Kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm: 8 triệu dân chỉ có... 1 thanh tra viên !

05/08/2005 23:55 GMT+7

Bánh mì làm bằng bột nở dùng trong sản xuất cao su, nước mắm pha urê để tăng độ đạm, giò chả thì dùng thịt "phế liệu" và hàn the... là một vài thông tin trong những thông tin của hơn 20 đại biểu trình bày trong suốt hơn 3 tiếng đồng hồ tại buổi tọa đàm Thực trạng VSATTP và biện pháp quản lý sáng 5/8 do Báo Thanh Niên tổ chức.

 

"Thấy dân ta ăn uống mà thương!"

 


Công nhân trong một vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt - Ảnh: Thanh Tùng

Ngay sau phần giới thiệu mục đích buổi tọa đàm, PGS-TS Võ Văn Sen, Trưởng khoa Lịch sử Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, đại biểu HĐND TP.HCM "nổ phát pháo" đầu tiên với tâm trạng cực kỳ bức xúc. Bức xúc đến nỗi không cần micro mà tất cả mọi người đều nghe rất rõ: "Tôi rất nhất trí với nhận định của nhiều người trên diễn đàn Báo Thanh Niên là mức độ của vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) rất nghiêm trọng, có thể nói là rất xấu. Ở các nước, người ta kiểm soát chặt chẽ hơn, thậm chí bột ngọt cũng không được dùng thoải mái. Nhìn lại trong nước, thấy dân ta ăn uống mà thương! Trong HĐND thành phố, chúng tôi đã phát biểu rất nhiều. VSATTP sát sườn với đời sống người dân, một ngày ta ăn ít nhất 3 lần, nhưng công tác quản lý chúng ta lại đang lỏng lẻo". Quay qua cầm tờ Thanh Niên số ra sáng 5/8, mở mục diễn đàn VSATTP ra, ông Sen thẳng thắn: "Tôi rất không đồng ý với cách trả lời của ông Chu Quốc Lập, Phó cục trưởng Cục ATVSTP cho rằng tình hình đang được kiểm soát rất tốt. Nói như vậy là quá chủ quan! Nói số người chết vì ngộ độc giảm, nhưng số người đang dần ngộ độc hóa chất có ai thống kê, kiểm soát được đâu?". Kỹ sư môi trường Nguyễn Minh Đồng, Giám đốc tư vấn thị trường châu u, châu Mỹ của Công ty DEVITEC CONSULT, nhất trí với nhận định của đại biểu Võ Văn Sen. "Tôi sẵn sàng cùng anh Sen mời ông phó cục trưởng đi ăn một bữa ăn ở quán vỉa hè xem ông có ăn không? Nhưng tôi xin từ chối trước là chỉ đứng xem chứ không dám ăn" - ông Đồng nói.

 

Ông Nguyễn Nam Vinh, Trưởng văn phòng đại diện phía Nam Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, khi đánh giá thực trạng VSATTP tỏ ra điềm tĩnh hơn và đưa ra một loạt đặc điểm về đời sống, xã hội đặc thù của Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, như: là một nước nông nghiệp, 80% dân số sống bằng nghề nông; nền công nghiệp thực phẩm còn lạc hậu; chế biến quy mô nhỏ hộ gia đình; dịch vụ thức ăn đường phố, chợ cóc phổ biến... Những thông tin ông Vinh đưa ra sau đó về thực trạng một số nhóm mặt hàng thực phẩm chế biến ăn ngay do Viện Vệ sinh y tế công cộng kiểm nghiệm lại khiến rất nhiều người lo ngại: "Có đến 38 trong số 43 mẫu mặt hàng chế biến sẵn (loại không qua xử lý nhiệt trước khi sử dụng) đều không đạt chất lượng VSATTP về mặt vi sinh. Mặt hàng chả lụa xét nghiệm 14 mẫu thì cả 14 đều không đạt chất lượng. Nhóm thực phẩm heo quay, giò lụa, jambon tỷ lệ không đạt vệ sinh từ 62-85%. Hầu hết các loại mắm đều không đạt tiêu chuẩn VSATTP. Tất cả các mẫu patê và bánh mì patê được xét nghiệm đều không đạt vệ sinh thực phẩm...". Trong phát biểu của mình, GS Chu Phạm Ngọc Sơn cho rằng VSATTP là muôn màu muôn vẻ, tuy chúng ta có đầy đủ phương tiện phát hiện tất cả các loại độc tố, nhưng không biết các mối nguy hiểm nằm ở đâu? Chúng ta cứ phải chạy theo những hành vi hám lợi của những người sản xuất; vừa kiểm nghiệm thấy urê dùng ướp cá, thịt cho tươi, thì lại có chuyện urê cho vào nước mắm để tăng độ đạm...

 


Toàn cảnh buổi tọa đàm tại Báo Thanh Niên - Ảnh: D.Đ.Minh

Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật ATVSTP Việt Nam, khi phân tích thực trạng ATVSTP đã thông báo rằng ngay cả việc làm bánh mì, không phải ai cũng dùng bột nở thực phẩm mà "có khi dùng loại bột nở dùng trong sản xuất... cao su để chế biến". Còn giò chả trong bánh mì  thì thường dùng các loại thịt "phế liệu" và hàn the... "Bánh mì đó vẫn bán tràn lan, thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra" - bác sĩ Ký bức xúc.

 

Trách nhiệm thuộc về ai ?

