Kiểm soát biến thể vi rút gây Covid-19 tại Việt Nam

Liên Châu
Liên Châu
03/01/2021 05:56 GMT+7

Ngày 2.1, Bộ Y tế xác nhận đã phát hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 tại VN .

Chủng biến thể này được phân lập, giải trình tự gien từ mẫu xét nghiệm trên bệnh nhân Covid-19 có mã số 1435, là ca nhập cảnh từ Anh.
Kết quả giải trình tự gien do các nhà khoa học thuộc Viện Pasteur TP.HCM thực hiện, đã ghi nhận bệnh nhân (BN) 1435 nhiễm chủng SARS-CoV-2 biến thể VOC 202012/01. Theo chuyên gia của Bộ Y tế, SARS-CoV-2 VOC 202012/01 (là biến thể đáng lo ngại năm 2020, tháng 12, biến thể 01), là chủng mới, được ghi nhận ở Anh gần đây. Đồng thời, chủng gây bệnh cho BN 1435 cũng có đột biến D614G, là chủng được cho làm lây lan nhanh.
Theo Bộ Y tế, BN 1435 (nữ, 45 tuổi) quê tỉnh Trà Vinh. BN nhập cảnh về Việt Nam ngày 22.12.2020 (chuyến bay Việt Nam50 từ Anh đáp xuống sân bay Cần Thơ) và được đưa đi cách ly tập trung ngay tại Trà Vinh. BN có tiền căn tăng huyết áp 10 năm nay, đang điều trị ổn. Trước khi về Việt Nam, BN có sức khỏe ổn định.
Sau khi nhập cảnh và cách ly 1 ngày, BN có triệu chứng đau họng, sốt nhẹ và được lấy mẫu chuyển về Viện Pasteur TP.HCM làm xét nghiệm. Kết quả khẳng định dương tính ngày 24.12.2020. Đồng thời, BN được chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện (BV) Lao và bệnh phổi tỉnh Trà Vinh với chẩn đoán viêm amydal cấp. Hiện, BN được chẩn đoán theo dõi viêm phổi và tiếp tục được điều trị theo dõi sát tại BV Lao và bệnh phổi tỉnh Trà Vinh.

Nghiên cứu chuyên sâu

Bộ Y tế cho hay ngay sau khi có kết quả kể trên, Viện Pasteur TP.HCM đã có báo cáo về Cục Y tế dự phòng, xin ý kiến lãnh đạo Bộ Y tế chỉ đạo tiếp theo trong các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu và đáp ứng phòng chống dịch.

Phải thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch

Chiều 2.1, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo ghi nhận 8 BN mới, là các ca nhập cảnh từ Đức, Pháp, Đài Loan và Malaysia. Đây là các BN Covid-19 thứ 1475 - 1482 tại Việt Nam. Ngày 2.1, thêm 12 BN Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Trong số 1.482 BN Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam đến nay, 1.337 ca đã được điều trị khỏi.
Trước nguy cơ lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng từ các ca nhập cảnh trái phép nhiễm Covid-19, Bộ Y tế đã có chỉ thị yêu cầu các sở y tế thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường kiểm tra, giám sát các điều kiện, quy trình nhập cảnh, kiểm dịch y tế nhằm phát hiện sớm, xử lý ngay những trường hợp đầu tiên, không để dịch lây lan... 
Với việc phát hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 tại Việt Nam, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đánh giá: “Lo ngại nhất là vi rút lây lan nhanh khi vào cộng đồng thì không đủ nhân lực và phương tiện cấp cứu, vì một lúc có thể nhiều người phải nhập viện. Do đó, vấn đề ưu tiên ứng phó là phải khoanh vùng, truy vết và khống chế khẩn trương, không để lây lan”.
Cùng quan điểm với TS Nga, một chuyên gia trong hội đồng điều trị BN Covid-19 lưu ý, khả năng lây lan nhanh hơn thì các giải pháp ngăn ngừa lây nhiễm cần đặc biệt chú trọng. Khi số mắc tăng cao, sẽ gây áp lực cho các cơ sở cách ly điều trị và kéo theo gia tăng các BN nặng. Vì, tỷ lệ ca nặng vẫn giữ nguyên, nhưng số ca mắc tăng lên thì số BN nặng cũng có thể tăng theo.
“Chúng ta điều trị tốt nhất nếu ít BN nhập viện, nhưng nếu số ca nặng tăng lên thì rõ ràng, việc điều trị khó khăn hơn, thậm chí quá tải. Do đó, cả người dân cũng như hệ thống y tế tuyệt đối không chủ quan. Người dân cần tự giác thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm đã được cơ quan y tế khuyến cáo”, chuyên gia này đánh giá.

