Kim Ngọc từng mang tiếng oan

17/12/2008 00:17 GMT+7

Nghe đọc bàiDiễn viên chuyên đóng vai phụ Kim Ngọc rất có duyên trên sân khấu Kịch IDECAF. Ít người biết phía sau nét thầm lặng của chị là một tâm hồn nhạy cảm, sâu sắc, và những vết thương lòng không dễ gì quên...

Ký ức tuổi thơ

Kim Ngọc là cháu cố của ông Cả Giáo, một phú hộ ở Cần Thơ, ruộng đất cò bay thẳng cánh, rất thương nông dân. Nhưng do người vợ lẽ làm tiêu tan sự nghiệp, nên tới đời con là ông Cả Huấn (nội của Kim Ngọc) không còn cục đất chọi chim. Ông Cả Huấn phải lấy thân mình kéo cày thay trâu. Mùa này qua mùa khác, ông dần dần chuộc lại những miếng ruộng người dì ghẻ đã cầm cố. Vì thế, khi đã giàu có, ông vẫn gần gũi với dân nghèo.

Những tá điền của ông thường được giúp đỡ, giảm tô, giảm nợ, nên họ không xem ông như những "địa chủ" khác. Lòng vẫn lo, cha mẹ Kim Ngọc bồng bế nhau ra thị thành, bỏ hết cơ ngơi. May mà có người quản gia tâm phúc nửa đêm lén đào được một hũ vàng, vượt rào đem ra cho gia đình mua căn nhà sinh sống. Toàn bộ tài sản chỉ còn có vậy. Và sau này khi trở về thăm, cả nhà bàng hoàng thấy ngôi mộ của ông nội được một tá điền chăm sóc tử tế. Kim Ngọc nói: "Chúng tôi tri ân người quản gia và người tá điền ấy suốt đời".

Và có lẽ nhờ những năm tháng gần gũi với người nông dân cùng khổ mà cha của Kim Ngọc đã cầm bút tái hiện lại qua tập truyện vừa Đồng nọc nạn, sau này được chuyển thể thành phim, được khán giả khen ngợi rất nhiều. Từ một công tử nhà giàu, rồi tay trắng, ông trở thành nhà văn Phúc Vân, thường viết truyện thiếu nhi cho các báo. Mẹ của Kim Ngọc gây dựng một hiệu sách để nuôi gia đình, rồi mê văn chương luôn, trở thành tác giả Hàn Xuân cũng chuyên viết cho thiếu nhi. Anh chị em Kim Ngọc là những độc giả đầu tiên "thẩm định" tác phẩm. Cha mẹ viết xong truyện nào thì đọc ngay cho lũ con nghe.

Kim Ngọc nhớ mãi khung cảnh ngôi nhà ở Thủ Đức, trong vườn trồng đầy hoa trái bốn mùa thơm ngon, cha nằm lắc lư trên chiếc võng mắc giữa hai hàng cây xanh, miệng đọc những câu văn cho đứa con gái lắng tai nghe. Lời văn chen với tiếng chim, tuổi thơ đẹp ngọt ngào... Ba của Kim Ngọc còn thuê hẳn một nhạc sĩ về dạy các con đàn hát và diễn hoạt cảnh, đóng chung với con nít hàng xóm nữa. Căn nhà trở thành một "sân khấu" rộn ràng tiếng hát tiếng cười...

Ký ức đó mãi theo chân Kim Ngọc, nuôi dưỡng một tâm hồn trong trẻo. Sống giữa đất Sài Gòn bon chen, mà Kim Ngọc vẫn có thể tách mình ra, giản dị, lặng thầm. Gọi đó là cô đơn cũng được, nhưng Kim Ngọc vẫn tìm được niềm vui trong sự tĩnh lặng riêng mình. Dễ bắt gặp chị ở phố với chiếc xe đạp và bộ quần áo thể thao màu xanh. Đi đâu, chị cũng chạy xe đạp, trừ khi quá xa và gấp gáp thì mới leo lên Honda. Khán giả có ngạc nhiên thì chị cười trừ. Đường sự nghiệp của chị dẫu không thăng tiến mạnh mẽ như bao người, nhưng khán giả cũng đã yêu mến chị qua nhiều vai diễn, hạnh phúc lắm rồi, không có gì phải tự ái bởi xe này xe kia.

Nỗi oan...

