Kiên quyết xử lý cán bộ, chiến sĩ nếu bảo kê 'cát tặc'

'Chúng tôi chống 'cát tặc', nếu có biểu hiện tiêu cực trong nội bộ, sẽ kiên quyết xử lý chứ không bao che', đại tá Trần Xuân Lịch - Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ đội biên phòng TP.HCM khẳng định

Sau khi Báo Thanh Niên đăng bài điều tra Ào ạt “rút ruột” biển Cần Giờ, hôm qua (1.11), PV Thanh Niên đã làm việc với đại tá Trần Xuân Lịch - Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ đội biên phòng và thượng tá Trần Thanh Đức, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng (TP.HCM) xoay quanh vấn đề này.
Báo Thanh Niên phản ánh nhiều tàu “bạch tuộc” ngang nhiên khai thác cát trái phép trên biển Cần Giờ bất kể thời gian. Bộ đội biên phòng (BĐBP) nhận định thế nào về việc này?
Thượng tá Trần Thanh Đức: Sự việc Báo Thanh Niên phản ánh là đúng. Việc khai thác cát trái phép tại khu vực Cồn Ngựa (Cần Giờ) là điểm nóng nhiều năm qua. Lực lượng BĐBP đã nỗ lực và tích cực đấu tranh nhưng hiệu quả chưa cao.
Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh, UBND TP.HCM đã giao BĐBP phối hợp với các ban, ngành xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép trên biển Cần Giờ. Vậy đơn vị đã có kế hoạch gì?
Thượng tá Trần Thanh Đức: Chúng tôi đã lên kế hoạch đấu tranh loại tội phạm này từ lâu rồi. Sắp tới sẽ huy động hết lực lượng để tuần tra lưu động trên biển, giám sát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển cát tại các cửa sông Thị Vải, Lòng Tàu và Soài Rạp. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác để đấu tranh loại tội phạm này. Chúng tôi sẽ quyết tâm giải quyết dứt điểm, triệt để điểm nóng khai thác cát trái phép tại đây. Bằng mọi cách không thể thua các đối tượng “cát tặc” được.
Kiên quyết xử lý cán bộ, chiến sĩ nếu bảo kê 'cát tặc'1
Tàu “bạch tuộc” số hiệu NĐ 3232 đang vận chuyển cát trên sông Soài Rạp
Có thông tin cho rằng lực lượng BĐBP được “cát tặc” chia “phần trăm” trong số tiền bán cát được hút trên biển Cần Giờ. Đơn vị có từng nghe thông tin này?
Đại tá Trần Xuân Lịch: Chúng tôi chưa nghe, chưa phát hiện việc này. Chúng tôi chống “cát tặc”, nếu có biểu hiện tiêu cực trong nội bộ, sẽ kiên quyết xử lý chứ không bao che. Đó là quan điểm, chủ trương rõ ràng của BĐBP. Việc dư luận nói rằng BĐBP có “phần trăm” trong tiền bán cát biển thì chúng tôi khẳng định là không có.
Vậy tại sao hàng chục chiếc tàu “bạch tuộc” ngang nhiên hút cát trên biển và đi lại trên sông, thưa ông?
Đại tá Trần Xuân Lịch: Có thể người dân thấy cách đây 1 năm Công ty khai thác cảng được cấp phép khai thác cát tại khu vực Cồn Ngựa. Thời điểm đó, mỗi ngày có 30 - 40 chiếc ra khu vực này hút cát. Không thể tránh khỏi “cát tặc” trà trộn vào hút cát trái phép. Thời gian đầu, việc kiểm soát chưa tốt. Hiện nay Công ty khai thác cảng không còn khai thác nữa, chỉ có dăm ba chiếc (khai thác lậu, không phải của công ty trên) ra vào hút thôi. Khi bị đánh động, các đối tượng rút về Vũng Tàu ẩn nấp.
Trong năm 2017, CSGT đường thủy TP.HCM bắt và đề xuất tịch thu hai tàu “bạch tuộc” khai thác, vận chuyển cát từ biển Cần Giờ. Trong khi đó, BĐBP bắt 33 vụ, xử phạt gần 1,5 tỉ đồng, thả tàu, sau đó những tàu này tiếp tục khai thác cát trái phép. Phải chăng BĐBP xử phạt nhẹ để lấy số liệu báo cáo thành tích?
Thượng tá Trần Thanh Đức: Theo quy định tịch thu tang vật phương tiện, có cái khó là phương tiện vi phạm nhiều lần, nhưng đối tượng điều khiển phương tiện vi phạm thì thay đổi. Vì vậy xác định hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện rất khó. Bên cạnh đó, người vi phạm là người làm thuê chứ không phải chủ tàu. Thời gian tới chúng tôi rà soát lại các văn bản, tìm các chế tài cụ thể làm sao để tịch thu phương tiện. Việc nhiều tàu bị bắt xong, thả ra và tái phạm là có thật.
Có phải mức phạt quá nhẹ khiến các chủ tàu hút cát lờn mặt, không sợ?
Thượng tá Trần Thanh Đức: Đúng vậy! Mức xử phạt hành chính nhẹ và không đủ sức răn đe. BĐBP từng có văn bản xin cơ chế riêng để xử lý hành vi khai thác cát tái phạm và kiên quyết phải xử lý hình sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.