Cần thực hiện “khuyến cáo 5K”

GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế), cho hay vi rút biến đổi là chuyện “thường ngày”, không phải là bất ngờ, đã được dự báo. Tại thời điểm này, SARS-CoV-2 biến chủng được đánh giá là có khả năng lây lan nhanh hơn, nhưng chưa thấy có biển đổi mạnh hơn về độc lực. Cũng theo GS Anh, thông tin từ quốc tế cho biết SARS-CoV-2 có biến đổi tại một số điểm trên đoạn protein, nhưng không phải là biến đổi lớn, không biến đổi hoàn toàn, do đó vắc xin Covid-19 được nghiên cứu, sản xuất tại thời điểm này vẫn có thể bảo vệ, nếu đạt các yêu cầu về an toàn, sinh miễn dịch.

Bệnh nhân 1435 được điều trị ra sao ?

Chiều 2.1, bác sĩ Nguyễn Hữu Phước, Phó giám đốc Sở Y tế Trà Vinh, cho biết BN 1435 (và 1 nam BN khác cùng về từ Anh bị nhiễm Covid-19) đang được cách ly nghiêm ngặt, riêng biệt, chăm sóc tích cực tại BV Lao và bệnh phổi Trà Vinh.
“Phác đồ điều trị riêng biệt đối với 2 BN này là không có, vì toàn thế giới vẫn chưa có phương pháp đặc trị. Với BN 1435, chúng tôi vẫn chỉ có thể tập trung dùng kháng sinh mạnh để điều trị bệnh viêm phổi cho BN này, đồng thời nỗ lực tìm các bệnh nền trên cơ thể của BN để tập trung điều trị. Ê kíp 5 người gồm bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ trong khu cách ly riêng biệt dành cho 2 BN Covid-19 vẫn ở cố định liên tục trong khu vực cách ly để làm nhiệm vụ điều trị”, bác sĩ Phước cho hay.
Theo ông Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, với BN 1435, là ca bệnh đã được cách ly ngay sau nhập cảnh, không có khả năng lây ra cộng đồng nên người dân có thể yên tâm.
Bắc Bình - Liên Châu
Theo lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, dự kiến cuối tháng 1.2021, viện này và một số đơn vị sẽ triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covivac. Đây là vắc xin phòng Covid-19 do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế, đặt tại Nha Trang (Khánh Hòa) nghiên cứu, sản xuất. Hiện tại, đơn vị nghiên cứu đang chờ được Bộ Y tế phê duyệt.
Trong 1 - 2 tuần tới, Hội đồng Đạo đức quốc gia sẽ họp để thẩm định, xem xét đưa ra ý kiến chấp nhận cho triển khai thử nghiệm lâm sàng Covivac. Nếu được hội đồng chấp thuận, đây là vắc xin Covid-19 thứ 2 do Việt Nam nghiên cứu, được tiêm trên người tình nguyện. Nếu thử nghiệm lâm sàng cho kết quả đạt yêu cầu sau 3 giai đoạn, cuối năm 2021, IVAC sẽ hoàn thiện quy trình sản xuất với quy mô ban đầu khoảng 6 triệu liều/năm.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), lưu ý ngay cả khi có vắc xin thì đó không phải là cách duy nhất phòng dịch. Để phòng, chống dịch Covid-19 cần thực hiện tổng thể các giải pháp, trong đó mỗi cá nhân cần thực hiện “khuyến cáo 5K” (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) để bảo vệ cá nhân và cộng đồng.
Kiểm soát biến thể  vi rút gây Covid-19 tại Việt Nam

Hình ảnh vi rút SARS-CoV-2 được phân lập trên mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân Covid-19 đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam 

Ảnh: Tư liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư

Kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới và một số nước trong khu vực, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) yêu cầu phải tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh.
BCĐ cũng yêu cầu, cần đặc biệt đẩy nhanh việc thực hiện việc rà soát, tự đánh giá các biện pháp phòng chống dịch và cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn), trước hết là các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, và khẩn trương chuẩn bị để mở rộng ra các chợ, siêu thị, phương tiện giao thông công cộng, nhà máy, xí nghiệp...
Bộ Y tế cho biết đến nay, tất cả BV đã tự đánh giá định kỳ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và cập nhật thông tin, nhưng mới có khoảng 30% trong tổng số 25.000 trạm y tế cơ sở, phòng khám tư nhân triển khai. Lãnh đạo Bộ Y tế giao Cục Quản lý khám chữa bệnh phải có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở từng cơ sở ngay trong những ngày đầu tháng 1.2021.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.