Kiến nghị Chính phủ tạo thuận lợi tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc gạo

Nguyên Nga
Nguyên Nga
13/08/2021 10:10 GMT+7

Ngày 12.8, Bộ trưởng Bộ Công thương có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tạo thuận lợi tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo, hàng hóa.

Ngày 10.8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản số 5747 đề nghị các ngân hàng thương mại và ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo vốn tín dụng phục vụ thu mua, tạm trữ thóc, gạo tại khu vực bằng nhiều hình thức như: mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ thóc, gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến thóc, gạo; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp...
Bộ Công thương cho rằng, qua theo dõi tình hình thị trường và thông tin trao đổi tại cuộc họp ngày 12.8 giữa Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực phía nam với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, việc tiếp cận nguồn vốn theo văn bản số 5747 nêu trên tuy đã giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng nhưng chưa hoàn toàn được thuận lợi.
Để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo cho nông dân, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại có hỗ trợ nhất định về lãi suất cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm sẽ thu mua.
Trước đó, tại buổi họp với Tổ công tác Bộ Công thương, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam và một số doanh nghiệp đã nêu những vấn đề khó khăn và đề xuất một số kiến nghị như “nhờ” Bộ Công thương làm việc với các hệ thống cảng, các địa phương để tháo gỡ vấn đề ách tắc trong khâu giao nhận hàng hóa, tránh ảnh hưởng tới khả năng xuất khẩu gạo của doanh nghiệp. Ưu tiên tiêm vắc xin cho lao động tham gia chuỗi sản xuất và vận chuyển hàng, logistics ngành lúa gạo trên đường thủy và đường bộ; xem xét gia hạn hiệu lực của giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 lên 5 ngày để tận dụng các xà lan lớn vận chuyển hàng hóa. Tạo chính sách luồng xanh trong lưu thông lúa gạo đường thủy nội địa theo hai cung đường: cánh đồng về nhà máy, nhà máy đến các cảng logistics. Hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp (tăng hạn mức vay, kéo dài thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay và giải ngân vốn nhanh) để hỗ trợ thu mua lúa. Và đề xuất địa phương có cơ chế cho lao động của nhà máy sản xuất lúa gạo được di chuyển trong giờ giới nghiêm (việc thu mua lúa gạo trong vùng dân cư không về kịp trước 18 giờ, công nhân nhập lúa đến 22 giờ).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.