Kiểu tận thu không phù hợp

19/11/2008 23:15 GMT+7

Báo Thanh Niên số ra ngày 19.11 có bài về việc nhiều ngân hàng (NH) đang chuẩn bị thu phí giao dịch trên máy ATM. Thanh Niên đã nhận được nhiều ý kiến của độc giả không đồng tình.

Quyết định của tầm chiến lược thấp

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM - nhận định: “Không ai đi thu phí giao dịch ATM vào thời điểm hiện nay. Điều này thể hiện tầm chiến lược không cao của các NH này. NH phải xem sản phẩm ATM là một dịch vụ hỗ trợ cộng thêm cho dịch vụ chính của mình là tín dụng và đầu tư nên không thể tính toán lời lỗ ở dịch vụ này. Thậm chí NH cũng có thể chịu lỗ ở dịch vụ ATM nhưng bù lại sẽ được lợi nhuận ở những dịch vụ khác. Ví dụ hiện nay với số tiền tối thiểu trong thẻ ATM là 100.000 đồng, nhân với khoảng 14 triệu thẻ ATM trên toàn quốc thì sẽ có đến 1.400 tỉ đồng, đây là một số tiền không nhỏ. Khoản tiền ổn định này được các NH đem cho vay, thậm chí cho vay cả trung và dài hạn thì sẽ thu được một khoản lãi suất khá cao trong khi chỉ trả lãi suất không thời hạn thấp hơn rất nhiều cho các chủ thẻ. Chỉ khoản tiền này thôi cũng sẽ đủ bù cho khoản đầu tư vào máy ATM. Rõ ràng bài toán tận thu này là một cách làm không khiến khách hàng tâm phục khẩu phục. Đặc biệt NH có nghĩ đến việc chất lượng của dịch vụ có tương xứng để thu phí hay không? Ở đây không nói đến chuyện thu phí là bao nhiêu. Nếu phí thu có lên gấp 4-5 lần nhưng chất lượng đảm bảo và đáng để sử dụng thì tôi tin rằng sẽ có nhiều người tự động vẫn đến NH để làm thẻ ATM. Người dân là khách hàng có quyền mặc cả cho những dịch vụ khi mình muốn sử dụng. Ở nhiều nước khác, cũng có NH thu phí và NH không thu phí nhưng người dân có quyền lựa chọn nơi đâu phục vụ cho mình tốt nhất”. Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cũng nhận định về mặt vĩ mô, việc thu phí giao dịch ATM sẽ không khuyến khích việc nhiều người dân tham gia sử dụng các phương tiện thanh toán qua NH.

Theo chị Mai Thị Trinh - nhân viên Công ty cổ phần Thế giới di động - số tiền thu phí đối với giao dịch qua ATM tối thiểu là 1.000 đồng/giao dịch không phải nhỏ nếu hằng tháng chị cần rút hết tiền lương được công ty chuyển qua thẻ, trong khi máy ATM chỉ cho phép rút tối đa 2 triệu đồng/lần. "Nếu thu phí tôi sẽ vào NH làm thủ tục để rút hết một lần cho xong. Tiền để trong tài khoản lãi suất cũng không được bao nhiêu mà rút ra bị tính phí thì không ai thích cả", chị Trinh nói.

Nguyễn Văn Tín, một sinh viên năm thứ nhất khoa Kinh tế ĐH Quốc gia TP.HCM, bày tỏ sự lo lắng khi nghe về chuyện NH thu phí ATM. Tín cho biết hằng tháng gia đình gửi tiền qua NH và làm thẻ để Tín rút ra chi dùng cho tiện lợi. Để tiết kiệm và an toàn, mỗi lần Tín chỉ rút 100.000 - 200.000 đồng. Nếu phải nộp phí cho một lần giao dịch như vậy thì chắc chắn Tín sẽ phải chọn cách rút luôn một lần và để dành sử dụng trong cả tháng. Mà như thế thì ưu thế tiện lợi và an toàn của ATM sẽ không còn.

Các ngân hàng cần tính toán kỹ

Theo Tiến sĩ Trần Hoàng  Ngân – Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TP.HCM - các NH phải tính toán kỹ trước khi đưa ra phương án thu phí giao dịch ATM. “Nếu NH nào xét thấy công nghệ của mình đã thỏa mãn được khách hàng thì việc thu phí sẽ không có vấn đề gì. Ngược lại nếu sản phẩm dịch vụ của NH luôn bị lỗi và khách hàng không thấy hài lòng thì việc tính phí đó sẽ khiến cho khách hàng bỏ không sử dụng dịch vụ”.

Tiến sĩ Ngân nhận xét, trong điều kiện hiện nay khi vấn đề thanh toán qua NH vẫn còn được áp dụng manh tính thí điểm, nhiều người dân vẫn chưa sử dụng các phương tiện thanh tóan qua NH, các NH cần hỗ trợ và khuyến khích người dùng. Ngoài ra các NH cũng phải đẩy mạnh nhiều giải pháp đi kèm cho các giao dịch qua ATM hơn nữa ngoài việc chi trả tiền mặt thông qua máy ATM.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.