia đình Ngân hàng Mellon. Phần đóng góp nhiều thứ hai là của vợ chồng Bill Gates, 320 triệu USD.

Ở Mỹ, người càng giàu càng đóng góp nhiều tiền hơn. Một thí dụ điển hình nhất là trường hợp của vợ chồng Bill Gates. Nhờ chính sách kinh tế thích hợp và nhờ luật pháp được Nhà nước Mỹ áp dụng nên Công ty Microsoft phát triển rất mạnh và nhanh. Phần mềm của Microsoft được Nhà nước giữ bản quyền cho Bill Gates nên ở nước Mỹ không ai dám sao chép mà phải mua bản quyền phần mềm. Vì vậy, Công ty Microsoft trở nên rất giàu, đóng rất nhiều thuế cho Nhà nước. Ông chủ Bill Gates nhờ vậy cũng rất giàu. Mà càng giàu thì phải đóng thuế thu nhập càng cao. May mắn thay luật lệ của Mỹ cho phép mọi cá nhân và doanh nghiệp được trừ phần đóng góp thiện nguyện của mình từ tổng số thuế phải nộp, do đó Bill Gates đã lập ra Tổ chức thiện nguyện Melinda & Bill Gates để nhận món tiền "trừ thuế" của mình.

Những người làm luật pháp của nước Mỹ từ khi mới thành lập đã có tầm nhìn chiến lược sâu rộng về kinh tế. Họ thấy rằng Nhà nước không thể cáng đáng nổi những yêu cầu của dân chúng. Phải xã hội hóa những việc công này. Nhưng làm sao để dân chúng bỏ tiền ra giúp dân chúng? Phải cho họ tự do làm giàu và đặt luật lệ khuyến khích họ đóng góp vào việc thiện nguyện. Trong quá trình kinh tế thị trường, mọi thành phần kinh tế đều được Nhà nước đối xử bình đẳng, những công ty tài giỏi sẽ giàu nhanh và những công ty kém cỏi sẽ bị đào thải; người có tài sẽ giàu lên cần đóng góp vào các việc xã hội, và người ít tài hoặc lười biếng dốt nát phải chịu nghèo khó cần được giúp đỡ. Bộ luật của Mỹ được tập hợp chính thức năm 1874 từ những luật rời rạc của Quốc hội và những nghị định Chính phủ, có 50 chương, trong đó chương dày nhất có nhiều điều khoản nhất là chương 26 nói về thuế. Các tổ chức thiện nguyện không phải đóng thuế và được phép nhận tiền đóng góp của dân chúng. Hướng phát triển này được các nhà tỉ phú hưởng ứng ngay. Ông John D.Rockefeller, vua dầu hỏa của Mỹ, là người thành lập Viện đại học Chicago và Quỹ Rockefeller, tổ chức thiện nguyện đầu tiên vào năm 1913 với số tiền quỹ cơ bản 235 triệu USD.

Hiện nay, theo giáo sư Joel L.Fleishman của Đại hoc Duke, tác giả quyển sách Vai trò và tác động của các tổ chức thiện nguyện Mỹ sẽ xuất bản cuối năm 2006 tới đây, nước Mỹ có khoảng 66.000 tổ chức thiện nguyện. Trở lại vấn đề xã hội hóa các hoạt động phát triển kinh tế nước ta, chúng tôi nghĩ rằng Đảng và Nhà nước có thể phát huy tiềm năng của con người Việt Nam để tham gia không thua kém ai. Vấn đề là chúng ta cần có chính sách đúng để khơi dậy tiềm năng này.

GS-TS Võ Tòng Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.