Kịch chiến tại Ohio

07/11/2012 04:00 GMT+7

Ngay trước khi cử tri Mỹ lên đường tới phòng phiếu, người dân thủ phủ Columbus của Ohio được chứng kiến những cuộc vận động giờ chót cực kỳ ấn tượng.

Các siêu sao ca nhạc Bruce Springsteen và Jay-Z hô vang tên Tổng thống Barack Obama trước đám đông hơn 15.000 người ở Sân vận động Nationwide Arena của Columbus. Vài giờ sau đó, chừng 10.000 người tại điểm vận động ở sân bay CPA hét lên phấn khích khi cựu Thống đốc Mitt Romney không bước vào mà cho máy bay riêng chạy thẳng vào trong, chỉ cách đám đông hơn chục mét.

Ngày 5.11 (hôm qua, giờ VN), phóng viên Thanh Niên chứng kiến 2 đối thủ tung hết những chiêu ngoạn mục nhất để chinh phục trái tim cử tri Ohio, nơi được đánh giá đóng vai trò quyết định trong cuộc đua vào Nhà Trắng lần này. Trước đó, trong cái lạnh thấu xương khoảng 6-7oC, thanh niên, trẻ nhỏ, cụ ông, cụ bà vẫn kiên nhẫn đứng trong hàng người dài cả cây số, quyết tâm giúp ứng viên của mình phô diễn lực lượng. Sau chừng 4 tiếng đồng hồ xếp hàng ngoài trời, vào được tới nơi thì còn phải chờ thêm ít nhất 2 tiếng nữa thì nhân vật chính mới xuất hiện.

Ohio từ lâu luôn được xem là một trong những chiến trường quan trọng nhất trong các kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. Số người ủng hộ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ở đây gần như ngang nhau nên không ứng viên nào có được ưu thế rõ rệt và việc giành giật từng lá phiếu của cử tri trung lập diễn ra vô cùng quyết liệt. So với những bang được xem là khó đoán khác như Iowa hay Wisconsin, Ohio cùng Florida được giới chuyên gia coi trọng hơn vì có số phiếu đại cử tri cao hơn hẳn. Chưa hết, trong 3 kỳ bầu cử tổng thống gần đây nhất thì không ai thất bại tại Ohio mà bước chân được vào Nhà Trắng. Vì thế, như Giáo sư David C.King của ĐH Harvard nhận xét với Thanh Niên, Obama và Romney gần như “dọn nhà” tới Ohio để liên tục diễn thuyết tranh cử tại Columbus và thành phố đông dân nhất bang là Cleveland.

4 năm và 1 ngày

Trong các buổi vận động tại Ohio của Tổng thống Obama, khẩu hiệu được hô nhiều nhất là “Thêm 4 năm nữa!”. Đương kim chủ nhân Nhà Trắng thừa nhận những thay đổi ông từng cam kết 4 năm trước đã không đến nhanh như mong đợi. Tuy nhiên, ông kêu gọi người dân cho ông thêm 4 năm để tiếp tục hoàn thành những mục tiêu đã có thành tựu nhất định như cải thiện kinh tế, tạo thêm việc làm tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như tầng lớp trung lưu, tăng cường hỗ trợ giáo dục, phát triển khoa học - kỹ thuật… Tổng thống Obama cũng không quên nhấn mạnh Ohio là một trong những bang có tốc độ phục hồi kinh tế ấn tượng nhất ở Mỹ với tỷ lệ thất nghiệp giảm khá nhanh.

Ông khẳng định đây là bằng chứng cho thấy sự đúng đắn của các chính sách trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Obama khẳng định kế hoạch của đối thủ Romney sẽ đưa nước Mỹ trở lại “thời kỳ tăm tối của Tổng thống Bush (George W.Bush - NV)”. Ông cũng cáo buộc đảng Cộng hòa, chiếm đa số trong Hạ viện, đã gây ra tình trạng trì trệ và chia rẽ hiện nay vì luôn gây khó cho Nhà Trắng. “Ohio, chúng ta còn nhiều việc phải làm. Ohio, tôi nhờ vào các bạn”, vị tổng thống hùng hồn trong tiếng reo hò vang dội.

 
Máy bay chạy thẳng vào nơi đám đông tụ họp, “chiêu” ngoạn mục của ông Romney Ảnh: Trọng Kha

 
Ông Obama ở thành phố Mentor, bang Ohio - Ảnh: Trọng Kha

 
“Ủng hộ viên đặc biệt” của ông Romney - Ảnh: Trọng Kha

Dĩ nhiên, dẫu Obama có ăn nói giỏi đến mấy thì cũng không thể chinh phục được những người Cộng hòa. Ngay bên ngoài nơi ông diễn thuyết, một nhóm người “phe” Romney trương bảng biểu tình phản đối với dòng chữ: “4 năm nữa hả? Cho xin đi!”.

Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên, bà Sandra, 43 tuổi, nói: “Tôi không tin Obama. Ông ta giấu diếm nhiều thứ lắm, như vụ khủng bố ở Benghazi (Libya - NV) vừa qua chẳng hạn. Cũng chính ông ta gây ra tình trạng chia rẽ hiện nay”.

Theo nhận xét của Giám đốc điều hành Hội đồng giao lưu quốc tế tại Columbus (IVCC) Palmer McNeal thì không ít người bỏ phiếu cho Romney không hẳn vì bị ông thuyết phục mà do họ ghét Obama. Gây chia rẽ và đẩy nước Mỹ vào nợ nần cũng là những luận điểm cựu Thống đốc Romney chỉ trích đối thủ tại Columbus. Thay vì “Thêm 4 năm nữa!”, những người Cộng hòa hôm qua lại hô vang “Chỉ còn 1 ngày nữa!”.

Họ tin rằng chỉ còn cách chiến thắng 1 ngày và Tổng thống Obama cũng chỉ còn giữ ghế thêm được 1 ngày. Ứng viên Romney, cũng hùng hồn và có sức hút không kém đối thủ, khẳng định kế hoạch cải thiện kinh tế của ông sẽ mau chóng đưa nước Mỹ trở lại vị thế trước đây. Ông sẽ tìm kiếm sự đồng thuận của cả hai đảng để giúp người dân phục hồi sau 4 năm dưới thời “một tổng thống chỉ biết biện minh”. “Chúng ta sẽ cùng xây dựng lại đất nước, khôi phục lòng tin và hướng về một tương lai mới”, ông tuyên bố.

Bên cạnh đó, phe Cộng hòa cũng bác bỏ luận điểm của ông Obama về sự hồi phục kinh tế ở Ohio. Thành viên nghị viện Ohio Mike Dovilla khẳng định với Thanh Niên rằng chính phủ không có vai trò gì cả mà tất cả là nhờ công giới lãnh đạo Cộng hòa của bang.

Tất bật đến giờ chót

Những buổi vận động giờ chót như trên chủ yếu nhằm vào những người còn chưa quyết định sẽ chọn ai cũng như kêu gọi cử tri đi bầu. Theo những dự đoán trước đây thì nhiều cử tri độc lập nhưng có khuynh hướng ủng hộ ông Obama sẽ ngồi nhà trong kỳ bầu cử này. Lý do có thể là họ thất vọng với ông hoặc đã không còn quan tâm đến chính trị. Vì thế, trong nhiều tháng qua, phe Dân chủ đã rất nỗ lực để vận động bỏ phiếu, Chánh văn phòng của chi nhánh đảng Dân chủ tại hạt Cuyahoga, hạt lớn nhất Ohio, là Nick Martin cho Thanh Niên hay. “Sau khi thu thập và phân tích dữ liệu để biết rằng một người nào đó hơi nghiêng về tổng thống nhưng chưa quyết định được là có đi bỏ phiếu, chúng tôi sẽ liên tục liên lạc với người đó”, ông Martin nói, “chúng tôi cũng thúc giục các đảng viên Dân chủ đi bỏ phiếu sớm cho chắc ăn”. Hàng trăm ngàn tình nguyện viên đi gõ cửa nhà, gọi điện thoại hay gửi thư để thuyết phục đối tượng. “Thậm chí có người dọa: Gọi nữa là tôi nằm nhà hoặc bỏ phiếu cho Romney à”, ông Martin nói.

Trong ngày bầu cử 6.11 (giờ Mỹ), nhân viên và tình nguyện viên của 2 phe vẫn tiếp tục theo dõi danh sách đi bầu và sẵn sàng tiếp tục “làm phiền” những ai chưa tới phòng phiếu cho tới tận giờ kết thúc. Các bên cũng cử giám sát viên đến theo dõi chặt chẽ để bảo đảm phe kia không thể “giở trò”. Và như vậy, một trong những cuộc đua gay cấn với nhiều kịch bản khó lường nhất trong lịch sử Mỹ đã bước vào hồi kết.

Trọng Kha
(từ Columbus, tiểu bang Ohio, Mỹ)

>> Bầu cử Mỹ: Ông Obama chiếm ưu thế
>> Afghanistan ấn định ngày bầu cử tổng thống
>> Đòn độc trong bầu cử Tổng thống Mỹ
>> Rooney theo dõi sát sao bầu cử tổng thống Mỹ
>> Bầu cử tổng thống Mỹ: Ông Obama thắng thế trong cuộc tranh luận cuối cùng
>> Tổng thống Venezuela kêu gọi các ứng viên công nhận kết quả bầu cử
>> Mỹ cho phép đăng ký bầu cử qua Facebook

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.