Kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành

04/10/2019 10:05 GMT+7

Bệnh lý mạch vành là tình trạng mạch bị chít hẹp không thể cung cấp đủ máu để nuôi dưỡng quả tim, có thể nguy hiểm tính mạng.

Triệu chứng tưởng không liên quan

Chuyên gia về tim mạch cho biết, động mạch vành với nhiệm vụ chính là mang máu giàu ô xy từ động mạch chủ tới nuôi dưỡng tim.
Quả tim như một khối cơ hoạt động như như một cái bơm đẩy máu đi khắp cơ thể. Để đảm bảo chức năng này, tim phải nhận đủ ô xy. Ô xy được cung cấp tới cơ tim qua hệ thống động mạch vành, hệ thống này bao phủ xung quanh quả tim. Khi bị bệnh lý động mạch vành, dòng máu qua động mạch đến tim sẽ giảm sút khiến cơ tim không nhận đủ ô xy, và triệu chứng đau ngực xuất hiện (còn được gọi cơn đau thắt ngực).
Bệnh lý mạch vành là do sự lắng đọng các chất béo (như cholesterol). Các mảng lắng đọng này (mảng xơ vữa) bám dọc thành mạch và dần khiến cho thành mạch dầy lên thu hẹp lòng mạch sau quá trình lắng đọng các chất béo. Thậm chí nếu quá mức các mảng xơ vữa này có thể gây chít hẹp, tắc mạch.
Do động mạch vành làm nhiệm vụ cung cấp máu giàu ô xy cho cơ tim, nếu sự tắc nghẽn đó không được điều trị để “khai thông” lòng mạch có thể dẫn tới nhồi máu cơ tim hay thậm chí tử vong.
PGS-TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực (BV hữu nghị Việt Đức), Hà Nội cho biết, triệu chứng phổ biến nhất của bệnh động mạch vành là những cơn đau thắt ngực, khó thở. Một số trường hợp đi kèm với cơn tăng huyết áp, nhịp tim nhanh.
Tuy nhiên, PGS Ước cũng lưu ý, ở phụ nữ, ít gặp những cơn đau ngực nhưng người bệnh thường có cảm giác chán ăn, mệt mỏi, ợ nóng, buồn nôn, đau lưng, đau hàm… Tuy nhiên, nhiều người mắc bệnh động mạch vành không có triệu chứng, hay còn gọi là thiếu máu cơ tim thầm lặng. Quá trình bệnh tiến triển âm thầm và không gây ra bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào.

Cơ tim tổn thương và hệ lụy

“Đặc biệt nguy hiểm khi người bệnh không nhận biết được tình trạng sức khỏe của mình để điều trị kịp thời, chỉ đến khi cơn nhồi máu cơ tim (là tình trạng một phần cơ tim bị tổn thương do thiếu máu nuôi dưỡng), xảy ra thì đã quá muộn để phòng tránh”, chuyên gia tim mạch cảnh báo.
GS Ước cho hay, khi mắc bệnh mạch vành, nguy cơ biến chứng lớn nhất là cơn nhồi máu cơ tim cấp, có thể lấy đi tính mạng của người bệnh bất kỳ lúc nào. Nếu không kiểm soát tốt bệnh mạch vành, nguy cơ suy tim, rối loạn nhịp tim là khó tránh khỏi. Điều này không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây tốn kém về kinh tế trong quá trình điều trị, bởi vậy người dân nên quan tâm đến sức khỏe của bản thân, chú ý đến những triệu chứng bất thường để đi thăm khám và điều trị sớm nhất có thể.
Theo Hội Tim mạch VN, ngoài yếu tố tuổi tác (sau 50 tuổi), những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh mạch vành: hút thuốc lá; béo phì; tăng huyết áp; đái tháo đuờng; rối loạn mỡ máu…
Kiểm soát yếu tố nguy cơ gây bệnh động mạch vành
Các nghiên cứu đã cho thấy rõ có 2 loại yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành. Trong đó, yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được: tuổi cao (nam trên 50 và nữ trên 55 tuổi); giới nam nguy cơ bị nhiều hơn nữ khoảng 2-3 lần; gia đình có người bị bệnh động mạch vành; chủng tộc.
Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được: Hút thuốc lá; béo phì; lười vận động; tăng huyết áp; đái tháo đuờng; rối loạn mỡ máu; stress. Do đó, cần tránh hoặc từ bỏ những nguy cơ có thể thay đổi được để bảo vệ tim. Cần tạo cho mình một cuộc sống với ít nhất những yếu tố nguy cơ bằng việc thực hiện chế độ ăn lành mạnh, vận động tích cực, kiểm soát stress, không hút thuốc lá, giữ cân nặng phù hợp, kiểm soát đường huyết…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.