Kiểm toán phải ngăn ngừa được tham nhũng

20/11/2010 00:22 GMT+7

Đây là đề nghị của nhiều ĐBQH khi thảo luận tại nghị trường chiều 19.11 về dự luật Kiểm toán độc lập.

Một trong những vấn đề nhiều ĐB tập trung thảo luận là đối tượng bắt buộc kiểm toán hàng năm theo quy định của dự Luật kiểm toán độc lập. ĐB Thái Thị An Chung (Nghệ An) nhận xét dự án Luật kiểm toán độc lập quy định về đối tượng được kiểm toán chưa có thay đổi gì khác biệt so với Nghị định 105, đặc biệt là chưa nhấn mạnh tới yếu tố quy mô của doanh nghiệp (DN) và mức độ ảnh hưởng tới xã hội phải bắt buộc kiểm toán, mà chỉ nhấn mạnh tới yếu tố chủ sở hữu là Nhà nước hoặc nước ngoài.

 
ĐB Phạm Thị Loan: Tất cả các khoản sử dụng ngân sách của Nhà nước cần phải kiểm toán bắt buộc trong tương lai - Ảnh: Ngọc Thắng

Vì vậy, theo ĐB này đề nghị bổ sung thêm trong luật các đối tượng bắt buộc kiểm toán như các DN hoạt trong lĩnh vực đầu tư có điều kiện (ngành thăm dò khai thác tài nguyên thiên nhiên, kinh doanh bất động sản, xuất nhập khẩu, phân phối…); các công ty tư nhân (trong bối cảnh hầu hết các công ty tư nhân ở VN đều là công ty trách nhiệm hữu hạn và cổ phần) để tránh tình trạng khi DN trốn thuế hay lâm vào phá sản, nợ bảo hiểm, nợ xấu, nợ lương cán bộ công nhân viên, nhưng các cơ quan hữu quan không thể biết trước được tình hình và có thể phải chịu trách nhiệm xã hội thay; và các DN có dự án đầu tư ra nước ngoài, để tránh chuyển tiền hoặc đầu tư ra nước ngoài trái pháp luật.

Cũng bàn về đối tượng bắt buộc kiểm toán, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng “cần thiết phải bổ sung thêm các đối tượng bắt buộc kiểm toán bao gồm báo cáo tài chính của DN nhà nước, báo cáo quyết toán, dự toán hoàn thành của DN tổ chức thực hiện các dự toán dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A”.

Theo ĐB Khá, trước mắt, luật chỉ quy định tới mức đó, nếu khi khả năng chuyên môn hoặc nhân lực bảo đảm thì sẽ mở rộng hơn đối với DN sử dụng vốn nhà nước, trừ các dự án thuộc về bí mật quốc gia. “Có như vậy thì mới góp phần làm lành mạnh hóa môi trường đầu tư thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát và tham nhũng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành kinh tế tài chính của Nhà nước và hoạt động của DN”, ĐB Khá nhấn mạnh.

ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) cũng đề nghị xem kiểm toán bắt buộc tất cả các dự án nhóm A và nhóm B. “Tôi cho rằng vấn đề kiểm toán bắt buộc đối với các khoản hoặc các dự án sử dụng ngân sách của Nhà nước thì không chỉ có nhóm A và nhóm B, mà tất cả các khoản sử dụng ngân sách của Nhà nước cần phải được kiểm toán bắt buộc trong tương lai”, ĐB Loan bày tỏ quan điểm.

Để kiểm soát chất lượng kiểm toán, ĐB Thái Thị An Chung (Nghệ An) đề nghị “nên nghiên cứu thành lập cơ quan độc lập để kiểm soát hoạt động kiểm toán”. 

“Chính phủ không chủ trương phá giá đồng VN”

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định như vậy khi trả lời chất vấn ĐBQH bằng văn bản.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đặt câu hỏi: “Có việc đồng tiền VN có nguy cơ bị mất giá như dư luận lo lắng không? Bộ sẽ có những đề xuất chính sách, giải pháp như thế nào?”.

Không trả lời thẳng về việc "đồng tiền VN có nguy cơ mất giá hay không", Bộ trưởng Vũ Văn Ninh “đề nghị ĐBQH, Văn phòng QH chuyển (câu hỏi này - PV) đến các bộ, ngành liên quan để trả lời chất vấn của ĐBQH được đầy đủ”. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định: “Chính phủ không có chủ trương phá giá đồng tiền VN, Chính phủ đã và đang áp dụng các biện pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền VN”.

Về “nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, của tình hình hình tăng giá cao hiện nay? Trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc tham mưu với Chính phủ và thực hiện các chính sách quản lý, điều tiết, kiềm chế tăng giá?”, Bộ trưởng Tài chính lý giải: việc tăng giá các mặt hàng có nhiều nguyên nhân. Khách quan thì do nền kinh tế nước ta đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới nên giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước (sản xuất bằng nguyên, nhiên, liệu nhập khẩu) cũng chịu ảnh hưởng lớn của giá cả thị trường thế giới. Ngoài ra, sự biến động của giá vàng, giá ngoại tệ trên thị trường thế giới cũng tác động trực tiếp đến giá vàng và giá ngoại tệ trong nước, từ đó tạo áp lực tâm lý tác động lan tỏa đến giá cả hàng hóa, dịch vụ khác trong nước.

Về mặt chủ quan, Bộ trưởng nhìn nhận: “Do sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn thấp, công nghệ sản xuất một số ngành chậm đổi mới; chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm còn cao, thị trường tiêu thụ hạn chế… nên các DN cũng gặp nhiều khó khăn trong việc giảm giá bán hàng hóa, dịch vụ”.

Bảo Cầm

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.