Kích cầu vào dân

22/12/2008 00:42 GMT+7

Trong tình hình suy giảm kinh tế hiện nay, những biện pháp kích cầu mà Chính phủ đưa ra, trong đó có “gói 1 tỉ USD” nhằm kích cầu đầu tư và tiêu dùng là rất xác đáng. Nhưng vấn đề là “mồi” 1 tỉ USD (khoảng 17 nghìn tỉ VND) vào đâu cho có hiệu quả, thậm chí là hiệu quả cấp thời?

Trong cuộc làm việc của thường trực Chính phủ với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ngày 16.12.2008, ông Lê Quốc n - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may VN - đã kiến nghị Thủ tướng một địa chỉ kích cầu: đó là dùng một phần tiền trong gói kích cầu rót thẳng cho người dân ở 61 huyện nghèo, có thể trợ cấp mỗi hộ 1 triệu đồng để ăn Tết Nguyên đán sắp tới. Đó là một biện pháp kích cầu rất cụ thể mà ít nhà kinh tế ở nước ta nghĩ tới, nhưng không hề là mới mẻ với thế giới. Vì trước đây rất lâu, thời khủng hoảng kinh tế Mỹ, chính Tổng thống Truman cũng đã chủ trương “kích cầu thẳng” cho người dân, không qua bất cứ trung gian nào, để người dân có tiền mặt tiêu dùng trong thời điểm kinh tế khó khăn nhất. 

Cứ thử nghĩ xem, nếu trong dịp Tết Nguyên đán này, mỗi công nhân được Nhà nước trợ cấp thẳng 1 triệu đồng để giải quyết khó khăn, còn mỗi hộ nghèo trong cả nước cũng được trợ cấp thẳng 1 triệu đồng để ăn Tết, thì không khí mua sắm Tết sẽ thế nào? Ai cũng biết, công nhân, nhất là trong ngành dệt may và da giày xuất khẩu, hiện đang gặp khó ra sao. Nhiều nhà máy, xí nghiệp may và da giày xuất khẩu hiện không có tiền trả lương hằng tháng cho người lao động. Tình trạng nợ lương, thậm chí chây ì trả lương đang xảy ra ở diện rộng, điều đó tác động rất tiêu cực đến sản xuất, đến xuất khẩu, đến đời sống người lao động, và đến cả an ninh xã hội. Chuyện tiền thưởng Tết cho người lao động đang là bài toán đau đầu cho rất nhiều nhà máy, xí nghiệp, công ty. Nếu công nhân không thể sống bằng lao động của mình, lại còn bị đe dọa bị mất việc, thì kinh tế làm sao phát triển? Và với hàng triệu hộ nghèo ở nông thôn, ở các thành phố, nếu Tết này họ không thể xoay xở đâu ra tiền để “ăn Tết” trong gia đình mình, thì liệu hàng hóa tiêu dùng sản xuất ra sẽ bán cho ai? 

Từ ý kiến xác đáng của ông Lê Quốc n, tôi đề nghị Chính phủ nên trích hẳn 1 nghìn tỉ VND (trong gói kích cầu 17 nghìn tỉ VND) để tài trợ trực tiếp cho công nhân ở những khu vực khó khăn, và cho khoảng 1 triệu hộ nghèo trong cả nước, với mục đích rõ ràng “cho tiền ăn Tết”. Một khi người lao động nghèo nhận được tiền trợ cấp ấy vào trước Tết, dĩ nhiên họ sẽ dùng nó để mua sắm phục vụ cho gia đình và bản thân trong dịp Tết. Còn cách kích cầu nào nhân ái hơn, cấp thiết hơn mà đạt hiệu quả cao hơn cách kích cầu này? Nhân dân sẽ biết ơn Nhà nước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ bán được hàng, chợ quán và siêu thị sẽ đông vui người mua sắm Tết, và đồng tiền sẽ luân chuyển với tốc độ nhanh hơn trong xã hội. 

Ngày trước, khi thực hiện kiểu kích cầu “vì dân” này, chính phủ Mỹ đã không hề sợ mình “vung tay quá trán”. Những hiệu quả kinh tế từ gói kích cầu này, cộng với những biện pháp kích cầu đồng bộ trung hạn và dài hạn khác, đã đưa nước Mỹ thoát khỏi khủng hoảng. Đó là một kinh nghiệm kích cầu rất hay mà chúng ta có thể áp dụng. Nếu chính phủ có 17 nghìn tỉ VND cho gói kích cầu chung, thì 1/17 số tiền ấy được dùng cho biện pháp “kích cầu vào dân” tưởng cũng không quá lớn. Mà hiệu quả thì chắc chắn sẽ lớn. Về nhiều mặt. Và không chỉ là những hiệu quả trước mắt.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.