Kích cầu đã có tác dụng, nhưng không được chủ quan

13/06/2009 14:53 GMT+7

Sáng 13.6, tiếp tục phần trả lời chất vấn, các đại biểu Quốc hội (QH), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã trao đổi thêm về những vấn đề quan trọng, tập trung vào 2 nhóm lớn là việc sử dụng gói kích cầu và cấu trúc lại nền kinh tế chuẩn bị cho giai đoạn sau suy thoái.

Xem xét lại vấn đề phá sản doanh nghiệp

Đại biểu (ĐB) Phạm Lễ Chi (Quảng Ninh) nêu vấn đề: Trong Quyết định 171 ngày 24.7.2006 của Chính phủ quy định chỉ bố trí vốn cho các dự án đã có đủ thủ tục đầu tư theo quy định về quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành. Tuy nhiên, khi nêu nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm, theo Bộ trưởng trong đó có nguyên nhân đầu tiên là thủ tục đầu tư của các công trình và dự án chưa hoàn chỉnh. Như vậy đã có một số công trình, dự án được Bộ chấp nhận nhưng chưa hoàn chỉnh thủ tục đầu tư. Trách nhiệm của Bộ đến đâu, lý do gì dẫn đến việc dự án đầu tư không hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, thậm chí đến mức mất nhiều thời gian hoàn chỉnh mà vẫn được chấp nhận?

Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, khi trình lên các bộ, các ngành, dự án đều đã đủ thủ tục; sau khi thực hiện mới xuất hiện khó khăn, cần điều chỉnh. Trách nhiệm này có của cả cơ quan chủ quản, địa phương. Về vấn đề kiên quyết điều chỉnh vốn, đến ngày 1.9, địa phương nào không chia hết vốn sẽ điều chuyển. Vừa qua Chính phủ đã xử lý một số thủ tục về xây dựng cơ bản để bảo đảm thông thoáng trong quá trình triển khai về đấu thầu, xây dựng thiết kế nhưng xử lý đó chưa đồng bộ vì còn vướng Luật, mà kỳ này QH mới thông qua. Bộ trưởng cho rằng trong điều hành cũng có vấn đề. Trong tình hình giá cả tăng thì vượt vốn là đương nhiên. Chính phủ đã kịp thời cho các địa phương thực hiện với tình hình mặt bằng giá mới và tháo gỡ phần nào khó khăn.

Về giải ngân nguồn vốn 20.000 tỉ đồng Trái phiếu Chính phủ (TPCP), ĐB Nguyễn Thị Vân Yến (Hưng Yên) đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ dành bao nhiêu phần trăm ưu tiên cho giao thông và chú ý đến giao thông nông thôn, bao nhiêu phần trăm cho y tế; ưu tiên đặc biệt cho 61 huyện nghèo trong cả nước thoát nghèo; bao nhiêu cho giáo dục để nhanh chóng xây dựng được trường lớp khang trang cho khu vực miền núi; xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết khả năng giải ngân vốn TPCP chung cả giao thông, thủy lợi là đến 18% kế hoạch 2009. Con số cụ thể về tỷ lệ phân bổ thì phải chờ QH có Nghị quyết, trong đó dự kiến phát sinh 8.000 tỉ đồng xây dựng nhà ở cho sinh viên, số còn lại chủ yếu tập trung cho giáo dục, y tế, giao thông, thủy lợi.

