Các sinh viên học điện ảnh gian nan với việc kiếm tiền làm phim tốt nghiệp.
Trong bốn năm học, các sinh viên khoa đạo diễn phải làm ít nhất ba phim bài tập (dài không quá 30 phút), chi phí từ 15-30 triệu đồng. Đến năm cuối, mối lo tiền nong đè nặng khi kinh phí sản xuất tăng lên hai, ba lần.
Gần ba tháng theo chân đoàn phim Lời nguyền huyết ngải, Trí Viễn - sinh viên khoa nghệ thuật điện ảnh Trường ĐH Sân khấu Hà Nội - nhận làm rất nhiều việc: trợ lý cho... trợ lý của đạo diễn, trợ lý sản xuất, gọi diễn viên dậy đúng giờ, tập kết diễn viên trước mỗi cảnh... Hỏi đến vấn đề thù lao, Trí Viễn giơ ngón tay cái lên thông báo: đã kiếm đủ... nửa tiền làm phim tốt nghiệp!
|
Những sinh viên chọn cách bám đoàn phim như Trí Viễn hầu hết đều cúp lịch học, rồi “thi lại bét nhè chè đỗ đen”. Sau khi lo xong chi phí, sinh viên lại gặp tình trạng trôi lịch (vỡ kế hoạch sản xuất), vì khả năng, kinh nghiệm làm phim chưa nhiều, chưa tính toán được nhiều trường hợp xảy ra. Chính những điều ấy khiến sinh viên càng lúng túng, mệt mỏi, cố gắng hoàn thiện nhanh, quay phim không quá ba ngày. Nhiều sinh viên sau những “dư chấn” do áp lực chi phí đem lại, làm xong phim tốt nghiệp cũng xác định luôn việc...bỏ nghề, rẽ hướng khác.
Trương Minh Quý, từng theo học khoa đạo diễn ĐH Sân khấu TP.HCM, là một trong số không nhiều sinh viên xoay tiền từ các nguồn tài trợ. Minh Quý từng nhận được 20 triệu đồng cho phim ngắn Căn phòng nhờ việc “săn” các cuộc thi sáng tác do Hội Điện ảnh TP.HCM tổ chức.
Với phim ngắn Ngày chủ nhật bình thường (diễn viên Hồng Ánh đóng vai chính), Quý cùng nhà sản xuất Văn Quý Ngọc Ái tìm chi phí qua đường lập hồ sơ (proposal) xin tài trợ từ các quỹ nước ngoài.
Bên cạnh các quỹ nước ngoài, theo Quý, một cách làm thủ công hơn là có thể xin tài trợ tiền mặt từ những người quen, bạn bè có khả năng. Quý cũng liệt kê những trường hợp của bạn bè: đi làm quảng cáo, làm phó đạo diễn phim truyền hình, thậm chí cả những việc như vay tiền ngân hàng, kinh doanh nhỏ lẻ, mở shop mong có tiền lãi làm phim.
“Tuy nhiên, đi làm, xin tài trợ hay xoay theo cách của mình để lấy tiền làm phim không phải lựa chọn của số đông. Dù biết gánh nặng đè lên cha mẹ, nhưng với lịch học dày đặc, khoảng 90% các bạn học điện ảnh làm phim tốt nghiệp từ nguồn ngân hàng “u-ta-chi” (tiếng lóng của sinh viên: “mẹ chi tiền”)” - Trí Viễn nói.
Còn chuyện nhà trường chia sẻ áp lực về chi phí, nguồn lực...? Thực tế các thiết bị máy móc ở trường, nếu có, hoặc rất cũ kỹ, hoặc chỉ dùng để giáo viên giới thiệu cách sử dụng, chứ không ưu tiên cho sinh viên mang đi thực hành. Chưa kể mượn được máy trường, tâm trạng nơm nớp lo máy hỏng phải đền, lại có người giám sát hoặc phải trả lại nhà trường trong thời gian rất ngắn (thường là một ngày). Với tâm lý như vậy, sinh viên đành chấp nhận bỏ tiền làm luôn, riêng chi phí máy móc thiết bị cho một phim bài tập chiếm tới 60-80% chi phí làm phim.
Thành ra tốt nhất vẫn là tự lực chi phí. Trí Viễn kể: “Tôi biết có những bộ phim tốt nghiệp giá chỉ... 3 triệu đồng, là số tiền ăn uống trong hai ngày quay, còn lại chia đều công sức lên sinh viên đạo diễn, kịch bản, quay phim, thiết kế mỹ thuật, hóa trang...”.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)