ASEAN tiến tới bỏ rào cản ngành ô tô

11/05/2016 06:00 GMT+7

Giới chuyên gia đánh giá việc dỡ bỏ các rào cản trong ASEAN đối với ngành ô tô sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng VN.

Các thành viên ASEAN đang xem xét dỡ bỏ những rào cản kỹ thuật đối với phụ tùng ô tô được mua bán trong khu vực nhằm giúp cắt giảm chi phí sản xuất, từ đó tăng sức hút đối với đầu tư nước ngoài.
Kiểm định một cửa
Tại cuộc họp do Nhóm công tác sản phẩm ô tô thuộc Ủy ban Tư vấn ASEAN về tiêu chuẩn và chất lượng tổ chức hồi tuần trước tại Brunei, ông Mohd Zain Abdul Razak, một lãnh đạo cấp cao của Bộ Truyền thông nước chủ nhà, nhận xét sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ tác động tích cực đến ngành công nghiệp ô tô khu vực, giúp tăng cường cạnh tranh và đẩy mạnh sáng tạo. “Tuy nhiên, cũng như các ngành khác, các rào cản phi thuế quan hiện vẫn là một thách thức”, tờ The Brunei Times dẫn lời ông nhận định.
Theo nghiên cứu do Công ty tư vấn Oxford Economics (Anh) công bố cuối năm ngoái, trong khi thuế nhập khẩu ô tô trong ASEAN đã giảm mạnh, vẫn có tới 190 biện pháp phi thuế quan được áp dụng tại các thành viên trong giai đoạn 2009 - 2013, gây trở ngại đáng kể đối với sự phát triển kinh tế của khu vực. Theo nghiên cứu, ngành ô tô chậm hơn các ngành khác trong việc dỡ bỏ rào cản phi thuế quan, với hơn 70% ô tô và phụ tùng nhập khẩu hiện đang phải gánh chịu các rào cản này ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Phổ biến nhất là rào cản kỹ thuật đối với thương mại và kiểm soát số lượng, ảnh hưởng đến 25% tăng trưởng của ngành ô tô trong khu vực, theo Oxford Economics.
Để tiến tới khắc phục tình trạng này, ASEAN đang thảo luận về thiết lập Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (Mutual Recognition Arrangement - MRA) đối với linh kiện ô tô.
Mục tiêu chính của thỏa thuận là nhằm đảm bảo rằng khi chất lượng một sản phẩm linh kiện ô tô đã trải qua kiểm định, kiểm chứng chất lượng tại một đơn vị kiểm định hoặc phòng thí nghiệm được Ủy ban Tư vấn ASEAN về tiêu chuẩn và chất lượng chấp nhận thì sản phẩm đó có thể được nhập vào bất kỳ thành viên ASEAN nào mà không cần phải kiểm tra lại.
“Nếu MRA được áp dụng thành công, nhà sản xuất ở tất cả các nước ASEAN sẽ dễ dàng hơn và ít tốn kém hơn trong việc xuất khẩu sản phẩm phụ tùng ô tô sang các thành viên khác. Điều này sẽ đóng góp rất lớn cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN”, ông Mohd Zain nhận định. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Oxford Economics đánh giá việc dỡ bỏ những biện pháp phi thuế quan trong ngành ô tô ở ASEAN sẽ tạo ra 500.000 việc làm mới đồng thời góp phần tăng trưởng kinh tế.
Nhóm công tác sản phẩm ô tô dự tính sẽ trình MRA lên Ủy ban Tư vấn ASEAN về tiêu chuẩn và chất lượng vào tháng 6. Nếu được thông qua, thỏa thuận này sẽ tiếp tục được trình ký tại Hội nghị các lãnh đạo kinh tế ASEAN vào cuối năm nay.
Người Việt hưởng lợi
Việc dỡ bỏ hàng rào kỹ thuật bằng cách thiết lập MRA đối với các linh kiện ô tô, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, là quá tốt. Bởi để hình thành chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm, cần có những quy chuẩn. Thỏa thuận này là tiến đến quy chuẩn hóa đối với sản phẩm trong khối, trong đó có VN. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng: “Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã ký kết một số thỏa thuận công nhận lẫn nhau. Thỏa thuận công nhận lẫn nhau đối với linh kiện ô tô là một trong những đề nghị mà chúng ta nên ủng hộ. Để làm được điều này, các nước cần tăng cường giám sát giữa các bên. Đặc biệt, người tiêu dùng Việt sẽ được hưởng lợi từ những thỏa thuận này khi sử dụng hàng hóa dịch vụ chất lượng”. Dù vậy, ông Doanh cũng cho rằng doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn khi các công ty nước ngoài gia tăng chiếm thị phần. Ngược lại, theo ông Nguyễn Minh Phong, điều này không đáng ngại, nhất là khi người tiêu dùng trong nước sẽ được hưởng lợi hơn với những sản phẩm chất lượng, có thương hiệu… Đó là chưa kể khi MRA được áp dụng thì chi phí sản phẩm dịch vụ sẽ thấp hơn do được sản xuất nhiều cùng với thuế suất được giảm theo lộ trình.
Doanh số ô tô VN tăng nhanh thứ 2 Đông Nam Á
Trong khi doanh số bán ô tô trong quý 1/2016 tại 3 thị trường lớn nhất khu vực là Indonesia, Thái Lan và Malaysia đều sụt giảm thì thị trường VN lại có sự tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2016, lượng ô tô tiêu thụ tại VN đạt hơn 56.200 xe, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ tăng trưởng này chỉ đứng sau Singapore, quốc gia tiêu thụ gần 25.000 xe, tăng 87,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với hơn 131.200 xe được tiêu thụ, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước, Malaysia là quốc gia có doanh số ô tô sụt giảm mạnh nhất. Thái Lan tiêu thụ hơn 181.300 xe, giảm 8,3%, còn doanh số tại Indonesia là hơn 267.200 xe, giảm 5,3%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.