Quan tâm đến vấn đề người lao động mất việc và tạo việc làm mới cho người lao động, ĐB Phương Hữu Việt (Bắc Ninh) đề nghị Bộ trưởng lý giải vì sao số doanh nghiệp phá sản ở nước ta nhiều nhưng số nộp đơn phá sản lại rất ít? ĐB cũng đề nghị cho biết thêm về tình hình thành lập doanh nghiệp mới 5 tháng đầu năm 2009 và giải pháp thúc đẩy thành lập doanh nghiệp mới vì đây là kênh thu hút việc làm hiệu quả và tương đối tốt. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc thừa nhận, phá sản doanh nghiệp đúng là vấn đề đang cần phải xem xét lại, kể cả trong luật. Hiện nay số doanh nghiệp tuyên bố phá sản theo Luật gần như chưa có, mà chỉ mất dần đi, thường được gọi là “doanh nghiệp ma” nhưng thực sự không phải mà do kinh doanh không được thì thôi, phá sản. Bộ trưởng cho biết cũng đã có kế hoạch trình sửa Luật Phá sản. 5 tháng đầu năm 2009 có 34.800 doanh nghiệp đăng ký mới; số ngừng hoạt động là 2.400 doanh nghiệp, tương đối nhỏ. Theo Bộ trưởng, từ khi có Luật Doanh nghiệp, cả nước có 412.000 doanh nghiệp, trong đó số đang nộp thuế cho các cơ quan thuế địa phương là 345.000, tỷ lệ đang hoạt động là 83%, mất đi 17%, đối chiếu chung với một nước thì đây là tỷ lệ tốt. Có nước tỷ lệ ngừng hoạt động lên đến 70% sau 7 năm do việc đăng ký thành lập doanh nghiệp ở các nước rất đơn giản.

Vai trò của các doanh nghiệp Nhà nước đang phát huy tác dụng

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) về giải pháp cải thiện tốc độ và việc thu hút vốn FDI trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, đầu tư vào các khu công nghiệp khi mà các nước xung quanh chúng ta đều áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư tốt hơn Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định: Thu hút vốn FDI của ta rất tốt, dù có giảm nhưng so với khu vực vẫn là rất tốt. Việt Nam vẫn là điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, vừa rồi chúng ta đã lên hạng. Tuy nhiên còn một số vướng mắc nhỏ, đó là về thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư công nghiệp và đầu tư mở rộng sản xuất, trong đó bất hợp lý nhất là đầu tư mở rộng sản xuất. Khi sửa Luật Đầu tư xây dựng cơ bản, Bộ đã đưa vào nhưng thấy rằng Luật có nhiều vấn đề phải sửa nhưng gặp nhiều vướng mắc nên đề nghị sửa ba luật thuế.

Về vai trò của các doanh nghiệp Nhà nước trong việc chống suy giảm kinh tế, Bộ trưởng khẳng định trong tình hình kinh tế hiện nay, vai trò của các doanh nghiệp Nhà nước đang phát huy tác dụng. Ví dụ như tập đoàn xi-măng, dầu khí, điện lực, bưu chính viễn thông (VNPT và Viettel)… đang có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong tình hình kinh tế hiện nay đã thể hiện vai trò đi đầu của các doanh nghiệp Nhà nước nhất là tập đoàn nhà nước. Tuy nhiên cũng không khỏi có khiếm khuyết, ngày càng phải hoàn thiện các doanh nghiệp này để thực sự mang lại hiệu quả lớn hơn cho kinh tế nhà nước.

Liên quan đến gói kích cầu, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) đặt vấn đề Bộ Kế hoạch và Đầu tư có dự báo khả năng dung nạp của nền kinh tế và của xã hội đối với một gói kích cầu lớn như thế không? Mặt khác, gói kích cầu được phân chia thành nhiều gói nhỏ, nhưng chủ yếu rơi vào khối đầu tư công (chiếm 2/3), trong khi đó chỉ số ICOR năm 2007 là 5,2, năm 2008 tăng lên là 6,6, giải pháp gì đảm bảo hiệu quả sử dụng các gói kích cầu cho những dự án đầu tư, đặc biệt đầu tư công để đảm bảo khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; đảm bảo chất lượng tăng trưởng nền kinh tế?

Giải đáp băn khoăn này của đại biểu Hòa, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nêu rõ: Gói kích cầu bỏ ra thực chất có 1 tỉ USD để hỗ trợ lãi suất, còn lại phần lớn là tiếp tục vốn năm 2008 chuyển sang, ứng của năm 2010 đưa về, tạm hoãn các khoản nợ, một phần nữa là vốn hỗ trợ người nghèo. Khả năng thực hiện của năm 2009 là được; tính đến ngày 10.6, số thực hiện cho vay là 336.000 tỉ đồng.