Kim Ngọc từng tốt nghiệp khoa đạo diễn năm 1987, nhưng thất nghiệp 10 năm, anh em thương quá, kêu về sân khấu Kịch IDECAF, và giao chị phụ trách khâu... ủi đồ. Thôi thì phải biết chờ cơ hội. Bỏ sân khấu lâu quá, cần thời gian bắt nhịp lại. Chị đứng bên cánh gà để không khí sàn diễn thấm vào mình. Và vở Đứa con tiền kiếp bắt đầu "sự nghiệp" của chị, đến vở Chuyện văn chương thì khán giả quá bất ngờ với vai cô hầu gái da đen cực kỳ có duyên. Từ đó, Kim Ngọc nhận được nhiều vai trong kịch lẫn phim, mà mới nhất là vai bà Tám trong Sóng gió cuộc đời đi đâu cũng được khán giả vẫy chào.

Kim Ngọc cười: "Không hiểu sao tánh mình hay buồn mà lên sân khấu và phim lại "quậy tưng" được vậy! Diễn hài thì nhẹ nhàng đầu óc lắm, cứ như mình được giảm stress. Chắc tổ nghiệp thương, cho cân bằng tâm lý".

Nhưng khi hỏi: tại sao năm ấy chị lại bỏ làm vở diễn tốt nghiệp, thì Kim Ngọc trầm hẳn xuống. Lâu lắm chị mới trả lời: "Bao nhiêu năm tôi không thích nhắc lại. Mà thôi, nói một lần biết đâu nhẹ đi, không vướng bận nữa. Khoảng năm 1984, tôi đang học ở trường Sân khấu TP.HCM thì có một đoàn phim của Pháp sang làm bộ phim về Molière. Tôi biết chút ít tiếng Pháp nên đeo theo ông đạo diễn để hỏi han. Ngày xưa, mẹ tôi mở hiệu sách, có đủ các tạp chí nước ngoài, tôi mê đọc báo và sách lắm.

Nhưng sau giải phóng, thị trường trở nên khan hiếm, lớp trẻ chúng tôi bỗng thiếu thông tin về thế giới. Cho nên, tôi hỏi ông đạo diễn một câu rằng: "Lớp trẻ như chúng tôi tại Pháp họ đang làm gì?". Ông ta kể họ đang tham gia các chương trình hỗ trợ người dân về an ninh trật tự, về môi trường, về giáo dục... Tôi và ông đi dạo trên phố, say mê trao đổi. Thế mà tôi lại bị công an mời lên hỏi chuyện. May nhờ có mấy chú, mấy chị công an cũng yêu mến sân khấu, hiểu biết, họ cười xòa cho tôi về. Nhưng không ngờ, dư luận trong trường lại đồn thổi rằng tôi ngủ với Tây, ai cũng nhìn tôi khinh bỉ. Giờ học, thầy chủ nhiệm lên lớp cứ đem chuyện đó ra mà cạo". 

Bây giờ Kim Ngọc đang tìm một niềm vui mới bằng công việc viết kịch bản. Chị rất muốn nối nghiệp cha mẹ, nhưng sợ mình không đủ sức. Chị nói: "Tôi viết chỉ với mục đích giản đơn là trải nỗi niềm lên trang giấy, như có người bạn chia sẻ tâm tình, chứ ôm mãi trong lòng khó chịu quá. Mỗi ngày đọc báo, rồi quan sát cuộc đời, thấy có nhiều điều trăn trở, thèm viết vô cùng. Mới thử nghiệm kịch bản đầu tay, thành bại gì cũng vui. Còn ước mơ cuối cùng là có một không gian yên tĩnh như ngôi nhà ngày xưa ở Thủ Đức để tôi tìm về những giây phút tĩnh tâm, thơ mộng. Tôi không quen đãi bôi, nên ít bạn bè. Chỉ có tuổi thơ cho tôi tựa vào mà đi tới...".

“Một cô gái hai mươi tuổi như tôi lúc ấy làm sao chịu nổi sự cố đó. Tôi tự tử. May được cứu sống. Và giã từ ngôi trường, không làm vở diễn tốt nghiệp, ở ẩn luôn 10 năm. Bây giờ cuộc sống đã thoáng lắm rồi, tôi chỉ tự nhủ ngày ấy mình "xui" thôi. Dù vẫn nặng lòng, nhưng tha thứ hết".

- Diễn viên Kim Ngọc

H.K

>> Nữ hài Phi Phụng với hạnh phúc… bán yaourt
>> Khi Kim Ngọc không “nghe” trong bóng tối 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.