 

Đi sâu vào phân tích các nguyên nhân dẫn đến thực trạng hiện nay, bác sĩ Trần Văn Ký nhấn mạnh "số 1" là: "Chưa có hệ thống quản lý về chất lượng VSATTP thống nhất từ trung ương đến địa phương, mỗi bộ quản lý một mảng, ngay trong mỗi bộ cũng chưa thống nhất cách quản lý ở từng địa phương". Tiếp đó, bác sĩ Ký cho rằng thông tin tuyên truyền đến người dân còn thiếu; huấn luyện chuyên môn cho cán bộ và người sản xuất chưa đúng mức... và đặc biệt vai trò của lực lượng thanh tra vừa yếu vừa thiếu. Theo bác sĩ Ký, hiện Việt Nam chưa có hệ thống thanh tra chuyên ngành về thực phẩm mà còn kiêm nhiệm; cán bộ làm công tác thanh tra thực phẩm quá mỏng, lại chưa được đào tạo; lương và phụ cấp cho lực lượng này quá thấp nên khó đòi hỏi cán bộ thanh tra tận tâm với công việc, thậm chí còn tạo cái nhìn "làm nhiều cũng chẳng hơn gì, có khi còn thiệt vào thân". "Ở Canada, Mỹ... ngay tại cơ sở sản xuất có thanh tra vệ sinh thực phẩm ngồi đó. Sáng sớm, khi mình chưa sản xuất họ đã đập cửa yêu cầu cho kiểm tra xem đã vệ sinh sạch sẽ nhà xưởng chưa. Còn chúng ta thì sao? Chúng tôi phải tự lấy mẫu đi kiểm nghiệm, chẳng thấy ai xuống kiểm tra. Nhưng nhiều khi doanh nghiệp muốn làm tốt mà không có ai giám sát, kiểm tra thì cũng dễ phát sinh làm ẩu" - ông Phạm Thế Long, Tổng giám đốc Công ty CP Chế biến thực phẩm Long Phụng, nói về tình trạng thiếu lực lượng thanh tra, giám sát về VSATTP.

 

Có nguyên nhân phải "truy" ra trách nhiệm. Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên Thanh Niên ngày 5.8, bác sĩ Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng vấn đề VSATTP là trách nhiệm chung của toàn xã hội, từ nhà sản xuất, cơ quan quản lý đến người tiêu dùng, còn ngành y tế chịu trách nhiệm phối hợp với các ngành khác, nhằm đảm bảo VSATTP cho người tiêu dùng. Ông Võ Văn Sen không đồng tình với lập luận này. "Đúng là toàn dân phải tự cứu lấy mình, nhưng dân tự cứu cũng không xong. Đậu hũ, rau sống, cà phê, thịt heo, giò chả... giờ đến nước tương, cái gì cũng có hóa chất độc hại, không lẽ mọi người phải tự làm để mà ăn ? Như thế thì không có văn minh đô thị, trở về văn minh làng xã cách đây 10 thế kỷ. Vì thế, vấn đề là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, rất quan trọng" - ông Sen phản biện. Cơ quan nhà nước, ở đây, theo ông Sen là chính quyền và ngành y tế, cụ thể ở TP.HCM là UBND thành phố và dưới là Sở Y tế phải chịu trách nhiệm chính. "Đúng là để có một sản phẩm ra thị trường có trách nhiệm của rất nhiều ngành, của nhà sản xuất... nhưng  Sở Y tế là người "gác cổng" cuối cùng. Một sản phẩm cứ sản xuất ra đi, nhưng nếu anh kiểm tra thấy không đảm bảo thì anh không cho bán ra thị trường. Anh không cho thì đố anh nào dám cho. Vấn đề là anh đã mạnh dạn làm hết quyền của mình chưa?" - ông Sen quay qua bác sĩ Lê Trường Giang đặt câu hỏi. Và ông nói tiếp: "Nhiều khi chúng ta quá coi thường vấn đề này. Chuyện chỉ có một thanh tra viên VSATTP cho cả thành phố hơn 8 triệu dân (tính cả người nhập cư) là chuyện lạ ở đầu thế kỷ 21. Ở đây, ngành y tế chưa làm hết trách nhiệm. Thiếu biên chế cần tăng cường, thì anh phải la lên. Sở Y tế trong năm qua có bao nhiêu công văn gửi, đốc thúc UBND thành phố về vấn đề này? Tôi cho là không nhiều đâu". Luật sư Trần Công Ly Tao, Đoàn Luật sư TP.HCM cũng đồng tình: "Nói gì thì nói, làm gì thì làm, nhưng quyết định thực phẩm đó đưa vào tiêu thụ có an toàn hay không là khâu của ngành y tế".

 

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành y tế, từ năm 1999 đến hết năm 2004 cả nước đã xảy ra 1.386 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.706 người bị ngộ độc, trong đó có 342 người tử vong. Phân tích nguyên nhân cho thấy nguyên nhân do vi sinh vật chiếm tỷ lệ khá cao (33-55,8%), do thức ăn chế biến xong để quá lâu bị nhiễm khuẩn hoặc trong quá trình chế biến không đảm bảo ATVS. Nguyên nhân thực phẩm ô nhiễm hóa học chiếm 11-25% và đang là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm, lo lắng như tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả, tồn dư kháng sinh trong thịt gia súc, gia cầm quá giới hạn cho phép, sử dụng tràn lan hóa chất, phụ gia ngoài danh mục cho phép...

 

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong 8 năm từ 1997 đến 2004, cả nước có 6.467.448 trường hợp mắc các bệnh nhiễm trùng qua thực phẩm, trong đó có 194 người tử vong. Trong số 5 bệnh: tả, lỵ amip, lỵ trực trùng, thương hàn, tiêu chảy thì tiêu chảy có tỷ lệ mắc cao nhất (92%) và tử vong cao nhất (63%).

 

(Trích Dự thảo số 5 Kế hoạch hành động quốc gia bảo đảm VSATTP đến 2010)

 

 (Còn tiếp)

 

Kim Trí - Đức Trung - Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.