Riêng về chỉ số ICOR, theo Bộ trưởng đúng là năm 2008 cao hơn chỉ số các nước trong khu vực, nhưng cần lưu ý hiện nay ta đang đầu tư nhiều cho an sinh xã hội, mà đầu tư cho an sinh xã hội thì không sinh ra lợi nhuận; đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng. “Trong điều kiện khủng hoảng, càng không thể so sánh chỉ số ICOR được. ICOR là tỷ lệ tổng đầu tư toàn xã hội trên GDP. Như vậy, nếu chỉ số tăng trưởng bằng 0 như một số nước, chẳng lẽ ICOR lại vô cùng? Hoặc tăng trưởng âm thì ICOR cũng âm? Chỉ so sánh ICOR trong một quãng thời gian dài (5 năm, 10 năm) và trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường”, Bộ trưởng Phúc nói.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hòa liên quan đến bảo lãnh tín dụng cho khối doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng cho biết bảo lãnh tín dụng có 2 loại, một là cho một số dự án đầu tư lớn thuộc tầm Chính phủ, ngoài ra Chính phủ chủ trương khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Trước đây dự định lập quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa địa phương nhưng khi triển khai thấy một số nơi làm tốt nên Chính phủ đã chuyển lại, giao Ngân hàng phát triển Việt Nam làm chức trách bảo lãnh tín dụng, đã thực thi theo chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

oOo

Kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng tổng kết: Tất cả các ý kiến đều đã được Bộ trưởng và các vị liên quan trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề, đặc biệt vấn đề kích cầu, cơ sở khoa học, định hướng, phân phối, phản ứng phụ, dự báo cần tính toán; vấn đề hỗ trợ lãi suất, di dân tái định cư, cấp phép xây dựng liên quan đến sân gôn...

Chủ tịch lưu ý, kích cầu không phải là giải pháp toàn bộ mà chỉ là 1 trong 5 nhóm giải pháp để ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo sản xuất, chăm lo hệ thống an sinh xã hội. Nền kinh tế đang có những dấu hiệu đáng mừng, cho thấy việc đề ra chủ trương kích cầu là kịp thời và có tác dụng nhất định. Tuy nhiên, cũng không được phép chủ quan, gói kích cầu mới thực hiện trong mấy tháng, trong khi đó tình hình kinh tế thế giới dự báo còn diễn biến phức tạp, nhất là trong năm 2009, thất thường khó lường, không thể bằng lòng với những gì đã làm được. Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã nhận thức rõ vấn đề này. Để tiếp tục thực hiện tốt gói kích cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là đầu mối tham mưu cho Chính phủ trong việc sử dụng, quản lý gói kích cầu càng cần phải đặc biệt chú ý, hết sức quan tâm hướng đầu tư vào đâu, chỗ nào, đúng đối tượng, đúng lĩnh vực, đúng vùng, đúng liều lượng để có hiệu quả; tăng cường kiểm tra thanh tra để không bị thất thoát; chống tiêu cực, liên quan cơ chế xin cho; gắn yêu cầu trước mắt với yêu cầu lâu dài cơ bản hơn là tái cấu trúc nền kinh tế; tính toán dự báo cụ thể để không xảy ra tái lạm phát, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, giữ được giá trị đồng tiền Việt Nam, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm đúng quy trình, thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Xung quanh vấn đề quy hoạch và đầu tư, Chủ tịch QH nhấn mạnh vị trí quan trọng của Bộ trong xây dựng kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế. Dù có phân cấp thì Bộ vẫn là cơ quan đầu mối; phân cấp nhưng không buông, đặc biệt quan tâm thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề trong thẩm quyền, đề xuất với Chính phủ, phối hợp giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.