Kiểm soát chặt việc ban hành văn bản liên quan hoạt động kinh doanh

Chí Hiếu
Chí Hiếu
01/10/2020 09:07 GMT+7

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định cần kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cơ sở các quy định pháp luật.

Chiều 30.9, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo về “Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ”, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành hồi tháng 5.
Chủ trì buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay trong giai đoạn 2016 - 2020, đã có 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh cùng với 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm, đơn giản hóa. Điều này giúp tổng chi phí xã hội tiết kiệm được trên 18 triệu ngày công/năm, tương đương khoảng 6.300 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền. Theo xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016 - 2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế, và xếp thứ 5 trong ASEAN.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng việc cải cách một số nơi vẫn còn hình thức, thậm chí có tình trạng cắt bỏ quy định này lại mọc ra quy định khác, gây khó khăn hơn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Do vậy, mục tiêu của chương trình cải cách lần này là trong giai đoạn 2020 - 2025 cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định, và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành, tính đến hết ngày 31.5.2020, được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ.
Đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng, Chính phủ và kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cơ sở các quy định pháp luật, nhất là các văn bản hành chính, thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị định của Chính phủ.
Ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.